1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Phút trải lòng của những tử tù: Muộn vẫn còn sám hối

Khu giam giữ phạm nhân mang án tử hình, Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh một ngày nắng. Căn phòng chừng 10m2 của tử tù bớt đi hoang lạnh khi lớp cửa thứ hai được mở toang, nắng chiếu vào tận đầu giường, phủ lên lớp da nhợt nhạt của phạm nhân.

Từ ngoài sân, bao nhiêu âm thanh ùa theo vào: tiếng nồi niêu lách cách chuẩn bị cho bữa cơm lúc 9h, tiếng cười nói của những phạm nhân đang lao động; tiếng gà gáy ngoài vườn nhãn... Những âm thanh đơn giản đời thường này với tử tù là điều vô cùng hiếm hoi, quý giá.

Sự sống qua khung cửa

Trung tá Nguyễn Văn Sắc, phụ trách Đội Quản giáo, dẫn chúng tôi tới thăm khu giam giữ dành cho phạm nhân lĩnh án tử hình. 24 phạm nhân được chia làm 2 dãy phòng, mỗi phòng đều có 2 lần cửa sắt, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.

2 tử tù Nguyễn Văn Dương (23 tuổi, trú tại thôn Triều, xã Tân Dân, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Văn Hải (55 tuổi, trú tại phường Gia Sàn, TP Thái Nguyên) được ở chung một phòng giam.

Hơn 6 năm trong tù, bị bắt vì tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý, giờ đây Nguyễn Văn Hải cũng đã quen với cảm giác sợ hãi chờ tử thần đến đón. Vậy mà thỉnh thoảng có những đêm, khi nghe đâu đó tiếng chân bước dồn dập, tiếng cửa sắt kẹt mở, Hải vẫn giật mình ngồi bật dậy lắng nghe. Mở mắt thức dậy nhìn thấy ánh sáng mới chắc chắn rằng mình còn sống thêm được ngày nữa.

Ngồi trước mặt tôi là một khuôn mặt khá dữ dằn, nhưng giọng nói chậm rãi, không còn pha tạp cái ngang ngạnh, bất cần của một tay giang hồ nữa. Hải kể: "Mới vào được mấy ngày, chưa kịp định tâm thì hai tội nhân phạm tội cướp của giết người ở Uông Bí bị đưa đi hành quyết.

Đêm ấy, khi Công an tới mở cùm, cả khu biệt giam đã sống trong hoảng loạn, sợ hãi đến tột cùng. Kẻ thì gào khóc, kẻ thì hát rống lên như bị tâm thần, kẻ thì cứ rì rầm nói chuyện một mình như bị ma ám. Những ngày chờ thi hành án là quãng thời gian kinh hoàng nhất trong cuộc đời...".

Hai tử tù Hải và Dương.
Hai tử tù Hải và Dương.

Từ cuối năm 2011 đến nay, Hải có thêm người bạn tù là Nguyễn Văn Dương, bị bắt và chịu mức án tử hình vì tội "giết người, cướp tài sản". Nhìn khuôn mặt non nớt của Dương, chẳng ai ngờ lại là một kẻ đã ra tay giết người một cách tàn độc.

Ngày 10/12/2011, anh Trần Chí Thảo (SN 1978, trú tại số 1159/07, quốc lộ 1, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) rủ Dương ra Móng Cái chơi và quan hệ đồng tính. Trong những lần "quan hệ", anh Thảo hứa trả công cho Dương 2 triệu đồng.

Quá trình ở cùng với anh Thảo, Dương biết anh Thảo có nhiều tiền, xe máy đẹp nên nảy sinh ý định giết anh Thảo để lấy tài sản. Khi anh Thảo từ trong phòng trọ đi ra cửa không để ý, Dương đi phía sau dùng dao nhọn đâm một nhát vào nách trái anh Thảo. Anh Thảo kêu lên bỏ chạy, Dương đuổi theo đâm liên tiếp cho đến khi anh Thảo chết.

Tên tội phạm lấy chăn phủ kín xác nạn nhân, sau đó thay quần áo, lục soát lấy 450.000 đồng, 2 điện thoại di động và xe máy của anh Thảo rồi phóng về Hải Dương... Theo một cán bộ quản giáo: Hành vi dùng dao đâm liên tiếp anh Thảo là hành vi dã man, tàn ác, không chỉ làm cho anh Thảo đau đớn trước khi chết, mà còn thể hiện sự hung hãn cao độ, mất hết tính người. Chính vì điều này nên Dương mới bị xử hình phạt cao nhất, không thể xem xét giảm nhẹ...

Lời sám hối muộn mằn

Trung tá Nguyễn Văn Sắc kể rằng, đêm là khi các tử tù thức, còn ban ngày thì lăn ra ngủ. Có những tử tù từ khi bị bác đơn xin ân xá, tinh thần hoảng loạn, gào khóc thảm thiết, tư tưởng không ổn định. Đây là những trường hợp mà quản giáo phải để ý nhiều hơn, đặc biệt phải dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự để tử tù lấy lại sự bình tĩnh.

Trong 24 tử tù ở đây chỉ có Ngô Văn Nghị, trú ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long là còn giữ được vẻ bình tĩnh. Nghị bị kết án tử hình khi là kẻ chủ mưu trong vụ xả súng đẫm máu tại quán ăn đêm ở khu vực Vườn Đào, Bãi Cháy làm 2 người chết, 3 người bị thương.

Từ một đại gia cai than, nổi tiếng ăn chơi trong giới giang hồ đất mỏ, hơn 3 năm sau ngày bị kết án, Nghị đã hoàn toàn thay đổi. Không còn vẻ ngông nghênh, máu lạnh như trước. Ngày nào Nghị cũng ngồi thiền, sám hối và chiêm nghiệm lại những lỗi lầm trước đây và mong nhận được sự tha thứ. Trong con người tưởng chừng tàn ác này, lương tri đã thức tỉnh.

Sự hối hận muộn màng khiến Nghị đã bật khóc khi tâm sự với chúng tôi: "Em rất thương vợ con, em có lỗi với họ rất nhiều, chỉ xin họ tha thứ…". Khi được hỏi về tâm trạng của mình, Nghị nói: "Sinh hoạt có hơi bất tiện một chút, nhưng em không hề chán nản, hay có những suy nghĩ tiêu cực khác". Hỏi tại sao Nghị vẫn giữ vẻ lạc quan khi hình phạt tử hình sẽ được áp dụng với mình bất cứ lúc nào, người tử tù trầm ngâm một lúc rồi nói: "Mỗi tháng em vẫn gửi một lá đơn tới Chủ tịch nước xin được ân giảm".

Ngày nào cũng vậy, Hải, Dương cùng thức dậy lúc 6 giờ. Công việc đầu tiên là tập thể dục, đặc biệt là xoa bóp cho cái chân bị cùm. "Nếu không làm vậy thì chẳng bao lâu chân sẽ bị teo đi do không được vận động" - Hải nói. Mọi công việc vệ sinh cá nhân diễn ra nhanh chóng trên chiếc giường xi măng.

Tới khoảng 7h, có người phục vụ (là một phạm nhân khác có án nhẹ hơn) thu dọn phòng và lấy phiếu ăn. Mỗi tháng gia đình phạm nhân chỉ được gửi 500.000 đồng qua lưu ký, sau đó phạm nhân tự liệu số tiền mà đăng ký chọn thức ăn có trong thực đơn của căng tin.

Sau bữa ăn, hầu hết thời gian còn lại là nằm, ngồi, nhớ, nghĩ và sợ hãi... "Mỗi lần nghĩ lại hành động tàn ác của mình, em rất hối hận, không hiểu sao lúc ấy mình lại ra tay lạnh lùng như thế. Mẹ em khóc nhiều lắm. Nghĩ đến ngày không còn trên thế gian này, em chỉ xin tạ tội với gia đình anh Thảo và với mẹ của em. Xin bà hãy tha thứ cho đứa con bất hiếu", Dương buồn bã nói.

Trước khi chia tay, chúng tôi kể cho Hải và Dương nghe câu chuyện về anh chàng tử tù tên là Meursault trong tác phẩm "Người xa lạ" của nhà văn người Pháp Albert Camus. Ngày cuối cùng trước khi bị tử hình, có một giây phút ý thức đã đến với Meursault.

Lúc nằm ngửa trong phòng giam của mình, Meursault ngẩng lên chợt thấy một lỗ cửa tò vò, và đột nhiên, anh được tiếp xúc với một khung trời xanh nhỏ bé. Từ đó trở về sau, Meursault sống trong ý thức về một cuộc sống mầu nhiệm, đẹp đẽ. Anh không để thừa phút giây nào để ý thức về sự có mặt của mình với khoảng trời xanh kia.

Thậm chí khi có một vị giáo sĩ đến làm lễ rửa tội cho mình, Meursault đã từ chối vì cho rằng, điều ấy chỉ làm lãng phí thời gian của anh đối với việc tiếp xúc với sự sống. Meursault cho rằng, khi mình sống mà không ý thức được rằng mình đang có mặt để tiếp xúc sâu sắc với sự sống thì chỉ như những xác chết mà thôi...

Hải chăm chú hơn cả khi nghe chúng tôi kể chuyện. Ngoài kia, nắng mỗi lúc thêm tràn ngập. Lớp cửa thứ 2 trong phòng giam luôn được mở trong giờ hành chính, đón ánh sáng từ khoảng trời bên trên, rộng hơn rất nhiều so với lỗ cửa tò vò trong phòng giam của Meursault. Tôi biết, câu chuyện của tôi kể cho Hải, Dương nghe có ý nghĩa khi ngày nào họ còn được tiếp xúc với sự sống trên thế gian này

Theo Tuấn Hương
Công an nhân dân