Quyền lực của nữ cựu cục trưởng vụ chuyến bay giải cứu
(Dân trí) - Với chức vụ là Cục trưởng Cục Lãnh sự, bà Lan can thiệp sâu vào kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo, phân bổ chuyến bay theo địa bàn, thay đổi thời gian, địa điểm bay, số lượng hành khách...
Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao - bà Nguyễn Thị Hương Lan, bị Bộ Công an đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ, với số tiền lên tới hơn 25 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, bà Lan với chức vụ được giao, có trách nhiệm quản lý, phụ trách chung toàn bộ công việc tại Cục Lãnh sự. Trong khoảng thời gian chuyến bay giải cứu được triển khai, thực hiện, bà Lan phân công Đỗ Hoàng Tùng (Phó Cục trưởng), Lê Tuấn Anh (Chánh Văn phòng) và Lưu Tuấn Dũng (Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân) trực tiếp giải quyết hồ sơ do các doanh nghiệp nộp tới Cục Lãnh sự.
Các cấp dưới của bà Lan còn có được giao lập kế hoạch dự kiến tổ chức các chuyến bay combo để trình lãnh đạo Bộ Ngoại giao phê duyệt theo tuần/tháng; dự thảo công văn trình lãnh đạo Bộ duyệt, ký gửi các thành viên Tổ công tác 5 Bộ để xin ý kiến về kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo và phát hành công văn thông báo cho các doanh nghiệp, địa phương...
Vì vậy, Cơ quan An ninh điều tra cho rằng, bà Lan không cần thiết phải gặp trực tiếp đại diện các doanh nghiệp và giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp trong việc xin tổ chức thực hiện các chuyến bay combo.
Tuy nhiên, thực tế, tất cả kế hoạch dự kiến lựa chọn doanh nghiệp tham gia tổ chức chuyến bay combo đều phải xin ý kiến chỉ đạo của bà Lan, trước khi được trình lên lãnh đạo Bộ Ngoại giao phê duyệt.
Kết luận điều tra chỉ ra, trong một số trường hợp, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự còn trực tiếp ký nháy trên các kế hoạch tổ chức chuyến bay do Cục Lãnh sự dự thảo trình lãnh đạo Bộ và kết quả phê duyệt cấp phép chuyến bay của Tổ 5 Bộ để triển khai thực hiện.
Thậm chí, bà Lan còn can thiệp sâu vào kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo cho các doanh nghiệp theo từng tuần/tháng, cũng như chỉ đạo, đốc thúc cấp dưới và các đơn vị liên quan về việc phát hành văn bản phê duyệt, cấp phép bay cho các doanh nghiệp được nhanh hơn; phân bổ chuyến bay theo địa bàn và thời gian hợp lý; được thay đổi thời gian, địa điểm bay, số lượng hành khách sau khi kế hoạch được phê duyệt.
Theo Bộ Công an, từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, 8 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, móc nối, đặt vấn đề và đưa tiền cho bà Lan để xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép chuyến bay theo thẩm quyền của vị cựu Cục trưởng.
Kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra cho biết, bà Lan đã 32 lần nhận hối lộ từ đại diện các doanh nghiệp, với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng.