1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Tạm tha khác đặc xá thế nào?

“Nếu số lượng người được tạm tha khoảng 20.000, sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 720 tỷ đồng và giảm nhu cầu biên chế khoảng 3.000 cán bộ, chiến sỹ của các cơ sở giam giữ. Trung bình, hằng năm tạm tha khoảng 7.000 người, sẽ tiết kiệm khoảng 250 tỷ đồng”...

Tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; giảm biên chế hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ; nâng cao đời sống cho phạm nhân, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái phạm… là những ưu việt của chế định tạm tha đang vừa được Bộ Công an báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

BT Các bị cáo phạm tội lần
đầu mới vào diện xét tạm tha (Ảnh minh họa). Ảnh: BT


BT Các bị cáo phạm tội lần đầu mới vào diện xét tạm tha (Ảnh minh họa). Ảnh: BT

Luật Đặc xá bộc lộ hạn chế

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, diễn biến thực tiễn cho thấy, Luật Đặc xá cùng hệ thống văn bản liên quan đã xuất hiện những bất cập, cần khắc phục. Đơn cử như các quy định của Luật Đặc xá đã ghi nhận, người được đặc xá tha tù trước thời hạn là người đã được pháp luật chấp nhận chấp hành xong bản án, không còn điều kiện, quy định pháp lý nào ràng buộc. Từ chế định này, dẫn đến tình trạng một số trường hợp không chịu phấn đấu, rèn luyện, tiếp tục tái phạm.

Bên cạnh đó, ghi nhận của Bộ Công an cho hay, dư luận vẫn còn khá nhiều ý kiến không đồng thuận với chế định tha tù trước thời hạn mà không có ràng buộc pháp lý, qua đó, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của luật pháp.

Chính vì lẽ đó, lãnh đạo Bộ Công an cho rằng, cần thay đổi quan niệm, phải hiểu rằng, việc tha tù trước thời hạn là thay đổi hình thức thực hiện chấp hành án phạt tù từ trong các cơ sở giam giữ sang cộng đồng xã hội, đối với phạm nhân cải tạo tiến bộ. Như vậy, những phạm nhân này sẽ có điều kiện tái hòa nhập xã hội, không vi phạm pháp luật hay tái phạm.

Tạm tha có khác đặc xá?

Nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều dấu hiệu “trùng” giữa hai chế định “tạm tha” và “đặc xá”, chính vì vậy, trong đề án của Bộ Công an, giới chuyên môn đã mổ xẻ, làm rõ sự khác biệt này. Thượng tướng Lê Quý Vương phân tích, về bản chất, biện pháp tạm tha không thay thế đặc xá, nhưng cơ bản, đối tượng ở diện đặc xá sẽ nằm trong diện được tạm tha có điều kiện.

Theo Bộ Công an, những người được đặc xá, do không có điều kiện pháp lý ràng buộc nên có nguy cơ phạm pháp rất lớn. Trong khi đó, biện pháp tạm tha có tính răn đe xã hội cao, đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, tạo động lực thúc đẩy phạm nhân cải tạo tiến bộ, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, tổ chức xã hội, gia đình người bị kết án phạt tù trong việc phối hợp với các cơ quan nhà nước quản lý, giám sát, giáo dục người được tạm tha.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, cơ chế tạm tha tạo điều kiện cho người chấp hành án phạt tù cải tạo tiến bộ, có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng sớm hơn, có điều kiện tham gia học tập, lao động sản xuất, nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình. Vì lẽ đó, biện pháp tạm tha được cho là có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa tái phạm, là hình thức quản lý, giáo dục có tính tích cực hơn so với chế định đặc xá hiện hành.

Có bị tước quyền công dân?

Theo nội dung Đề án “Thực hiện cơ chế tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù” vừa được Bộ Công an báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, những phạm nhân ở diện phạm tội lần đầu, đã chấp hành xong ít nhất 1/2 mức án (trừ một số trường hợp ưu tiên, ít nhất 1/3 mức án), thực sự ăn năn, hối cải, có kết quả cải tạo khá, tốt, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại… sẽ được xem xét tạm tha.

Cũng theo đề án trên, trong thời gian tạm tha, người được tạm tha hưởng các quyền căn bản của công dân (trừ những quyền mà Tòa án đã hạn chế hoặc tước bỏ trong bản án đã tuyên) và phải thực hiện bắt buộc các quy định đối với người được tạm tha. Cụ thể, phải tuân thủ pháp luật, các quy định của chính quyền nơi cư trú, không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội đến mức phải ra quyết định xử lý hành chính…

Ngoài ra, những đối tượng này phải chịu sự giám sát, quản lý, giáo dục của chính quyền, cơ quan chức năng theo quy định, bị hạn chế quyền tự do cư trú, định kỳ hoặc khi nào có yêu cầu, phải báo cáo việc chấp hành các quy định đối với người được tạm tha. Liên quan đến lĩnh vực chính trị, người được tạm tha bị hạn chế, hoặc bị cấm tham gia các tổ chức chính trị, đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn và một số quyền bầu, ứng cử khác.

Tiết kiệm ngân sách 720 tỷ đồng

Đánh giá tính ưu việt của cơ chế tạm tha, phía Bộ Công an cho rằng, chế định này sẽ làm giảm bớt ngân sách nhà nước trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chi phí cán bộ, chế độ sinh hoạt, biên chế và các chính sách khác đối với phạm nhân. Ước tính, chi phí trung bình cho 1 phạm nhân/năm là 36 triệu đồng.

“Nếu số lượng người được tạm tha khoảng 20.000, sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 720 tỷ đồng và giảm nhu cầu biên chế khoảng 3.000 cán bộ, chiến sỹ của các cơ sở giam giữ. Trung bình, hằng năm tạm tha khoảng 7.000 người, sẽ tiết kiệm khoảng 250 tỷ đồng”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nói.

“Việc giảm nhu cầu biên chế này là nguồn bổ sung cho công an các địa phương, một phần chi phí tiết kiệm được sẽ phục vụ công tác quản lý, giáo dục, giám sát người được tạm tha, hỗ trợ về sinh hoạt, văn hóa, học nghề…

Đồng thời, các trại giam có điều kiện củng cố cơ sở vật chất, đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách với phạm nhân”, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay.

 Mỗi năm tăng 12% phạm nhân có án phạt tù

Theo Bộ Công an, từ năm 2008 đến 2014, trung bình mỗi năm, số lượng người có hình phạt tù tăng 12%. Tính đến hết tháng 12/2014, các trại giam thuộc Bộ Công an đang quản lý, giam giữ 142.342 phạm nhân, các trại tạm giam, nhà tạm giữ đang quản lý, giam giữ 7.196 phạm nhân. Việc số lượng phạm nhân quá đông đã gây áp lực lớn về ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, biên chế cán bộ.

Theo Bảo Thắng

Tiền phong