1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Sập bẫy lừa tình, nhiều cụ già Mỹ mất hàng triệu USD

Linh Phong

(Dân trí) - Một cụ ông 87 tuổi ở Mỹ đã mất gần 3 triệu USD cho một kẻ lừa đảo tình cảm qua mạng. Họ gặp nhau trên một ứng dụng hẹn hò trực tuyến.

Những kẻ lừa đảo đang sử dụng các ứng dụng hẹn hò để săn lùng những người cô đơn ở Mỹ và số nạn nhân là những người lớn tuổi cứ tăng dần. Theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), các vụ lừa đảo yêu đương đã "cướp" 139 triệu USD của những người từ 60 tuổi trở lên vào năm 2020; trong khi con số này chỉ là 84 triệu USD trong năm 2019.

Theo tài liệu mà một tòa án ở thành phố New York công bố hồi cuối tháng 1, một nạn nhân đã mất tới gần 3 triệu USD vì mắc bẫy lừa đảo tình cảm. 

Kịch bản lừa tình

Cảm thấy đơn độc khi Covid-19 lan rộng vào mùa hè năm 2020, bà Kate Kleinert - một phụ nữ 69 tuổi sống ở thành phố Glenolden, bang Pennsylvania, Mỹ - quyết định chấp nhận lời mời kết bạn trên Facebook từ một người lạ điển trai. Người kia mô tả ông là một bác sĩ người Na Uy, làm việc ở Iraq và tự xưng là Tony.

Sau vài tháng liên tục nhắn tin qua lại, đôi bên trở nên thân thiết, Tony bắt đầu xin tiền. Tháng 12/2020, bà Kleinert đã tặng Tony và 2 người tự xưng là con của ông ta một thẻ quà tặng trị giá 39.000 USD. Đó là toàn bộ tiền tiết kiệm của người phụ nữ này, cộng với tiền bồi thường bảo hiểm nhân thọ của người chồng quá cố, lương hưu và thu nhập từ an sinh xã hội của bà.

Không còn tiền tiết kiệm, bà lâm vào cảnh túng quẫn. Khi bà báo sự việc với cảnh sát, cảnh sát nói không thể làm gì để giúp bà.

Sập bẫy lừa tình, nhiều cụ già Mỹ mất hàng triệu USD - 1

Bà Kate Kleinert đã mất hết tiền tiết kiệm vì sập bẫy tình trực tuyến (Ảnh: The New York Times).

Các chuyên gia nhận định kẻ lừa bà Kate Kleinert đã theo một kịch bản điển hình: tự xưng là người chuyên làm việc ở nước ngoài; khai thác sự cô đơn của nạn nhân để nhanh chóng thiết lập mối quan hệ; xây dựng một tương lai tưởng tượng với họ; lên kế hoạch cho một cuộc gặp trực tiếp nếu nạn nhân sẵn sàng chi tiền.

Một luật sư chuyên về luật người cao tuổi ở thành phố Chicago thông tin: "Tôi đã chứng kiến nhiều người lớn tuổi thế chấp nhà, vay những khoản tiền lớn từ hàng xóm, rút hết tiết kiệm hưu trí của họ để gửi tiền cho bọn lừa đảo".

Mặc dù người trẻ tuổi có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến, những người lớn tuổi lại dễ sập bẫy hơn. 

Peaches Stergo, người phụ nữ phải ra tòa vì tội lừa đảo trong vụ án liên quan đến một cụ ông 87 tuổi ở thành phố New York, đã lấy được 2,8 triệu USD từ nạn nhân. Cô ta tiếp cận cụ ông trên một trang web hẹn hò.

Các công tố viên cáo buộc cô ta đã sử dụng số tiền lừa đảo được để trả cho một căn hộ chung cư ở Florida, các phòng tại Ritz Carlton, mua vàng, mua ô tô, đồng hồ và quần áo sang trọng.

Người già dễ mắc bẫy

Số liệu thống kê cho thấy, thiệt hại trung bình từ một vụ lừa đảo tình cảm đối với những người từ 70 tuổi trở lên vào năm 2021 là 9.000 USD, so với mức 2.400 USD ở tất cả nhóm tuổi.

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) từng cảnh báo công chúng về nạn lừa đảo tình cảm qua mạng. Theo số liệu của họ, người dân Mỹ đã mất ít nhất 1 tỷ USD trong các vụ lừa tình qua mạng vào năm 2021.

Luật pháp Mỹ miễn trừ trách nhiệm của các nền tảng trực tuyến đối với nội dung mà người dùng đăng.

FTC từng kiện Match Group - công ty sở hữu các nền tảng hẹn hò trực tuyến Tinder, Hinge và Match.com - vào năm 2019, cáo buộc công ty đã cho phép những kẻ lừa đảo mạo danh người có nhu cầu hẹn hò. Một tòa án liên bang ở Texas đã bác đơn kiện của FTC.

Ý thức được vấn đề, Match Group đã triển khai một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng vào đầu tháng 2 để cảnh báo người dùng về những dấu hiệu đáng ngờ.

Mặc dù các nền tảng hẹn hò không phải trách nhiệm về nội dung mà họ lưu trữ, cá nhân vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu họ thực hiện hành vi lừa đảo hoặc hỗ trợ kẻ lừa đảo.

Glenda Seim, một phụ nữ 81 tuổi ở bang Missouri, đã bị kết án 5 năm quản chế vào năm 2022 vì tiếp tay cho kẻ lừa đảo tình cảm, một người đàn ông tự xưng là công dân Mỹ đang làm việc ở Nigeria đang cần tiền để về nước. Hắn gửi đồ điện tử đến nhà Glenda để bà cầm cố ở tiệm cầm đồ, rồi lập các tài khoản ngân hàng giả để chuyển tiền cho hắn.

Các đặc vụ liên bang đã nói với Glenda rằng bà đang bị lừa, nhưng cụ già phớt lờ cảnh báo. Giống như rất nhiều nạn nhân lớn tuổi khác, Glenda không tin chuyện tình của bà chỉ là vụ lừa đảo, và cố gắng dùng mọi lý lẽ để bảo vệ "người tình".

Thông thường, con của các nạn nhân là người có cơ hội ngăn họ. Điển hình như trường hợp cụ ông 87 tuổi. Khi ông tâm sự với con trai về "mối tình" và việc ông đã chuyển tiền tới 62 lần cho "người tình", con ông đã biết ngay cha mình đang bị lừa và ngăn ông lại.

Vụ việc của cụ ông này cũng là lần hiếm hoi cảnh sát bắt giữ thành công đối tượng lừa tình. Bởi đa phần các vụ lừa đảo trên internet, thủ phạm hiếm khi sa lưới và nạn nhân thường không thể lấy lại tiền. Lực lượng hành pháp hầu như không thể tìm ra dấu vết của kẻ lừa đảo, đặc biệt là những kẻ sử dụng địa chỉ I.P ở nước ngoài.

Theo www.nytimes.com