1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hà Nội:

Tạm giam giám đốc “bẫy” BĐS bằng những bản vẽ thiết kế

Có trong tay một số văn bản của các cơ quan chức năng Tp Hà Nội, Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Cầu Vàng đã tự “vẽ” ra một khu dự án nhà chia lô hết sức hấp dẫn tại khu vực xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội rồi bán cho khách hàng.

Vụ án một lần nữa cảnh báo về rủi ro đối với những người có nhu cầu mua nhà dự án, vì vội vàng, hám lợi đã bỏ qua giấy tờ hợp pháp nên rơi vào bẫy của bọn lừa đảo…

Trước khi làm giám đốc Công ty CP Cầu Vàng, Nguyễn Thế Hùng từng là cán bộ Phòng Địa chính và Xây dựng của một quận trên địa bàn Hà Nội. Với chuyên môn tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, sau đó Hùng chuyển công tác, là Phó phòng Đầu tư của một tổng công ty lớn về xây dựng. Năm 2009, Hùng thành lập Công ty CP Cầu Vàng để làm ăn riêng.

Theo tố cáo của các nạn nhân thì thời điểm cuối năm 2010, Nguyễn Thế Hùng tự giới thiệu là chủ đầu tư dự án khu nhà ở tại thôn Hoàng Bốn, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Xét về mặt vị trí địa lý thì khu dự án này ở vị trí hết sức "đắc địa", nằm trên trục nối liền với Khu đô thị mới Tây Hồ, quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm. Hùng đưa ra bản thiết kế dự án với những dãy nhà chia lô đẹp mắt.

Để chứng minh Công ty CP Cầu Vàng là chủ dự án này, Hùng đưa ra 2 văn bản gồm Văn bản số 524/VP-TNMT ngày 28/6/2010 của Văn phòng UBND TP Hà Nội và Công văn số 2768/KH&ĐT-ĐT ngày 19/7/2010 của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội. Thực chất, đây chỉ là những văn bản có nội dung hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các trình tự, thủ tục về lập dự án.

Văn bản 524/VP-TNMT của Văn phòng UBND TP Hà Nội chỉ là phiếu chuyển công văn xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở tại xã Cổ Nhuế của Công ty CP Cầu Vàng, gửi tới KH&ĐT Hà Nội để kiểm tra, hướng dẫn theo quy định.

Sau khi nhận được phiếu chuyển này, Sở KH&ĐT Hà Nội có Công văn số 2768/KH&ĐT-ĐT hướng dẫn Công ty CP Cầu Vàng thực hiện các trình tự thủ tục hành chính về việc lập dự án theo quy định. Trong văn bản này cũng nêu rõ: "Nghiêm cấm sử dụng văn bản này để huy động vốn không đúng quy định của pháp luật dưới mọi hình thức".

Tuy nhiên, khi đưa những văn bản này cho khách hàng, Hùng giải thích rằng cơ bản dự án nhà ở của Công ty CP Cầu Vàng đã được cơ quan chức năng đồng ý, chỉ đợi văn bản chấp thuận chính thức.

Do thời điểm trên, Hà Nội đang "sốt" dự án. Những bản vẽ nhà chia lô do Hùng đưa ra quá hấp dẫn nên nhiều người tin tưởng đồng ý mua với hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư kinh doanh. Hùng cam kết với khách hàng đến cuối năm 2011 sẽ bàn giao các lô đất cùng giấy chuyển quyền sử dụng đất cho khách hàng.

Tạm giam giám đốc “bẫy” BĐS bằng những bản vẽ thiết kế
Phối cảnh dự án Khu nhà ở tại xã Cổ Nhuế - là dự án có thật mà Nguyễn Thế Hùng dựa vào để lừa đảo. 

Thế nhưng đến hạn, Hùng không thực hiện cam kết và có dấu hiệu trốn tránh không trả lại tiền, một số khách hàng đi tìm hiểu mới biết Công ty CP Cầu Vàng không phải là chủ đầu tư dự án khu nhà ở tại thôn Hoàng Bốn, xã Cổ Nhuế nên đã làm đơn tố cáo đến Cơ quan Công an.

Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tại UBND xã Cổ Nhuế, xác định không có dự án đầu tư xây dựng nhà ở nào do Công ty CP Cầu Vàng làm chủ đầu tư tại địa bàn thôn Hoàng Bốn, Cổ Nhuế.

Thực tế tại địa bàn này chỉ có dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở liền kề (Khu phố An Sinh) do Công ty CP thương mại Trung Yên làm chủ đầu tư đang triển khai. Dự án Khu phố An Sinh đã được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư và có đủ giấy tờ pháp lý khác của cơ quan chức năng.

Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Thế Hùng khai nhận Công ty CP Cầu Vàng do Hùng làm giám đốc không phải là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở tại thôn Hoàng Bốn, xã Cổ Nhuế.

Trong các thỏa thuận góp vốn với khách hàng, Hùng đã tự ý chuyển nội dung Văn bản 524/VP-TNMT của UBND TP Hà Nội thành việc Văn phòng UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tại xã Cổ Nhuế để làm cho khách hàng tin tưởng nộp tiền. Theo khai nhận ban đầu của Hùng thì anh ta đã ký thỏa thuận góp vốn và thu tiền của 14 người với tổng số tiền khoảng 24 tỉ đồng.

Theo Cơ quan CSĐT, hình thức lừa đảo "dự án ma" như vụ việc của Công ty CP Cầu Vàng nêu trên đã xảy ra rất nhiều. Huyện Từ Liêm là một trong những địa bàn tội phạm lừa đảo dự án thường lựa chọn để "vẽ" ra những dự án không có thật để lừa bịp khách hàng, do trong thời gian qua, đây là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh và thực tế có hàng trăm dự án nhà ở đang được triển khai.

Điển hình như vụ Lê Hồng Bàng - Tổng giám đốc Công ty Sàn bất động sản Việt Nam, bằng việc "vẽ" ra hàng chục dự án nhà ở hấp dẫn trên địa bàn một số xã của huyện Từ Liêm rồi bán với giá hấp dẫn, Bàng đã "bẫy" được hàng trăm người với số tiền chiếm đoạt lên tới gần 700 tỉ đồng.

Phiếu thu tiền và hợp đồng góp vốn. 
Phiếu thu tiền và hợp đồng góp vốn. 

Trong các vụ án lừa đảo "dự án ma" này, các đối tượng thường tạo dựng một vỏ bọc hợp pháp để đánh lừa khách hàng bằng cách thành lập doanh nghiệp, làm thủ tục xin lập dự án rồi dùng văn bản trả lời, hướng dẫn của các cơ quan chức năng để bịp những người thiếu hiểu biết rằng đó là văn bản pháp lý của dự án.

Đặc biệt, chúng tự vẽ các bản thiết kế dự án, thậm chí thiết kế chi tiết từng căn hộ để làm khách hàng hoa mắt, choáng ngợp trước độ hoành tráng của dự án và vẻ đẹp "lung linh" của căn nhà tương lai qua bản vẽ.

Ngoài ra, các đối tượng lừa dự án còn sử dụng hệ thống "cò" nhà đất, các văn phòng môi giới bất động sản để quảng cáo cho dự án "ma" này bằng hình thức tung thông tin mua bán lên mạng Internet hoặc rỉ tai, truyền miệng người quen, làm tăng độ "hot" cho dự án.

Để thu hút người mua, các đối tượng còn đưa ra giá cả cực kỳ hấp dẫn, thường thấp hơn so với giá thị trường bất động sản thật cùng khu vực, hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo… Đây là một trong những nguyên nhân khiến nạn nhân trong các vụ lừa đảo "dự án ma" thường rất đông.

Thượng tá Đậu Văn Liên, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46) Công an Hà Nội khuyến cáo, khi mua nhà dự án, người dân cần kiểm tra kỹ những giấy tờ pháp lý cần thiết của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như văn bản chấp thuận nghiên cứu, lập dự án; phê duyệt quy hoạch kiến trúc, giấy chứng nhận đầu tư, các quyết định thu hồi và giao đất cho chủ đầu tư… Năng lực tài chính và uy tín của chủ đầu tư cũng là vấn đề cần quan tâm trước khi đặt bút ký kết hợp đồng.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đề nghị, những ai là bị hại của Nguyễn Thế Hùng, liên hệ Đội 9 PC46 để giải quyết, gặp ĐTV Trịnh Văn Tư. Điện thoại: 043.9396712

Theo H.Vũ
Cảnh sát toàn cầu