Tìm thấy công văn "Tối mật" trong email của em gái ông Trịnh Văn Quyết
(Dân trí) - Trích xuất dữ liệu lưu trữ email huetm@flc.vn của Trịnh Thị Minh Huế, Bộ Công an phát hiện hình ảnh Công văn số 640/TTGSNH1. Phía trên bên trái công văn được đóng dấu "TỐI MẬT".
Trong quá trình điều tra vụ án Thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty cổ phần Xây dựng Faros và các công ty liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác minh dấu hiệu tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước của Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Trịnh Văn Quyết) và các đối tượng liên quan.
Theo đó, ngày 29/3/2022, Bộ Công an thi hành lệnh khám xét tại Phòng Công nghệ thông tin, Văn phòng Công ty Tập đoàn FLC, trích xuất dữ liệu lưu trữ email huetm@flc.vn của Huế từ một máy chủ, phát hiện ngày 10/6/2020 có hình ảnh Công văn số 640/TTGSNH1.
Đây là công văn ngày 2/6/2020 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài "Về việc đề nghị cung cấp thông tin doanh nghiệp, kèm theo Danh sách 5 doanh nghiệp và 5 cá nhân đại diện pháp luật".
"Phía trên bên trái công văn được đóng dấu "TỐI MẬT"", kết luận điều tra nêu.
Ngày 30/8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trưng cầu Cục An ninh chính trị nội bộ giám định Công văn 640 trên, để làm rõ việc văn bản này có phải tài liệu bí mật nhà nước tại thời điểm ban hành không? Thuộc độ mật và danh mục bí mật Nhà nước trong lĩnh vực nào?
Ngày 12/9, Cục An ninh chính trị nội bộ đã đưa ra kết luận. Trong đó, cơ quan chuyên môn xác định "mẫu giám định không phải là tài liệu bí mật nhà nước tại thời điểm ban hành".
Vì vậy, Bộ Công an kết luận hành vi lưu trữ hình ảnh bản photo là Công văn số 640 trong email của Trịnh Thị Minh Huế không đủ yếu tố cấu thành tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Quá trình thực hiện lệnh khám xét 21 địa điểm, chỗ ở, nơi làm việc của một số bị can, Bộ Công an đã phát hiện, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu và 47 phương tiện điện tử gồm điện thoại di động, laptop, máy tính bảng, máy tính bàn...
Về việc kê biên tài sản, phong tỏa tài sản, cơ quan điều tra đã thu giữ gần hơn 188 tỷ đồng, trong đó hơn 187,5 tỷ đồng là của ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC); hơn 3,5 tỷ đồng bán cổ phiếu ROS được các bị can tự nguyện nộp vào tài khoản tạm giữ của Bộ Công an.
Ông Trịnh Văn Quyết bị kê biên 3 thửa đất và tài sản gắn liền với đất tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội); Trịnh Thị Minh Huế bị kê biên 4 thửa đất tại quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm; Trịnh Thị Thúy Nga (chị gái Huế) bị kê biên 2 thửa đất tại quận Nam Từ Liêm.
Trong vụ án này, có 20 bị can bị đề nghị truy tố tội Thao túng thị trường chứng khoán; một bị can tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Riêng ông Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế và 2 người khác bị đề nghị truy tố về cả 2 tội danh trên.