1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tin nhắn rác hoành hành: Người dùng điện thoại có quyền khởi kiện

Người dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) đang rất khốn khổ vì bị làm phiền bởi tin nhắn suốt cả ngày đêm. Đặc biệt, những ngày cuối năm này, các thuê bao di động liên tục bị “khủng bố” dồn dập bởi đủ các loại các tin nhắn đến mức quá sức chịu đựng.

Vậy những người dùng ĐTDĐ có quyền khởi kiện các nhà mạng hay không?

Ảnh:
Internet

Ảnh: Internet

Thôi thì đủ các loại quảng cáo sản phẩm, chào mời mua nhà, đất, sử dụng khách sạn, tour du lịch, thậm chí tin nhắn rác còn mời chào mua từ hoa quả cho đến bằng đại học giả… Không chỉ có tin nhắn rác, mà còn đủ kiểu tin nhắn lừa: Lừa trúng thưởng, lừa nhắn tin vào tổng đài nếu thuê bao mất cảnh giác sẽ bị trừ mức cước phí khủng. Và đã có không ít người bị tra tấn khi nhắn tin vào ban đêm, hoặc sáng sớm, hay giờ nghỉ trưa.

Khách hàng đang bị khủng bố mà không thể chống đỡ dù đã cài các phần mềm ngăn chặn khi tin nhắn rác, và khách hàng không hề được bảo vệ từ các nhà mạng. Câu hỏi mà dư luận đặt ra là có sự thông đồng, tiếp tay, “hai bên cùng có lợi” giữa các đơn vị viễn thông với các doanh nghiệp quảng cáo,  đẩy khách hàng trở thành nạn nhân của tin rác hay không?

Hiện trạng việc tin nhắn rác (spam), tin nhắn lừa đảo gửi đến một cách tùy tiện, gây phiền toái, bức xúc, ức chế cho hàng loạt chủ nhân thuê bao điện thoại đang là tình trạng nhức nhối với xã hội. Theo ước tính của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội, mỗi ngày có khoảng một triệu tin nhắn được gửi đến các thuê bao. Tin nhắn rác hoành hành, ngày càng có những hình thức tinh vi, xảo quyệt hơn.

Một trong những nguyên nhân tin nhắn rác phát triển là quảng bá bằng tin nhắn rác có mức chi phí thấp, độ lan tỏa rộng so với các hình thức khác. Bên cạnh đó, công tác quản lý thuê bao di động trả trước dù đã có việc quản lý, xử lý đầu số nhưng chưa chặt chẽ dẫn đến các tổ chức, cá nhân dễ dàng mua sim đã được kích hoạt với số lượng lớn để phát tán tin nhắn rác đủ thể loại theo danh sách khách hàng được bán tràn lan trên mạng.

Khâu quản lý, giám sát việc cung cấp các đầu số và triển khai dịch vụ nội dung chưa chặt chẽ cũng góp phần cho tin nhắn rác bùng phát. Mỗi đầu số cung cấp dịch vụ nội dung số có thể nhắn đến 220.000 tin/giờ. Mức độ phát tán tin nhắn rác với tốc độ khủng khiếp như vậy đang là nỗi ám ảnh của khách hàng sử dụng ĐTDĐ.

Thêm vào đó, mức phạt đối với một số hành vi vi phạm chưa hiệu quả.  Theo Thanh tra Bộ TT-TT, từ đầu năm 2014 đến nay đã xử phạt 1,375 tỷ đồng đối với 17 doanh nghiệp, cá nhân phát tán tin nhắn rác, riêng tháng 10-2014 là 1,185 tỷ đồng. Đây không phải là con số nhỏ thế nhưng qua thực tế cho thấy các đối tượng phát tán tin nhắn vẫn không hề dừng lại mà lại ngày càng mạnh tay phát tán tin nhắn nhiều hơn.

Vì sao? Chỉ cần nhìn vào sự phân chia lợi nhuận giữa các doanh nghiệp viễn thông với các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung số theo tỷ lệ từ 60% đến 80% là đã thấy việc dẹp tin nhắn rác không phải dễ. Bởi nếu mạnh tay dẹp tin nhắn rác, các doanh nghiệp viễn thông sẽ mất đi khoản thu không nhỏ. Cơ quan quản lý còn nhận định nhiều đơn vị cung cấp nội dung di động đang tồn tại nhờ tin nhắn rác.

Chính vì vậy có thể hiểu tại sao chính các doanh nghiệp viễn thông lại để tin nhắn rác có đất sống. Theo thống kê mới công bố của Công ty An ninh mạng Bkav, mỗi ngày trung bình có khoảng 9,8 triệu tin nhắn thuộc dạng “spam” được gửi tới các thuê bao di động, mang lại nguồn thu khổng lồ cho các hãng viễn thông. Nếu tính trung bình 300 đồng mỗi tin nhắn, các nhà mạng thu về khoảng 3 tỷ đồng mỗi ngày, tương đương 100 tỷ đồng một tháng chỉ từ các hoạt động liên quan đến tin nhắn rác.

Nếu như vậy, xét về góc độ xử phạt hành chính thì mức xử phạt từ 15-20 triệu đồng với các hành vi phát tán tin nhắn rác chẳng thấm tháp gì so với số lợi nhuận khổng lồ trên. Cần thiết không cho phép các doanh nghiệp viễn thông quản lý các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung số mà đưa về một mối để Nhà nước quản lý cấp phép.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và Bộ TT&TT đã đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra các hoạt động này, nhưng tin nhắn rác vẫn đang hoành hành trên các mạng ĐTDĐ. Hiện tại, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác, tiếp đến là Nghị định 77/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90 về chống thư rác với các chế tài xử lý mạnh tay nhưng dường như vẫn chưa đủ sức mạnh đối với lợi nhuận khổng lồ từ tin nhắn rác. Đã đến lúc người sử dụng điện thoại phải sử dụng quyền khởi kiện các nhà mạng gây thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người dùng điện thoại. Không thể nương tay để tin rác hoành hành.

Nếu tin nhắn rác lừa đảo, có quyền tố cáo nhà mạng

Nghị định 77/2012/CP của Chính phủ về phòng chống thư rác có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 nhằm ràng buộc trách nhiệm của các công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CSP) và các nhà mạng trong việc ngăn chặn tin nhắn rác. Vì vậy, nếu chứng minh được tin nhắn rác gây thiệt hại, người dùng điện thoại di động có quyền khởi kiện nhà mạng.

Nếu tin rác lừa đảo, gây thiệt hại về tài chính từ 500.000 đồng trở lên, người tiêu dùng có quyền tố cáo nhà mạng đồng phạm với kẻ tung tin rác theo các tội danh chiếm đoạt tài sản. Trên thực tế, việc chứng minh thiệt hại rất khó khăn.

Tuy vậy, nếu bị thư rác làm phiền, người dùng điện thoại di động có quyền kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt nhà mạng hoặc các công ty cung cấp dịch vụ nội dung.

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Chưa có bất cứ biện pháp nào kiểm soát tin nhắn rác của cá nhân

Câu hỏi đặt ra lại tại sao lại xuất hiện nhiều tin nhắn rác đến vậy? Có sự tiếp tay của nhà mạng không? Và chế tài nào để ngăn chặn cũng như xử phạt những cá nhân, tổ chức phát tán tin nhắn rác? Hiện nay, Văn phòng luật cũng tiếp nhận không ít đơn khiếu nại của khách hàng vì bị tin nhắn rác lừa đảo, nhưng có một thực tế diễn ra đó là chỉ có thể khởi kiện được khi chủ thuê bao tìm ra người nhắn tin đến số ĐTDĐ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình là ai thì mới có thể khởi kiện được. Thực tế là phải xác định được chủ thể khởi kiện vì người gây thiệt hại cho chủ thuê bao là người nhắn tin chứ không phải… nhà mạng. Trong trường hợp này, các nhà mạng đều yêu cầu khách hàng cung cấp để cắt các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung số.

Nhưng cắt rồi thì lại mọc lên những đầu số cung cấp dịch vụ nội dung số khác tiếp tục “khủng bố” tin nhắn, trong đó có cả những tin nhắn lừa đảo.

Một con số khổng lồ là trong vòng 1 giờ các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung số có thể “phát tán” đến khoảng 220.000 tin. Liệu có sự ăn chia lợi nhuận giữa các doanh nghiệp viễn thông với các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung số? Nếu có thì đó là khoản lợi nhuận khổng lồ, mà các doanh nghiệp viễn thông “vô tình” tiếp tay cho các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung số “phát tán” tin nhắn rác.

Hiện nay có quá nhiều kẽ hở cũng như thiếu các quy định quản lý, xử phạt đối với hành vi phát tán tin nhắn rác - một thứ rác” không tuân thủ theo quy định của pháp luật được gửi đến người dùng một cách tùy tiện, bấp chấp việc họ có đồng ý hay không, mà nội dung hoàn toàn có thể chứa những “mã độc” mà chủ thuê bao vô tình bấm vào sẽ bị người lạ xâm nhập vào hệ thống, lấy cắp nội dung thông tin cá nhân.

Nhưng hiện chưa có bất cứ biện pháp nào để kiểm soát các tin nhắn do cá nhân gửi đi. Để ngăn chặn tin nhắn rác, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp bên cạnh quy định xử lý hành vi chuyển thông tin của người dùng một cách bất hợp pháp. Cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra trên diện rộng quản lý thông tin thuê bao trả trước nhằm hạn chế việc dùng sim rác để nhắn tin. Bên cạnh đó, các nhà mạng phải có cơ chế quản lý cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân của khách hàng, tránh bị lợi dụng một cách bất hợp pháp. Người dùng cũng cần thay đổi tâm lý, tư duy ngại kiện cáo mà mạnh dạn tố cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình…

Luật sư Hoàng Văn Dũng

Giám đốc Bộ phận Tranh tụng Văn phòng Luật sư Bross và cộng sự

 

 

Theo quy định tại Nghị định 77/2012/NĐ- CP, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 90/2008/NĐ- CP về Chống thư rác, những nội dung quản lý hoạt động quảng cáo thông qua tin nhắn quy định:

Người dùng dịch vụ viễn thông sẽ chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận. Đồng thời, các hành vi này phải chấm dứt ngay sau khi người nhận có yêu cầu từ chối.

Ngay khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối và phải chấm dứt việc gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo đã bị từ chối đến người nhận đó.

Không cho phép gửi quá 1 thư điện tử quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.

Chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.

 Theo Minh Điểm

An ninh thủ đô