Tài xế tông 17 xe máy đối mặt khung hình phạt nào?

Hải Nam

(Dân trí) - Theo luật sư, cơ quan chức năng sẽ làm rõ các yếu tố như tình trạng kỹ thuật của ô tô; khả năng quan sát, điều khiển của tài xế... để đánh giá vụ tai nạn do lỗi kỹ thuật hay do sai sót của ông Vĩnh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đang tạm giữ hình sự ông Hoàng Ngọc Vĩnh (63 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông.

Chiều 5/4, ông Vĩnh điều khiển ô tô từ phường Bồ Đề (quận Long Biên) đến Bệnh viện Tim thì va chạm giao thông liên hoàn với 17 xe máy. Vụ việc khiến 18 người bị thương, phải đi cấp cứu.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng không phát hiện nồng độ cồn hay ma túy trong người ông Vĩnh. 

Theo dõi vụ việc, luật sư, tiến sĩ Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) nhận định đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, với số nạn nhân lên tới 18 người.

Luật sư cho rằng, khi vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ các yếu tố như tình trạng kỹ thuật của phương tiện; khả năng quan sát, điều khiển, làm chủ tốc độ phương tiện của tài xế... để đánh giá vụ tai nạn là do lỗi kỹ thuật hay do sai sót trong quá trình điều khiển phương tiện của ông Vĩnh.

Tài xế tông 17 xe máy đối mặt khung hình phạt nào? - 1

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: H.T.).

"Đây không phải là chiếc xe mới, nếu được đăng kiểm đúng quy định thì nguyên nhân từ lỗi kỹ thuật rất hiếm khi xảy ra", ông Cường nhận định.

Với thông tin ban đầu, ông Vĩnh khai vì nhầm chân phanh với chân ga nên gây ra tai nạn, luật sư cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và nếu đủ yếu tố có thể khởi tố bị can đối với người đàn ông này về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. 

"Theo quy định, khi đến gần ngã tư giao nhau thì người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, khi gặp đèn đỏ thì phải dừng xe trước vạch sơn, khi dừng xe thì phải kéo phanh tay hoặc đạp phanh chân để giữ xe đứng yên.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ người đàn ông này có thực hiện đúng các thao tác kỹ thuật để dừng xe, đảm bảo an toàn cho những người cùng tham gia giao thông hay không, lý do gì chiếc xe chồm lên phía trước và lao vào đoàn người đang đi ngang qua", luật sư nói.

Về chế tài xử lý, ông Cường trích dẫn Điều 260, cho biết nếu người nào có lỗi khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây ra thiệt hại nghiêm trọng (như hậu quả chết người hoặc thương tích cho nhiều người mà thương tích từ 61% trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1 - 5 năm.

Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân, bao gồm: Chi phí cứu chữa; tiền công người chăm sóc; thu nhập bị mất, bị giảm sút và tiền tổn thất về tinh thần tới 50 tháng lương cơ bản đối với mỗi nạn nhân, theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.