1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Sau Rikvip, đồng loạt các trang đánh bạc ở Việt Nam tê liệt

Sau khi Rikvip - đường dây đánh bạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam bị triệt phá, những trang đánh bạc đổi thưởng tương tự liên tục rơi vào tình trạng "bảo trì".

Cũng như hàng triệu người chơi tham gia Rikvip, việc "bảo trì" của một số trang đánh bạc này (tức là tạm dừng hoặc đóng cửa vĩnh viễn) cũng đồng nghĩa với việc người chơi bị mất trắng số tiền đã đổ vào tài khoản.

"Đế chế" bị triệt phá

Đối với dân chơi cờ bạc online, có thể nói Rikvip là một "đế chế" cờ bạc vượt trội hơn so với các trang cờ bạc khác. Chỉ cần nhìn qua con số xấp xỉ 43 triệu tài khoản đăng kí cũng đủ hiểu sự phổ biến, chân rết của mạng lưới cờ bạc này mở rộng thế nào trong hơn hai năm hoạt động (từ 18-4-2015 đến 29-8-2017).

Cho đến khi được đưa ra ánh sáng, những kẻ đứng sau đảm bảo cho sự hoạt động của đường dây đánh bạc này càng khiến người ta thấy được vì sao Rikvip hay Tip.club lại được xem như một "đế chế" cờ bạc.

Theo Cơ quan Điều tra, Rikvip hoạt động với 42 game mô phỏng các hình thức đánh bạc hoạt động trái phép thông qua nhiều website khác nhau và dưới dạng ứng dụng dành cho điện thoại.

Phan Sào Nam tại cơ quan Công an.
Phan Sào Nam tại cơ quan Công an.

Để tham gia, người chơi phải tạo một tài khoản và nạp tiền mua tiền ảo trong game thông qua các kênh như thẻ điện thoại (Viettel, Vinaphone, Mobiphone), các loại thẻ game, tài khoản ngân hàng hay mua tại các đại lý.

Do tiền trong game có thể đổi lại thành tiền mặt hoặc hiện vật có giá trị nên tạo thành tính chất ăn thua, cay cú và bộc lộ rõ tính chất cờ bạc của hệ thống này.

Cũng nhờ lí do đó mà Rikvip ngày càng lôi kéo được nhiều con bạc nhờ cách thể hiện sự "uy tín" qua 25 đại lý cấp 1, gần 6.000 đại lý cấp 2 đổi tiền ảo luôn sẵn sàng mời chào.

Thấy được sự nguy hiểm và ngày càng mở rộng của đường dây đánh bạc này, Bộ Công an đã quyết định mở chuyên án để đấu tranh triệt phá. Cùng thời điểm đó, Công an tỉnh Phú Thọ cũng tiến hành điều tra vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" xảy ra trên địa bàn Phú Thọ và áp dụng biện pháp tố tụng với một số đối tượng có liên quan đến chuyên án.

Theo đó, giữa năm 2017, khi Công an tỉnh Phú Thọ nhận đơn trình báo của bà Võ Minh Phương (ở phường Nông Trang, TP Việt Trì). Bà Phương bị một người sử dụng Facebook lừa đảo, chiếm đoạt 110 thẻ cào điện thoại trị giá 55 triệu đồng.

Lập chuyên án đấu tranh, cuối tháng 7-2017, Công an tỉnh Phú Thọ đã bắt giữ Lê Văn Huy (21 tuổi, ở Quảng Trị) - người đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Phương.

Qua đấu tranh, Huy khai sau khi chiếm đoạt 55 triệu đồng, thanh niên này đã đổi thành tiền ảo để đánh bài trực tuyến qua hình thức game bài Rikvip.

Nhận được thông tin trên, Ban chuyên án đã giao cho Cơ quan Điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ thụ lý điều tra theo thẩm quyền. Bằng các bằng chứng xác thực đã được Ban chuyên án thu thập, ngày 29-8-2017, Công an tỉnh Phú Thọ tiến hành đồng loạt các biện pháp tố tụng với các cá nhân, tổ chức liên quan đến đường dây cờ bạc trực tuyến ngàn tỷ Rikvip.

Tiếp tục đấu tranh mở rộng chuyên án, Phòng An ninh kinh tế, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với Cục An ninh mạng (Bộ Công an) đã bắt, khám xét khẩn cấp những kẻ cầm đầu tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng gồm: Nguyễn Văn Dương (43 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao) và Lưu Thị Hồng (42 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao).

Dương còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC, đây là một công ty được thành lập đầu năm 2010. Công ty này không mấy nổi bật cho đến khi được chấp thuận đứng đầu liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, có tổng vốn 12.188,66 tỷ đồng.

Tuy nhiên mới đây, Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cầu đường Sài Gòn (SBRC) cho biết, SBRC nắm 51% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần đầu tư UDIC (tổng vốn điều lệ 781,73 tỷ đồng).

Với việc SBRC công bố sở hữu quá nửa cổ phần của UDIC, nhiều người nhận định rằng rất có thể Nguyễn Văn Dương đã thoái lượng lớn cổ phần tại doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của mình.

Tháng 7/2017, Công ty Cổ phần đầu tư UDIC cũng bố cáo thay đổi thông tin. Theo đó, người đại diện của Đầu tư UDIC hiện nay là ông Nguyễn Hữu Hùng (43 tuổi).

Một người khác được xác định cùng cầm đầu đường dây đánh bạc là Phan Sào Nam (39 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT VTC Online. Phan Sào Nam đã tốt nghiệp Cử nhân quản trị kinh doanh của Trường đại học Kinh tế TP HCM và Thạc sỹ quản trị kinh doanh công nghệ của Trường đại học Thông tin liên lạc Hàn Quốc. Sau khi hoàn thành chương trình học, ông Phan Sào Nam về Việt Nam và đầu quân cho VASC.

Đến năm 2006, khi lãnh đạo VTC quyết định đầu tư vào nội dung số, Phan Sào Nam được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc VTC Intecom. Sau 2 năm, Phan Sào Nam cùng các đồng nghiệp đã lập nên VTC Online.

Cũng trong thời điểm đó, Phan Sào Nam giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ngoài VTC Online, Phan Sào Nam còn là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV truyền thông đa phương tiện VTC HCM, công ty được thành lập từ tháng 9/ 2011. Hiện nay, VTC HCM đã ngừng hoạt động.

Qua điều tra ban đầu, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ làm rõ số tiền tham gia đánh bạc qua cổng thanh toán là hơn 9.500 tỷ đồng, các đối tượng thu lợi bất chính từ hành vi đánh bạc là 2.777 tỷ đồng, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản ngân hàng 381 tỷ đồng tiền mặt và sổ tiết kiệm, 20 căn hộ trị giá gần 190 tỷ đồng và 13 ôtô các loại.

Tính đến ngày 15-3-2018, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố 83 bị can, tạm giam 31 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 42 bị can, cho bảo lãnh 2 bị can và truy nã 8 bị can.

Nhiều người được tại ngoại chủ yếu là người chơi bạc, đại lý viên "đổi Rik ra tiền thật", và một số người nguyên là cán bộ Công an với các tội danh tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán hóa đơn, rửa tiền…

Điều đáng nói, trong số những người tiếp tay cho đường dây này lại có ông Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng Cục C50.

Các đối tượng bị bắt giữ.
Các đối tượng bị bắt giữ.

Nỗi niềm dân chơi

Sau khi đường dây và các chủ chốt của Rikvip-Tip.club bị "sờ gáy" vào tháng 8-2017, hàng loạt tài khoản tham gia đường dây này đã bị "đóng băng", đồng nghĩa với việc một số tiền lớn đã nạp vào game không thể rút ra.

Sau đó không lâu, trên các kho ứng dụng như App Store, CH Play đã không còn thấy bóng dáng của ứng dụng này. Một số người chơi đã thể hiện sự bức xúc trên trang Facebook của Rikvip khi không thể rút tiền, không thể vào chơi và thậm chí là bị lừa gạt bởi một số cá nhân tung các trang nạp thẻ ảo hay đứng ra nhận đổi tiền trong game.

Cùng với sự biến mất của Rikvip, một loạt game bài online có quảng cáo đổi thưởng đã ngừng hoạt động hoặc khóa chức năng nạp thẻ. Một số website thu hút người chơi không kém Rikvip như Xengclub.vn, Bigo 69, Bonclub, sao club, Pay club… cách đây không lâu còn hoạt động mạnh mẽ nhưng khi chúng tôi tìm cách đăng nhập lại vào ngày 17-3 thì đều báo lỗi, trên Facebook quảng cáo của những trang đánh bài này luôn treo thông báo đang bảo trì.

Liên hệ với người quản lý của Facebook các trang đánh bài này thì đều không thấy trả lời, mặc dù trước đó không lâu khi liên lạc, người quản lý này vẫn trả lời bình thường.

Một đại lý cấp 1 vẫn treo biển nhưng đã dừng hoạt động.
Một đại lý cấp 1 vẫn treo biển nhưng đã dừng hoạt động.

Đến ngày 18-3, trên Facebook của Xeng.Club đã đưa ra thông báo bảo trì xong nhưng khi đăng nhập cũng đều báo lỗi. Theo dõi một số bình luận của người chơi bên dưới cho thấy nhiều người cũng lâm vào tình trạng không thể đăng nhập hoặc đăng nhập nhưng không thể vào chơi.

Cùng với đó là một số tiền lớn bị đóng băng trong tài khoản game không thể rút ra. Một số người còn cho biết, trước khi trang web này bị lỗi, họ vẫn nạp tiền vào game nhưng số tiền đó "không cánh mà bay", không được chuyển vào tài khoản. Người phụ trách Facebook vẫn bặt vô âm tín, không hề xuất hiện nhiệt tình như trước đó.

Liên hệ với Đ, một người tự nhận mình là đại lý cấp 1 chuyên đổi tiền từ các web đánh bài đổi thưởng như Bon.club, Pay.club hay Xeng.club thì trong 4 số điện thoại được đăng trên Facebook cá nhân, 3 số báo thuê bao không liên lạc được, số điện thoại còn lại nhấc máy nhưng cho biết chúng tôi đã gọi nhầm số. Thậm chí, trang web quảng cáo của người này cũng đã báo lỗi không thể đăng nhập.

Có lẽ, việc triệt phá đường dây đánh bạc Rikvip đã khiến những kẻ cầm đầu các web đánh bài đổi thưởng khác sợ hãi. Những cái chết "đột tử" của các web đánh bài từng một thời thu hút người chơi như đã kể trên đã nói nên điều đó.

Những người chơi, những kẻ mê muội vì cờ bạc giờ đây cũng chỉ biết lên mạng chửi bới, trách móc những kẻ quản lý game đã biến mất không dấu vết.

* Theo Bộ Công an, trong vụ việc này, số tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán, trong đó các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VinaPhone, MibiFone) được hưởng lợi từ 15,5-16,3%. Lợi ích của các doanh nghiệp viễn thông khi cung cấp dịch vụ cho hoạt động đánh bạc này là không nhỏ.

Việc quản lý hoạt động phát hành và sử dụng thẻ cào viễn thông lỏng lẻo khiến các thẻ cào dễ dàng trở thành phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến.

Các cổng trung gian thanh toán đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến nhưng việc quản lý còn rất lỏng lẻo, khiến các doanh nghiệp trung gian thanh toán như VNPT EPAY, Ngân Lượng, Home Direct, Giải trí số dễ dàng cung cấp dịch vụ cho game bài Rikvip/Tip.club để con bạc tham gia đánh bạc trong thời gian dài. Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ, hoạt động này không được Ngân hàng Nhà nước coi là hoạt động trung gian thanh toán để quản lý, trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào.

Theo Hiền Phong

Cảnh sát toàn cầu