TPHCM:
Phúc thẩm vụ “hô biến” con tàu cũ từ 100 triệu thành 130 tỷ đồng
(Dân trí) - Để trục lợi tiền của Nhà nước, Hảo cùng đồng bọn đã mua một con tàu cũ với giá 100 triệu đồng rồi hợp thức hóa giấy tờ, “nâng cấp” thành con tàu có giá trị 130 tỷ đồng.
Ngày 6/4, TAND tối cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “tham ô tài sản” đối với các bị cáo trong vụ án “hô biến” tàu trăm triệu thành trăm tỷ đồng.
Các bị cáo bị truy tố ra trước vành móng ngựa gồm: Vũ Quốc Hảo (SN 1955, ngụ quận 7, nguyên Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính 2, gọi tắt là ALC II), Phạm Minh Tuấn (SN 1958, ngụ quận 10, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cát Long Hải), Hoàng Lộc (SN 1965, ngụ quận 3, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam), Lê Phúc Đức (SN 1976, ngụ quận Bình Thạnh, nguyên Trưởng phòng Giám định kỹ thuật Công ty cổ phần Giám định thẩm định Việt Nam), Vũ Đức Hòa (SN 1979, ngụ quận 7, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Cát Long Hải), Lê Thị Minh Huệ (SN 1969, ngụ quận 7, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Cát Long Hải), Nguyễn Văn Tài (SN 1959, ngụ quận 7, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty ALC II), Phạm Xuân Nghị (SN 1962, ngụ huyện Bình Chánh, nguyên Trưởng phòng cho thuê ALC II), Đinh Nguyên Tý (SN 1962, nguyên Phó phòng cho thuê ALC II), Nguyễn Văn Thọ (SN 1980, nguyên Phó phòng cho thuê ALC II), Phùng Vằn Đồng (SN 1972, nguyên Phó phòng kinh doanh ALC II).
Riêng đối với bị cáo Nguyễn Văn Tài vì lý do ốm nặng nên vắng mặt tại phiên tòa sáng nay và được HĐXX chấp thuận.
Các bị cáo trước vành móng ngựa
Trước đó, vào tháng 9/2014, TAND TPHCM đã mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt Vũ Quốc Hảo, Phạm Minh Tuấn và Hoàng Lộc án tử hình; Lê Phúc Đức, Vũ Đức Hòa, Lê Thị Minh Huệ và Nguyễn Văn Tài bị tuyên phạt tù chung thân; Phạm Xuận Nghị bị tuyên phạt 20 năm tù; Đinh Nguyên Tý 16 năm tù; Nguyễn Văn Thọ 18 năm tù và Phùng Văn Đồng 15 năm tù.
Theo bản án sơ thẩm, Vũ Quốc Hảo cùng Phạm Minh Tuấn lập Công ty Cổ phần Cát Long Hải để ký hợp đồng mua bán, thuê tài chính với ALC II. Thực chất của việc lập công ty này là nhằm hợp thức hóa phi vụ cho thuê tài chính để chiếm đoạt tiền của ALC II.
Theo hồ sơ vụ án, thông qua mối quan hệ làm ăn, Hảo biết một thương gia người Nhật Bản là chủ sở hữu tàu lặn Tinro 2 sản xuất năm 1975 đang khai thác tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Hảo nảy sinh ý định sử dụng tàu này làm tài sản bảo đảm để ký hợp đồng thuê tài chính với ALCII. Thực hiện ý định trên, Hảo chủ động đề nghị thương gia người Nhật đưa tàu Tinro 2 vào làm tài sản góp vốn Công ty Cát Long Hải.
Do tàu Tinro 2 không có hồ sơ pháp lý nên Hảo đã nghĩ ra cách hợp thức hóa con tàu bằng những màn “phù phép” tinh vi.
Hảo chỉ đạo người của mình chi tiền thuê tàu chở tàu Tinro 2 từ Xí nghiệp liên hiệp Ba Son, TPHCM ra tận địa phận cảng Cửa Cấm (Hải Phòng). Do không có giấy tờ hợp pháp nên tàu Tinro 2 bị Cục Hải quan Hải Phòng tạm giữ. Việc tạo tình huống và bị bắt giữ tàu đều theo ý đồ dàn dựng, sắp xếp của Hảo.
Theo quy trình, tàu Tinro 2 được Sở Tài chính Hải Phòng xử lý bán thanh lý tang vật. Hảo chỉ đạo “người nhà” Phạm Minh Tuấn làm thủ tục xin mua lại con tàu với giá 100 triệu đồng. Sau đó, Hảo đã bàn bạc các “chân rết” móc nối với Hoàng Lộc giám định giá tàu Tinro lên tới 130 tỷ đồng.
Sau khi có được chứng thư thẩm định giá, Hảo đã chỉ đạo cho hàng loạt cấp dưới thực hiện hợp đồng mua bán, cho thuê tài chính để giải ngân cho Công ty Cát Long Hải 130 tỷ đồng. Số tiền này, Hảo sử dụng 79 tỉ đồng để mua gần 90.000 m2 đất tại trạm dừng chân miền Tây ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và giải chấp các khoản nợ vay, trích nộp tiền đặt cọc cho ALCII, chi sửa tàu và mua bảo hiểm cho tàu Tinro 2… Từ con tàu 100 triệu đồng, Hảo đã phù phép nâng giá lên 130 tỷ đồng. Cũng trong “nháy mắt”, Hảo và đồng phạm đã “nướng” 130 tỷ đồng của nhà nước chỉ còn vỏn vẹn hơn… 14 triệu đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên Tổng Giám đốc ALCII một mực cho rằng mình không phạm tội tham ô tài sản mà mà chỉ có sai trong việc ký kết hợp đồng mua, cho thuê tàu lặn.
Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm diễn ra đến ngày mai (7/4) và sẽ tuyên án.
Công Quang