Tầm nã trên đất Thái Lan
Cho đến nay, chuyên án bắt giữ 4 đối tượng “vượt ngục” rồi bỏ trốn sang Thái Lan vẫn được coi là một chiến công đặc biệt của Văn phòng Interpol Việt Nam (Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm – Bộ Công an).
Không chỉ bởi các đối tượng có lệnh truy nã đều lần lượt bị bắt giữ mà đây còn là vụ việc đầu tiên Cảnh sát Việt Nam trực tiếp sang Thái Lan phối hợp truy bắt các đối tượng trong điều kiện hai nước chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự song phương.
Cơ quan công an đọc lệnh bắt đối tượng Nguyễn Viết Sơn
Rạng sáng một ngày tháng 6-2008, lợi dụng lúc thời tiết mưa gió, 6 đối tượng phạm tội nguy hiểm đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Cầu Đông, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã cậy phá buồng giam số 12 để bỏ trốn. Ngay sau đó 2 đối tượng là đã bị công an tỉnh Hà Tĩnh bắt lại. Tuy nhiên 4 đối tượng còn lại gồm: Trần Sỹ Bá, Trần Văn Quyền, Nguyễn Viết và Trần Văn Quân đã kịp vượt biên sang Lào rồi từ đó tiếp tục chạy trốn đến ẩn náu ở Thái Lan.
Giăng bẫy trên đất Thái
Đại úy Nguyễn Anh Tuấn - Phó phòng 2, Văn phòng Interpol Việt Nam nhớ lại, vào tháng 2-2009, phía Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã có thông báo đồng ý để phía Cảnh sát Việt Nam sang phối hợp truy bắt các đối tượng theo yêu cầu nhưng do tình hình chính trị lúc bấy giờ của Thái Lan bất ổn nên để đảm bảo tính hiệu quả, mãi tới đầu tháng 8-2009, đoàn công tác do Đại úy Nguyễn Anh Tuấn phối hợp cùng Công an tỉnh Hà Tĩnh mới có thể lên đường. Thông tin đầu tiên mà các anh nhận được là về đối tượng Nguyễn Viết Sơn (SN 1983) trú tại Can Lộc, Hà Tĩnh, đối tượng mang án phạt 6 năm tù về tội trộm cắp tài sản.
Tiến hành xác minh tại một số trại giam ở Bangkok, Đại úy Nguyễn Anh Tuấn phát hiện một đối tượng có nhiều đặc điểm giống với Nguyễn Viết Sơn đang bị giam giữ tại Trại Immigration Detention Center của Cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan về hành vi cư trú bất hợp pháp. Tuy nhiên đối tượng này lấy tên là Nguyễn Văn Sơn (SN 1979), quê tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Qua xem xét hồ sơ, Tuấn xác định nhiều khả năng đây chính là đối tượng truy nã Nguyễn Viết Sơn. Tuấn đã đề nghị Cơ quan Xuất nhập cảnh Thái Lan cho phép gặp và lấy lời khai đối tượng nói trên. Mặc dù tìm mọi cách để chối cãi nhưng trước những chứng cứ sắc bén của các chiến sỹ Công an Việt Nam Sơn đã phải cúi đầu khai nhận mình chính là đối tượng truy nã Nguyễn Viết Sơn. Sau khi làm việc và đề nghị phía Thái Lan bàn giao đối tượng để dẫn giải về Việt Nam, ngày 26-8-2009 Sơn đã được Interpol Việt Nam bàn giao cho Công an tỉnh Hà Tĩnh.
Khó khăn nhất trong chuyến công tác là việc bắt giữ đối tượng Trần Văn Quân. Quân sinh năm 1977 tại Hương Khê - Hà Tĩnh, là đối tượng cáo già nhất trong số 4 đối tượng có lệnh truy nã. Đang thi hành án phạt 4 năm tù về tội danh cướp tài sản thì Quân bỏ trốn. Khai thác nhanh từ Nguyễn Viết Sơn, tổ công tác đã có thông tin về đối tượng Trần Văn Quân. Tuy nhiên, điều khó khăn Quân vốn là đối tượng lưu manh cộm cán, lại có thể nói tiếng Thái rất sõi nên hắn đã lẩn rất sâu vào giới lưu manh người bản xứ. Trong quá trình lẩn trốn tại Bangkok Quân vẫn thường xuyên trộm cắp tài sản để bán lấy tiền sinh sống. Do Quân thường xuyên thay đổi nơi ở nên không thể xác định được chính xác nơi lẩn trốn của hắn. Ba phương án được đưa ra và lần lượt sử dụng.
Tuy nhiên, Quân rất ranh ma, cảnh giác nên đều chưa thể bắt được hắn. Lần thứ nhất, biết thông tin Quân và đồng bọn đang có 17 bộ máy tính trộm cắp được cần tiêu thụ, Tuấn cùng đồng đội bắn tiếng. Nhưng thấy người lạ, chúng đã hoãn kế hoạch và không đồng ý bán. Lần thứ hai, biết Quân là người rất ham mê cờ bạc, Tuấn đã hóa trang và xâm nhập vào các sòng bạc của người Việt tại Bangkok, đồng thời thông qua một số đối tượng người Việt Nam cờ bạc đang sinh sống ở Thái Lan để tiếp cận y, xong kế hoạch này cũng không thành công.
Lần thứ ba, qua một người có đôi ngà voi muốn bán cho Quân và đồng bọn, chúng đồng ý mua và hẹn giờ giao dịch là nửa đêm ở một địa điểm vắng người. Tuy nhiên, khi nắm được nguồn tin bọn chúng sẽ không mua mà tổ chức phục kích để cướp hàng và giết người mua hàng, kế hoạch đã bị hủy bỏ. Phương án cuối cùng đã được Đại úy Tuấn và các trinh sát Công an Hà Tĩnh thảo luận rất kỹ. Biết Quân là kẻ chuyên môi giới làm hộ chiếu cho người Việt tại Thái Lan, tổ công tác đã quyết định giăng bẫy. Sau khi nhận lời làm môi giới hộ chiếu cho người Việt, Quân đã xuất hiện tại trước cửa của Đại sứ quán theo đúng dự tính của trinh sát. Ngay lập tức Interpol Thái Lan và Cảnh sát quận Lupini đã xuất hiện bắt giữ đối tượng.
Khi kiểm tra, Quân trình ra thẻ cư trú dài hạn do Cơ quan chức năng của Thái Lan cấp, đồng thời nhận mình tên là TOR, quốc tịch Lào. Nghe Quân trình bày và nói tiếng Thái rất chuẩn nên Cảnh sát Thái Lan đã nghi ngờ Cảnh sát Việt Nam bắt nhầm người. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các trinh sát với những nghiệp vụ sắc bén, Quân đã phải thốt lên bằng tiếng Việt: “Tôi chính là Trần Văn Quân”. Quân đã bị đưa ra tòa xét xử và kết án 15 ngày tù giam, phạt 3.000 bạt về hành vi cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan. Sau khi đối tượng thi hành án xong đã bị bàn giao cho phía Cảnh sát Việt Nam.
Trốn trại ngay tại Thái Lan
Đối với Trần Sỹ Bá và Trần Văn Quyền đều bị kết án 7 năm tù về tội cướp tài sản. Sau khi trốn được sang Thái Lan, cả 2 sống chui lủi trong cộng đồng người Việt ở đây và làm nhiều nghề để kiếm sống. Trần Sỹ Bá đã bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ về tội trộm cắp và đang bị giam giữ tại Trại giam Bangkok Remand. Khi bị bắt vào trại, Trần Sỹ Bá đã khai mang quốc tịch Lào và lấy tên là ET. Tuy nhiên khi so sánh ảnh và giám định vân tay của đối tượng đang bị giam giữ tại đây, các trinh sát đã xác định đây chính là đối tượng bị truy nã. Tuy nhiên do Bá vẫn đang trong quá trình thi hành án về tội trộm cắp theo luật pháp Thái Lan trong khi giữa Thái Lan và Việt Nam chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự nên các trinh sát chưa thể đưa Bá về Việt Nam quy án.
Còn đối với Trần Văn Quyền, các trinh sát nắm được thông tin Quyền đang lẩn trốn tại Bangkok nhưng không biết được nơi ở cụ thể của hắn. Có lần nhận được thông tin Quyền hiện đang mang giấy tờ giả quốc tịch Lào và đang làm thuê cho một nhà hàng tại ngoại ô gần sân bay cũ thuộc khu vực Don Muang, Bangkok. Tuy nhiên khi các trinh sát có mặt thì hắn lại biến mất. Biết được Quyền thường xuyên sử dụng điện thoại để liên lạc với một số người thân. Trong một lần Quyền vừa gọi điện, Interpol Thái Lan đã tìm ra được địa chỉ chính xác của Quyền và thông báo cho lực lượng địa phương ập đến bắt giữ. Thời điểm bắt giữ được Quyền cũng trùng với lúc Trần Sỹ Bá mãn hạn tù theo quy định của luật pháp Thái Lan và được chuyển từ nhà tù Bangkok Remand đến giam giữ tại Trại giam của Cơ quan Xuất nhập cảnh Thái Lan. Tại đây Bá được “hội ngộ” với Quyền và một số đối tượng người Việt Nam khác. Lợi dụng sự sơ hở của Trại giam Cơ quan Xuất nhập cảnh Thái Lan, Quyền và Bá đã bàn nhau cùng bỏ trốn. Rất may sau đó, với sự vào cuộc tích cực của Cơ quan Cảnh sát Thái Lan, 2 đối tượng đã bị bắt trở lại và được bàn giao cho phía Cảnh sát Việt Nam.
Theo ANTĐ