1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cách cựu Chủ tịch FLC "đút túi" hơn 700 tỷ đồng từ thị trường chứng khoán

Hải Nam

(Dân trí) - Theo kết luận điều tra, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái mượn 45 chứng minh nhân dân, thành lập đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều tra vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng Faros và các công ty liên quan.

Trong đó, Bộ Công an đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC) và 19 người khác về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Riêng ông Quyết và 3 bị can khác bị đề nghị truy tố thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh này, có một người cũng bị đề nghị truy tố.

Theo kết luận điều tra, ông Trịnh Văn Quyết là người có trình độ hiểu biết về pháp luật và lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán. Bị can sáng lập Công ty Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và 50 công ty liên quan khác.

Cách cựu Chủ tịch FLC đút túi hơn 700 tỷ đồng từ thị trường chứng khoán - 1

Ông Trịnh Văn Quyết (Ảnh: Tiến Tuấn).

Bộ Công an cáo buộc, ông Quyết đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế và những người khác thao túng thị trường chứng khoán để thu lời bất chính hơn 700 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Cụ thể, trong thời gian kinh doanh chứng khoán, ông Quyết từng 2 lần bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt. Tuy nhiên, từ ngày 25/6/2017 đến 10/1/2022, ông Quyết vẫn chỉ đạo em gái mượn 45 chứng minh nhân dân, thành lập đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán.

Trong đó, 141 tài khoản mở tại Công ty BOS, 359 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác. 

Để thực hiện việc thao túng thị trường, ông Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Thúy Nga cấp hạn mức khống cho nhóm tài khoản của ông Quyết mở tại Công ty BOS, thời điểm từ cuối tháng 5/2017 đến đầu tháng 1/2022. 

Sau đó, ông Quyết chỉ đạo 3 cấp dưới tại Công ty BOS ban hành nghị quyết của HĐQT "ủy quyền cho Nga phê duyệt cấp hạn mức khách hàng khống để giao dịch chứng khoán hàng ngày cho 141 tài khoản chứng khoán...".

Từ đó, Huế sử dụng 79/141 tài khoản đặt hơn 15.000 lệnh, mua hơn 2.850 triệu các mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, ART, FLC, tương đương giá trị hơn 46.980 tỷ đồng.

Sau khi đặt lệnh mua, Huế thực hiện liên tục các hành vi "hủy lệnh, khớp lệnh chéo giữa các tài khoản với nhau hoặc mua vào với số lượng lớn cổ phiếu cùng một mã để thực hiện hành vi thao túng".

Theo kết luận điều tra, Huế đã khớp lệnh mua hơn 463 triệu cổ phiếu với tổng giá trị hơn 11.855 tỷ đồng.

Tạo được cung cầu giả khiến giá 5 mã chứng khoán trên tăng, ông Quyết chỉ đạo em gái bán cổ phiếu ra thị trường, thu lời bất chính hơn 700 tỷ đồng.

Số tiền trên được ông Trịnh Văn Quyết sử dụng để mua cổ phần Công ty Hàng không Tre Việt, Công ty FLC Travel, Công ty Nông dược HAI; trả nợ; chuyển vào các tài khoản chứng khoán; chi tiêu cá nhân.

Để che giấu hành vi phạm tội, cựu Chủ tịch FLC "lệnh" cho Nguyễn Quỳnh Anh (Tổng Giám đốc Công ty BOS) chỉ đạo nhân viên công ty ký chứng từ, ủy nhiệm chi thanh toán bù trừ, hợp thức việc cấp hạn mức khống, hạch toán báo cáo tài chính.

Kết luận điều tra chỉ ra, ông Quyết biết quy định trước khi bán cổ phiếu phải báo cáo với UBCKNN nhưng cựu Chủ tịch FLC vẫn chỉ đạo em gái bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC, trong phiên giao dịch ngày 10/1/2022. Các giao dịch khớp lệnh đối với cổ phiếu FLC trong phiên này sau đó đã bị UBCKNN hủy bỏ.