Sơn La
Thông tin chính thức vụ nữ cán bộ huyện lừa đảo hơn 86 tỷ đồng
(Dân trí) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án hình sự đối với bị can Đào Thị Quy – nữ cán bộ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Sốp Cộp (Sơn La) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền hơn 86 tỷ đồng.
Đưa ra thông tin gian dối để vay được tiền
Theo kết luận điều tra, để vay được tiền và tạo lòng tin đối với người cho vay thì Quy đưa ra các thông tin gian dối như vay để cho người khác vay lại với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch, để đầu tư vào các doanh nghiệp làm ăn, chạy chức, chạy quyền,…để vay của những bị hại. Việc thỏa thuận vay tiền thường qua gọi điện thoại, tin nhắn điện thoại, nhắn tin qua mạng Zalo và gặp trực tiếp, bị can chủ động đưa ra mức lãi suất cao nhằm vay được tiền.
“Để che giấu việc vay tiền và sử dụng tiền của mình, tránh việc lượng tiền giao dịch tập trung quá nhiều vào tài khoản của mình, để thể hiện mình có mối quan hệ rộng, làm ăn với nhiều người có uy tín là cán bộ công chức, lực lượng vũ trang và một số doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tạo niềm tin đối với những người mà Quy hỏi vay tiền, Đào Thị Quy đã mượn tài khoản của nhiều cá nhân, tổ chức khác nhau” – kết luận điều tra cho biết.
Sau khi vay được tiền, Đào Thị Quy không sử dụng vào những việc như thông tin Quy đưa ra cho bị hại để vay tiền mà sử dụng để trả tiền lãi, tiền gốc cho những người Quy vay trước đó, một phần sử dụng chơi lô đề và chi tiêu cá nhân.
Đến cuối tháng 8/2017 Quy không vay được thêm của ai nữa và bị nhiều người cho vay đến thúc ép trả nợ thì Quy đã tuyên bố vỡ nợ. Ngày 6/9/2017, Quy đến Công an huyện Sốp Cộp trình báo về hành vi vay tiền của nhiều người dẫn đến không có khả năng trả nợ.
“Xét thấy đây là sự việc có dấu hiệu của vụ án hình sự, số tiền bị chiếm đoạt lớn, ngày 17/10/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã tiếp nhận hồ sơ giải quyết tố giác của công dân để điều tra theo thẩm quyền” – kết luận điều tra nêu rõ.
Quá trình điều tra, xác minh vụ án có tất cả 15 bị hại có đơn tố giác Đào Thị Quy lừa đảo để vay tiền, với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 86 tỷ đồng.
Cán bộ công an huyện cũng “sập bẫy”
Trong số những người bị Đào Thị Quy lừa đảo để vay tiền nói trên có bà Đặng Tuyết Nhung (SN 1977, ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La). Thời điểm xảy ra vụ việc, bà Nhung đang công tác tại Công an huyện Sốp Cộp.
Theo tài liệu điều tra, từ năm 2013, Quy và Nhung biết nhau thông qua một người bạn. Quy biết Nhung là công an và có tiền nên Quy đã chủ động hỏi vay Nhung tiền cũng bằng các thủ đoạn gian dối nói trên. Từ tháng 2/2016 đến ngày 23/8/2017, Nhung cho Quy vay tiền nhiều lần, hình thức chuyển tiền cho Quy vay là qua tài khoản, giao tiền mặt; Quy cũng trả nợ lãi và gốc cho Nhung nhiều lần, hình thức chuyển tiền là qua tài khoản và giao tiền mặt.
“Đến ngày 30/8/2017, Nhung và Quy chốt nợ lại với nhau Quy đang nợ Nhung 9,7 tỷ đồng, Nhung không tính 3,7 tỷ đồng do xác định đó là phần lãi Nhung đã được hưởng, chỉ tính Quy đang nợ Nhung 6 tỷ đồng nên đã yêu cầu Quy viết giấy vay tiền, nội dung Quy nợ Nhung 6 tỷ đồng” – kết luận điều tra cho biết.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã nhận được đơn tố cáo của Đào Thị Quy tố cáo Đặng Thị Tuyết Nhung: Cụ thể, cuối tháng 9/2017, Quy viết đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng là cuối năm 2016 có đưa cho Nhung số tiền 3 tỷ đồng để góp vốn với Nhung chạy chức, chạy việc cho một số người vào Công an tỉnh.
“…việc Quy tố cáo Nhung cuối năm 2016 nhận 3 tỷ đồng của Quy góp vốn để chạy chức, chạy việc cho một số người vào ngành công an là không có căn cứ… Mặt khác, cuối năm 2016, Quy vẫn nợ Nhung 5.350.000.000 đồng” – kết luận điều tra nêu rõ.
Ngoài ra, kết luận điều tra cho biết, trong quá trình đấu tranh, Đào Thị Quy thừa nhận để vay được tiền thì Quy đã nói dối nhiều người với nhiều lý do khác nhau với mục đích vay được tiền, trong đó Quy có nói với nhiều người là vay để làm ăn chung với Đặng Tuyết Nhung.
Ngày 13/7/2017, Nhung đòi nợ Quy, Nhung nói là cần bù quỹ cơ quan, Nhung chụp ảnh kế hoạch kiểm tra công tác tài chính, niên độ kế toán năm 2017 tại Công an huyện Sốp Cộp, Sông Mã của Công an tỉnh Sơn La qua tin nhắn Zalo cho Quy, Quy đã gửi tiếp ảnh này cho Bùi Thị Thu Hà nói dối Hà là vay tiền cho Nhung vay lại, nhưng thực tế vay tiền Hà để trả nợ cho Nhung.
Ngày 2/8/2017, Quy soạn thảo hợp đồng cho Đặng Tuyết Nhung vay 3,5 tỷ đồng, tự mình ký vào bên vay (giả chữ ký của Nhung) rồi chụp ảnh gửi qua tin nhắn Zalo cho Trần Thị Kim Oanh và Bế Thị Hảo để vay tiền của Oanh và Hảo.
Từ căn cứ trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đến VKSND tỉnh Sơn La đề nghị truy tố Đào Thị Quy (SN 1977, ở Sốp Cộp – Sơn La) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Nguyễn Dương