1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hà Nội:

Sẽ lắp camera tại 4 điểm đăng ký xe để ngăn ngừa sai phạm

Công an TP Hà Nội sẽ lắp đặt camera giám sát tại 4 cơ sở đăng ký xe của Phòng CSGT nhằm công khai, minh bạch, hạn chế sai phạm của cán bộ, chiến sĩ và kịp thời phát hiện các đối tượng “cò mồi”, lừa đảo trong công tác đăng ký xe.

Sau ba tháng từ khi thực hiện Thông tư 12/2013/TT-BCA về đăng ký sang tên, di chuyển xe, đến nay Công an TP Hà Nội đã thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc cần được tháo gỡ. Phóng viên Báo CAND trao đổi với Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

PV: Đồng chí cho biết, quá trình thực hiện Thông tư 12/2013/TT-BCA của Bộ Công an được triển khai như thế nào?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Quá trình thực hiện Thông tư 12/2013 của Bộ Công an, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã bố trí cán bộ hướng dẫn chu đáo, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe theo quy định.

Lực lượng CSKV trực tiếp đến từng hộ gia đình, nắm tình hình, điều tra cơ bản, thống kê danh sách những công dân có nhu cầu đăng ký sang tên, di chuyển xe; phát giấy khai cho những người có nhu cầu kê khai, sau đó CSKV mang về Công an phường để làm xác nhận và trực tiếp mang đến nhà trả cho người dân.

Đặc biệt, đối với một số trường hợp là người già, yếu không thể tự mang phương tiện đến làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe thì phải cử cán bộ tới tận nhà để “cà” số khung, số máy và hoàn tất thủ tục sang tên, di chuyển xe cho những trường hợp đó.

Để phòng ngừa sai phạm trong quá trình công tác, Giám đốc Công an TP Hà Nội chỉ đạo lực lượng làm nhiệm vụ không được gây phiền hà cho nhân dân khi làm thủ tục. Đồng thời tổ chức ký cam kết đối với 100% CSGT làm công tác đăng ký xe để phòng ngừa sai phạm, tiêu cực.

Trong quá trình thực hiện nếu thấy những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về đăng ký, quản lý phương tiện hoặc những hành vi lợi dụng các quy định về đăng ký, quản lý phương tiện để hoạt động phạm tội phải báo cáo cấp trên xin ý kiến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

PV: Sau ba tháng tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên, di chuyển xe có phát hiện xe gian, đăng ký giả không?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Tính đến 3/8, toàn thành phố đã rà soát trên 92% số hộ hiện có trên địa bàn, qua đó xác định số lượng lớn phương tiện trong diện sang tên, di chuyển, phương tiện mua bán qua nhiều chủ, phương tiện mất hồ sơ gốc. Tổng số đã tiếp nhận trên 80 nghìn hồ sơ đăng ký sang tên, di chuyển xe.

Sau ba tháng, Công an TP Hà Nội đã phát hiện 358 ôtô, môtô, xe máy sử dụng đăng ký giả; 45 xe đục lại số khung, số máy, có kết quả tra cứu trùng với dữ liệu xe tang vật. Các hồ sơ vi phạm đã được chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Công an Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng “cò mồi” lừa đảo người dân khi đến làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe tại một số điểm đăng ký xe của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội.

CSKV Công an TP Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục sang tên, di chuyển xe. (Ảnh: Nguyễn Hưng)
CSKV Công an TP Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục sang tên, di chuyển xe. (Ảnh: Nguyễn Hưng)

PV: Theo phản ánh thì người dân một số huyện ngoại thành vẫn gặp khó khăn khi sang tên, di chuyển phương tiện khi CSGT kéo dài thời gian?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội chưa nhận được phản ánh cụ thể bằng đơn thư của người dân nào về việc này. Nếu người dân phát hiện có dấu hiệu CSGT gây khó khăn, trục lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì hãy làm đơn hoặc gọi đến số điện thoại đường dây nóng của Phòng CSGT: 043.9424451 (24/24h) phản ánh trực tiếp để lãnh đạo Phòng CSGT xác minh, làm rõ và xử lý đối với cán bộ có hành vi vi phạm.

Thực tế trong ba tháng thực hiện Thông tư 12/2013 của Bộ Công an, cán bộ chiến sĩ làm công tác đăng ký xe thường xuyên làm việc thêm giờ hàng ngày, làm cả ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ để hoàn thiện hồ sơ trả kết quả cho nhân dân đúng thời gian quy định. Trường hợp kéo dài có thể do hồ sơ trùng dữ liệu vật chứng cần phải tiếp tục xác minh, làm rõ.

PV: Đồng chí có thể cho biết, quá trình thực hiện Thông tư 12/2013/TT-BCA đến nay có những vướng mắc gì không?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Có. Trước hết phải kể đến những trường hợp mua bán chưa thanh toán dứt điểm; khai man mất đăng ký để xin cấp lại rồi bán dẫn đến khiếu kiện mất xe nhưng chủ xe không đến cơ quan Công an trình báo, nên khi tra cứu hồ sơ không thấy có trong cơ sở dữ liệu xe vật chứng.

Tiếp đến là xe cầm cố, sau đó làm giả hợp đồng mua bán… dẫn đến tranh chấp tài sản. Nhiều trường hợp người dân mua xe có giá trị thấp, cũ, ít sử dụng, lại khó khăn về kinh tế nên không làm thủ tục sang tên, di chuyển xe theo quy định.

Một số đối tượng sử dụng công nghệ cao làm giả đăng ký xe, nên bằng mắt thường khó phát hiện gây khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ khi nghiên cứu hồ sơ khó xác định đăng ký xe là thật hay giả? Ngoài ra, do phần lớn các xe ôtô mua qua các salon, mua thanh lý của doanh nghiệp, công ty tư nhân nên người sử dụng xe không muốn tìm chủ xe vì mất thời gian đi lại, giấy tờ mua bán lại phải qua Văn phòng công chứng mất lệ phí nên khai báo là doanh nghiệp giải thể, đã chuyển đi nơi khác gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.   

PV: Thời gian tới, Công an TP Hà Nội sẽ làm gì để việc đăng ký sang tên, di chuyển xe thuận lợi hơn?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Công an TP Hà Nội sẽ lắp đặt camera giám sát tại 4 cơ sở đăng ký xe của Phòng CSGT nhằm công khai, minh bạch, hạn chế sai phạm của cán bộ, chiến sĩ và kịp thời phát hiện các đối tượng “cò mồi”, lừa đảo trong công tác đăng ký xe.

Bên cạnh đó, Công an Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, chỉ đạo phòng ngừa sai phạm của cán bộ, chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ tại các điểm đăng ký xe thuộc Phòng CSGT và Công an 29 quận, huyện, thị xã.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

 Theo Nguyễn Hưng
Công an nhân dân