Phạm Công Danh rất khó kiện CB đòi 4.500 tỉ đồng
(Dân trí) - Các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cho rằng việc làm rõ khoản tiền 4.500 tỉ đồng mà Danh dùng để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB, sau này là CB) là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi với thân phận hiện tại thì bị cáo Phạm Công Danh rất khó khởi kiện 1 ngân hàng để đòi lại số tiền này.
Ngày 29/1, phiên toà xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (sinh năm 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, TGĐ Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (sinh năm 1959, nguyên phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận lại của các luật sư sau khi Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm buộc tội với các bị cáo.
Bào chữa cho ông Phạm Công Danh, các luật sư tiếp tục đề nghị xem xét khoản tiền tăng vốn điều lệ 4.500 tỉ đồng vì cho rằng đây là nút thắt quan trọng của vụ án.
Theo luật sư Trần Minh Hải, đây là khoản tiền rất sát sao với khoản tiền Phạm Công Danh vay nợ BIDV (4.700 tỉ đồng) nhưng trong phần đối đáp Viện Kiểm sát chưa rõ về khoản tiền này.
“Nếu như không xem xét khoản tiền tăng vốn cho Phạm Công Danh thì một loạt vấn đề khúc mắc trong vụ án sẽ không thể được làm rõ vì sẽ không biết ai là người bị thiệt hại trong vụ án này. Việc làm rõ khoản tiền này là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng bởi bây giờ bị cáo Phạm Công Danh rất khó khởi kiện VNCB (nay là CB) để đòi lại số tiền này. Phạm Công Danh và các đồng phạm mong muốn cấn trừ khoản tiền này vào tổng thiệt hại của vụ án”, luật sư nêu quan điểm.
Bổ sung bài bào chữa của luật sư đồng nghiệp, luật sư Hà Hải cho rằng, khoản tiền tăng vốn hiện ở đâu các cơ quan tố tụng cần làm rõ. Nếu không xem xét và để xảy ra nghịch lý thì sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc đến sự thật khách quan của vụ án. Luật sư mong rằng, việc ngân hàng Nhà nước công khai các bút toán điều chỉnh báo cáo tài chính của CB trước và sau kiểm toán sẽ làm sáng tỏ khoản tiền tăng vốn điều lệ.
Về quan điểm của đại diện CB về số tiền này, theo luật sư rất chung chung, chỉ nói là sử dụng hết thì không rõ ràng. Cần làm rõ ai sử dụng, thời gian sử dụng thế nào. Theo luật sư, ngân hàng có hệ thống hạch toán kế toán thì phải biết rõ tiền đó ở đâu vì rõ ràng, tiền đó chưa bao giờ thuộc về VNCB do VNCB chưa được tăng vốn. Do chưa bao giờ thuộc về VNCB mà đã sử dụng thì bây giờ phải trả lại.
Về quan điểm của Viện kiểm sát đề nghị 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank phải hoàn trả lại CB số tiền 6.120 tỉ đồng. Theo các luật sư, nếu xem số tiền 6.120 tỉ đồng 3 ngân hàng là vật chứng của vụ án phải hoàn trả CB thì khoản tiền 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ cũng phải được xem xét và phải làm rõ.
Theo luật sư Hà Hải, bút toán 31 liên quan đến khoản tiền 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ nộp vào VNCB của 22 cá nhân và 3 pháp nhân cho thấy, ban đầu CB đã có đề nghị ngân hàng Nhà nước, Ban kiểm soát đặt biệt hướng dẫn để CB thực hiện điều chỉnh giảm vốn điều lệ theo quy định của Luật tổ chức tín dụng. Lý đo đưa ra là do ngân hàng Nhà nước không chấp nhận cho VNCB tăng vốn từ 3.000 lên 7.500 tỉ đồng. Nhưng sau đó thì CB lại cho rằng liên quan đến vụ án ông Phạm Công Danh nên CB sẽ xử lý hạch toán khoản 4.500 tỉ đồng khi có kết luận của cơ quan điều tra.
Từ quan điểm trên của CB, luật sư nói hết sức băn khoăn về vai trò kiểm toán độc lập trong báo cáo tài chính của ngân hàng CB.
“Đáng lý ra thì kiểm toán phải thực hiện đúng vai trò độc lập của mình nhưng bây giờ ngân hàng CB lại chờ kết quả của vụ án mới có phương án xử lý thì thật vô lý”, luật sư nêu quan điểm.
Xuân Duy