1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Sử dụng công nghệ quét hiện trường 3D trong khám nghiệm vụ án

Hải Nam

(Dân trí) - Để hỗ trợ lực lượng kỹ thuật hình sự trong công tác khám nghiệm hiện trường, nhiều trang thiết bị hiện đại như hệ thống quét hiện trường 3D, thiết bị bay không người lái... đã được áp dụng.

Ngày 7/8, Bộ Công an thông tin về một số vấn đề ứng dụng và phát triển công nghệ 4.0 trong công tác khám nghiệm hiện trường của lực lượng Kỹ thuật hình sự CAND.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam (Viện trưởng Viện Khoa học hình sự Bộ Công an) cho biết, khám nghiệm hiện trường (KNHT) là một hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự, do "điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án".

Một trong những yêu cầu của công tác KNHT là cán bộ KNHT phải biết vận dụng tối đa những tri thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật cần thiết vào việc phát hiện, thu lượm và nghiên cứu đánh giá dấu vết vật chứng. Thiếu tri thức khoa học, thiếu công nghệ, kỹ thuật hoặc vận dụng sai tri thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật sẽ dẫn đến hậu quả xấu trong KNHT và các hoạt động điều tra tiếp theo. 

Sử dụng công nghệ quét hiện trường 3D trong khám nghiệm vụ án - 1

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam (Ảnh: Bộ Công an).

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, ngoài các loại hình KNHT theo truyền thống (khám nghiệm, tìm kiếm, phát hiện, thu thập dấu vết đường vân, sinh học…), sự phát triển của tội phạm công nghệ cao đã làm xuất hiện một số loại hình KNHT mới như KNHT trên không gian mạng. 

Viện trưởng Viện Khoa học hình sự cho biết, việc lợi dụng thành tựu khoa học để phạm tội và vi phạm pháp luật ngày càng diễn ra phức tạp, đặc biệt là tội phạm liên quan đến an ninh, an toàn không gian mạng, sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Song song, phương thức, thủ đoạn hoạt động, thủ đoạn che giấu, đối phó cũng ngày càng tinh vi, nguy hiểm, phức tạp, đe dọa trật tự an toàn xã hội…

Điều này, theo Tướng Nam, đặt ra những thách thức rất lớn cho các mặt công tác của lực lượng công an nhân dân nói chung và lực lượng kỹ thuật hình sự nói riêng.

Ông Nam cho hay, thời gian gần đây, trung bình mỗi năm lực lượng kỹ thuật hình sự tham gia KNHT khoảng 70.000 vụ việc các loại, giúp cơ quan điều tra có căn cứ, cơ sở khoa học bước đầu xác định, đánh giá có hay không có tội phạm; thời gian, địa điểm xảy ra; tính chất, mức độ; phương thức, thủ đoạn gây án; số lượng, đặc điểm của đối tượng… để định hướng các bước điều tra tiếp theo. 

Từ năm 2018 đến nay, Viện Khoa học hình sự đã phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các dự án trang cấp nhiều thiết bị, phương tiện hiện đại cho lực lượng làm công tác KNHT trong cả nước.

Sử dụng công nghệ quét hiện trường 3D trong khám nghiệm vụ án - 2

(Ảnh minh họa: Bộ Công an).

Trong đó, có những thiết bị mang đặc điểm của công nghệ 4.0 như: Thiết bị đa phổ phát hiện và ghi nhận dấu vết không tiếp xúc; Hệ thống quét hiện trường 3D; Thiết bị bay không người lái (UAV - Drone); Hệ thống thiết bị biên tập, phân tích video, hình ảnh, âm thanh tại hiện trường…

Theo Bộ Công an, đặc điểm chung của các thiết bị là có khả năng kết nối Internet để truyền dẫn dữ liệu thông qua kết nối wifi hoặc sóng di động, có phần mềm chuyên dụng xử lý dữ liệu.

Các thiết bị đa phổ có thể thiết lập định dạng ảnh phù hợp với hệ thống so sánh dấu vân tay tự động (AFIS, VAFIS), có khả năng truyền dẫn dữ liệu của một máy tính thông thường, từ đó có thể so sánh dấu vết ngay tại hiện trường với dữ liệu đã có. 

Các thiết bị trên giúp lực lượng kỹ thuật hình sự tìm kiếm nhanh chóng đối tượng từ dữ liệu hình ảnh tại hiện trường; quan sát hiện trường từ trên không; tiếp cận các hiện trường khó...