1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Sao không đưa ông Triệu Tài Vinh và Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang vào chịu trách nhiệm?

(Dân trí) - Luật sư hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài tại tòa, tại sao không đưa ông Triệu Tài Vinh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang) và ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang vào chịu trách nhiệm.

Sáng 16/10, TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục xét xử sơ thẩm 5 bị cáo liên quan đến vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ở địa phương này.

Sao không đưa ông Triệu Tài Vinh và Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang vào chịu trách nhiệm? - 1

Quang cảnh phiên tòa.

Trong phiên xử sáng nay, luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Chính) hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT) tại sao chỉ "lôi chị Chính vào cuộc", mà không đưa những người như ông Triệu Tài Vinh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang), ông Vũ Văn Sử (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) và ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang (Trưởng Ban chỉ đạo chấm thi THPT quốc gia 2018)?. Đây là những người trách nhiệm còn cao hơn bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang).

Bị cáo Hoài trả lời: "Bị cáo Chính là Trưởng ban Chấm thi trực tiếp chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình chấm môn thi tự luận và trắc nghiệm. Trong quy chế chấm thi thì trưởng ban chấm thi phải chịu trách nhiệm. Hành vi của chúng tôi là can thiệp nâng điểm môn thi trắc nghiệm cho các thí sinh nên bị cáo Chính phải chịu trách nhiệm một phần".

Sao không đưa ông Triệu Tài Vinh và Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang vào chịu trách nhiệm? - 2

Bị cáo Hoài (phải) và Lương tại tòa.

Trong các phiên xử trước, bị cáo Hoài thừa nhận vào buổi tối ngày 18/7/2018, bị cáo Vũ Trọng Lương (Nguyên Phó Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT) có đến nhà Hoài nói khả năng bị lộ, sẽ bị khởi tố và Hoài có nói với Lương rằng "cứ lôi chị Chính vào".

Tại phiên xử sáng nay, bị cáo Hoài giải thích "lôi chị Chính vào cuộc" là vì bị cáo Chính phải chịu trách nhiệm về việc giám sát quá trình chấm thi mà để bị cáo Lương nâng, sửa điểm môn trắc nghiệm.

Ngoài ra, bị cáo Chính đưa cho Hoài danh sách 13 thí sinh nhờ nâng điểm môn ngữ văn (trong đó có 1 thí sinh nhờ xem điểm), nên hành vi này cũng giống như mình đưa cho bị cáo Lương danh sách 93 thí sinh nhờ nâng điểm môn trắc nghiệm.

Theo tài liệu điều tra, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài đã chuyển danh sách 93 thí sinh cho Vũ Trọng Lương (Nguyên Phó Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT) để nâng điểm môn thi trắc nghiệm. Ngoài ra, Lương còn nhận danh sách 14 thí sinh nhờ nâng điểm môn thi trắc nghiệm từ người thân quen.

Từ ngày 30/6/2018 đến 2/7/2018, bị cáo Lương đã thực hiện can thiệp nâng điểm cho 107 thí sinh trên. 

Đến ngày 7/7/2018, bị cáo Lương có nói với Hoài rằng "Do số thí sinh Lương đã nâng điểm rất cao, khi thông báo sợ Bộ GD&ĐT kiểm tra nên cần sửa chữa bài thi của các thí sinh đã nâng điểm cho phù hợp với kết quả trong đĩa CD1 đã gửi cho Bộ GD&ĐT" và Hoài đồng ý. 

Đến khoảng 9h30 ngày 7/7/2018, Hoài đã đưa cho Lương chìa khóa phòng chứa bài thi môn trắc nghiệm và 1 bì chứa chìa khóa hòm chứa bài thi trắc nghiệm để Lương thực hiện việc đã trao đổi với Hoài ở trên.

Trong vụ án này, bị cáo Lương và Hoài cùng bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT) và Lê Thị Dung (nguyên Phó Đội trưởng Phòng an ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang) bị truy tố tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".

Bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT) bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Nguyễn Dương