1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Tiếp tục đề nghị truy tố Phạm Công Danh cùng đồng phạm

(Dân trí) - Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay vốn khống, rút hơn 6.000 tỷ đồng của ngân hàng Xây dựng (do ông Danh lãnh đạo) rồi gửi tiền sang 3 ngân hàng khác nhằm bảo lãnh và trả nợ các khoản vay của các công ty ông Danh thành lập.

Ngày 28/4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Bộ Công an (C46) cho biết đơn vị này đã hoàn tất kết luận điều tra giai đoạn 2, đề nghị truy tố đối với Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB) và đồng phạm về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

 Bị can Phạm Công Danh.
Bị can Phạm Công Danh.

Trước đó, sau hơn 1 tháng xét xử và nghị án, HĐXX TAND TPHCM đã quyết định trả hồ sơ để điều tra lại làm rõ nhiều vấn đề. Trong quá trình xét hỏi, các bị cáo là các cán bộ BIDV, TPBank khẳng định không quen biết bị cáo Phạm Công Danh, các bị cáo thừa nhận có sai sót nhưng không cố ý. Qua quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa chưa làm sáng tỏ được vai trò đồng phạm của những bị cáo này.

Trầm Bê và Phan Huy Khang thừa nhận có gặp bàn bạc nhưng bàn bạc về việc vay tiền chứ không có mục đích nào khác. Trầm Bê thừa nhận gặp bị cáo Danh là theo quy trình vay tín dụng, việc sai sót là vấn đề nghiệp vụ cấp dưới. Việc phê duyệt là theo chủ trương, không biết mục đích thực sự của bị cáo Danh vay tiền.

Đối với cán bộ ngân hàng BIDV Chi nhánh Gia Định cho Công ty Phong Hiệp vay, cáo trạng của Viện KSND Tối cao cho rằng các bị cáo vi phạm khoản 3 điều 126 Luật các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong quá trình xét hỏi, Viện Kiểm sát xác định lại vi phạm khoản d điều 127 Luật tổ chức tín dụng. HĐXX đề nghị xem xét vấn đề này để làm rõ các bị cáo có vi phạm hay không?

Khi xác định dòng tiền 6.120 tỉ đồng sử dụng cho những mục đích nào, trong quá trình xét hỏi có dấu hiệu Phạm Công Danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, tòa yêu cầu điều tra làm rõ việc Phạm Công Danh và đồng phạm có chiếm đoạt tài sản này hay không, nếu có thì là bao nhiêu, thời điểm xảy ra vụ án?

Về số tiền 4.500 tỉ đồng Danh khai dùng để tăng vốn điều lệ, có nguồn gốc từ khoản vay BIDV. Số tiền này được chuyển về VNCB nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng ý. HĐXX xét thấy 4.500 tỉ đồng này được chuyển về VNCB và dùng cho VNCB. Như vậy, Phạm Công Danh và đồng phạm có hành vi cố ý làm trái như cáo trạng hay không? Có gây thiệt hại 6.120 tỉ đồng cho VNCB không?

Tại kết luận điều tra bổ sung lần này, CQĐT xác định kết quả điều tra bổ sung vụ án không phát sinh tình tiết mới nên CQĐT giữ nguyên quan điểm xử lý hành vi của 46 bị can trong vụ án như trước đây, không có gì thay đổi.

Theo nội dung vụ án, Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB; nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và các đồng phạm vì đã gây hậu quả nghiêm trọng tại 4 ngân hàng.

Theo đó, bị can Phạm Công Danh và các đồng phạm bị truy tố về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và VNCB.

Xuân Duy