Phúc thẩm vụ ông Thăng: Các bị cáo đồng loạt xin giảm án

(Dân trí) - Tại phần thẩm vấn, các bị cáo nguyên là lãnh đạo Tổng Công ty CP xây lắp dầu Việt Nam (PVC) đều xin giảm nhẹ hình phạt, cả về trách nhiệm hình sự và dân sự. Các bị cáo trình bày, bản thân không được hưởng lợi gì từ việc ký hợp đồng không đủ căn cứ pháp lý; việc ký do cựu Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo.

Phiên xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) ngày 7/5 tiếp tục với phần thẩm vấn. Trước đó, tại phần thủ tục phiên tòa, HĐXX công bố, cựu Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh đã có đơn xin rút kháng cáo và xin vắng mặt ở tòa vì lý do sức khỏe.

Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên xử phúc thẩm ngày 7/5. (Ảnh chụp màn hình)
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên xử phúc thẩm ngày 7/5. (Ảnh chụp màn hình)

Trả lời thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Vũ Đức Thuận - cựu TGĐ PVC - cho biết, bản thân giữ nguyên các nội dung kháng cáo khi xin giảm nhẹ hình phạt đối với cả 2 tội danh là “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”; đồng thời cũng xin được giảm trách nhiệm dân sự. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Thuận bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái” và 15 năm tù về tội “Tham ô”; tổng hình phạt là 22 năm tù.

Bản án sơ thẩm xác định, với cương vị là TGĐ PVC, mặc dù biết Hợp đồng EPC chưa đủ điều kiện để ký kết nhưng bị cáo Thuận vẫn thực hiện chỉ đạo của cựu Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh, ký kết Hợp đồng EPC số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng và trực tiếp tham gia việc quyết định sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích. Ngoài ra, thực hiện yêu cầu của Trịnh Xuân Thanh, bị cáo Thuận đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, rút tiền từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng. Cá nhân Vũ Đức Thuận được ăn chia số tiền 800 triệu đồng.

Trình bày trước tòa phúc thẩm, bị cáo Thuận cho rằng, tòa sơ thẩm tuyên bị cáo phải chịu mức án như vậy rất nặng, rất nghiêm khắc cả về hình sự lẫn trách nhiệm dân sự.

Trả lời HĐXX, Vũ Đức Thuận thừa nhận là người ký Hợp đồng số 33 với PV Power để trở thành tổng thầu trong triển khai thi công Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và sau đó sử dụng sai mục đích số tiền gần 120 tỷ đồng.

Cựu Tổng Giám đốc PVC trả lời HĐXX.
Cựu Tổng Giám đốc PVC trả lời HĐXX.

Bị HĐXX vặn hỏi, cựu TGĐ PVC thừa nhận bản thân biết hợp đồng EPC số 33 không đủ căn cứ pháp lý nhưng vẫn ký. Cụ thể, hợp đồng không có điều 14, không có phụ lục, không có thiết kế kỹ thuật, hồ sơ yêu cầu và hồ sơ đề xuất.

Giải thích lý do biết chưa đủ điều kiện nhưng vẫn ký, bị cáo Thuận nại rằng ký hợp đồng đó để tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 cán bộ, công nhân PVC, giúp người lao động có việc làm trong mấy năm trời. Tuy nhiên, bị cáo này cũng thừa nhận, ký hợp đồng sẽ được tạm ứng và PVC dùng tạm ứng đó để giải quyết nhiều việc, trong đó có trả nợ ngân hàng.

Về lý do xin giảm nhẹ hình phạt, cựu TGĐ PVC trình bày, bị cáo là TGĐ, đại diện cho pháp nhân. Khi đó, bị cáo được HĐQT giao ký hợp đồng, nhận tiền tạm ứng để trả nợ ngân hàng và góp vốn vào các công ty thành viên. Bản thân bị cáo “không được hưởng lợi gì”.

“Người Việt Nam chỉ đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ đáng kể hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm được trở về với gia đình và xã hội, trở thành người có ích.” - cựu TGĐ PVC khẩn khoản.

Đại diện Viện Kiểm sát xét hỏi các bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát xét hỏi các bị cáo.

Tiếp đến, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (cựu Phó Chủ tịch PVC, bị tuyên 6 năm tù về tội “Cố ý làm trái”) trả lời thẩm vấn HĐXX. Bị cáo Quý cho rằng, bản thân chỉ là người làm công hưởng lương và chỉ “vô tình” ký vào những văn bản được Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo. Khi được nhận tiền tạm ứng thì chỉ biết là PVN chỉ định thầu đối với PVC nên rất phấn khởi, hậu quả sau này bị cáo mới biết và khi được ký hợp đồng chỉ nghĩ sẽ làm ăn có lãi.

Cũng theo trình bày của cựu Phó Chủ tịch PVC, mỗi văn bản bị cáo ký đều được sự nhất trí của 100% thành viên HĐQT và phải có sự chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh thì bị cáo mới ký.

Cũng trong phiên xử chiều 7/5, một số bị cáo bị thẩm vấn đều đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét và giảm nhẹ trách nhiệm cả hình sự lẫn dân sự. Lý do các bị cáo này đưa ra là vai trò phạm tội mở nhạt, không nắm được nội dung Hợp đồng EPC số 33 và đã tích cực khắc phục hậu quả.

Sáng nay, 8/5, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.

Tiến Nguyên