1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Phúc "bồ" giang hồ gẫy cánh

Nhắc đến băng tội phạm có tổ chức, nguy hiểm những năm 1990 trên địa bàn Hà Nội, người ta thường nhớ đến những tên cầm đầu lững lẫy, sừng sỏ một trong đó không thể không kể đến nữ giang hồ Phúc “bồ”.

Thời gian dù đã trôi quá lâu, nhưng trong tâm trí của Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng vẫn nhớ đến từng chi tiết thời khắc tìm ra đầu mối quan trọng để bắt giữ nữ giang hồ này.

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi tìm đến số nhà 55 Lý Thường Kiệt, nơi Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Đội trưởng Đội Thanh tra pháp luật, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đang công tác. Qua giọng kể của Thượng tá Hùng, chúng tôi như trở lại quãng thời gian năm 1996, cảnh bà con tiểu thương khu vực chợ tạm Phùng Hưng và một số người dân nơm nớp lo sợ băng tội phạm do Phúc “bồ” cầm đầu và hiểu thêm về những khó khăn của lực lượng Công an khi tham gia phá chuyên án…

Phúc “bồ” tên thật là Nguyễn Thị Phúc (SN 1957), do ở 57 phố Hàng Bồ nên Phúc có biệt danh  Phúc “bồ” từ đấy. Năm 15 tuổi, thị đã được đưa vào trường giáo dưỡng. Rời trường được một thời gian, Phúc đã sớm trở thành tay anh chị có tiếng ở khu vực chợ Đồng Xuân.

Phúc "bồ" giang hồ gẫy cánh - 1
Phúc “bồ”  thời còn tung hoành ngang dọc.

Năm 1993, Phúc phải vào nằm trong nhà tạm giam về tội “không tố giác tội phạm”. Sau khi chợ Đồng Xuân bị cháy và chợ tạm Phùng Hưng ra đời, một đàn em của Phúc là Nguyễn Văn Thắng đứng ra làm đơn đề nghị UBND phường Hàng Mã cho thành lập “Tổ bốc xếp” tại đây. Phát hiện Thắng là đối tượng hình sự, chưa chịu cải tạo, UBND quận Hoàn Kiếm lúc đó đã bãi bỏ quyết định của UBND phường Hàng Mã.

Tuy vậy, “Tổ bốc xếp” của Phúc “bồ” vẫn hoạt động. Bọn đàn em của thị trong vỏ bọc “Tổ bốc xếp” đã ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản công dân để ăn tiêu và mỗi tháng “cúng” cho thị từ 40 đến 50 triệu đồng. Thượng tá Hùng cho biết, ví dụ như một bao tải hàng khi chuyển từ cổng chợ vào quầy nếu như để cho bà con thuê người lao động bình thường chỉ mất 20-30 nghìn đồng. Thế nhưng nhóm đối tượng của Phúc “bồ” đã khống chế, ép buộc những người khác không được vào và bà con tiểu thương phải thuê của bọn chúng với giá cao gấp 4-5 lần.

Để thực hiện việc độc quyền hành nghề bốc xếp, Phúc “bồ” còn tổ chức cưỡng đoạt tài sản của những người đến nộp thuế trước bạ ở G23, phường Thành Công (thuộc quận Ba Đình) để mỗi tháng thị bỏ túi từ 7 đến 10 triệu đồng.

Có nhiều tiền trong tay, Phúc “bồ” còn tổ chức nhiều vụ đâm thuê, chém mướn, bắt giữ người trái pháp luật để tống tiền. Ngoài ra,  còn tổ chức các vụ “đòi nợ thuê”, “dàn xếp” các mâu thuẫn… mà thực chất là cướp hoặc cưỡng đoạt tài sản của công dân với “lệ phí” từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng/vụ.

Điển hình có vụ đòi lại tiền trắng trợn như  Phúc “bồ” mua ôtô mới, không may xe bị tai nạn giao thông dẫn đến hỏng, thị ta sai đàn em mang đến chỗ mua để trả lại xe và bắt ép họ phải đưa lại tiền bằng thủ đoạn đe dọa khốc liệt…

Khoảng đầu tháng 6/1996, thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc Công an TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát hình sự (đơn vị chủ công) phối hợp với Công an các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng… đã tập trung rà soát các vụ việc do băng nhóm này gây ra, củng cố tài liệu chứng cứ, tính toán áp dụng các biện pháp tố tụng đối với đối tượng cầm đầu cũng như một số đối tượng liên quan.

Tuy nhiên, Phúc “bồ” hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt, thường không công khai lộ mặt trong các hoạt động vi phạm pháp luật cho nên việc thu thập tài liệu chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của thị ta rất khó khăn. Bên cạnh đó, bà con tiểu thương ở khu vực chợ tạm Phùng Hưng hoặc các nạn nhân của những vụ giải quyết tranh chấp theo kiểu “xã hội đen”… dù uất ức về việc bị cưỡng đoạt tài sản nhưng thấy thế lực của bọn chúng mạnh, thủ đoạn tàn khốc nên không dám tố cáo.

Rót chén trà nóng, Thượng tá Hùng nhớ lại: Thời điểm băng tội phạm Phúc “bồ” lộng hành,  anh đang là điều tra viên của Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm. Khi nhận lệnh của Ban giám đốc yêu cầu Phòng Cảnh sát  hình sự và Công an các quận phải khẩn trương rà soát mấy chục đầu mối thông tin về hoạt động của băng tội phạm này, củng cố tài liệu chứng cứ để bắt bằng được Phúc “bồ” với tinh thần làm nhanh, chính xác, Thượng tá Hùng cùng một số anh em được giao xác minh đầu mối là đơn thư của một nạn nhân tên Hương, chủ một doanh nghiệp có cơ sở ở phố Lê Duẩn.

Theo chị này tố giác, Phúc “bồ” khi mở nhà hàng Sơn Tùng, tại 217C Thái Hà có mua hàng hóa của chị Hương gồm rượu, bia và các hàng hóa phục vụ cho hoạt động của nhà hàng nhưng đều không thanh toán tiền.

Đến lúc số tiền lên khoảng 17 triệu đồng, chị Hương cho nhân viên đến đòi nhưng Phúc “bồ” không trả, phủ nhận việc còn nợ tiền, thậm chí còn cho đám côn đồ hành hung, đuổi đánh nhân viên của chị này khi đến thu hồi công nợ. Trong các mũi trinh sát đi điều tra, xác minh, mũi của Thượng tá Hùng đầu tiên củng cố được tài liệu chứng cứ xác định hành vi của Phúc “bồ” qua việc mua hàng hóa nhưng không chịu thanh toán tiền.

Ngay sau đó, anh báo cáo Đại tá Vũ Đình Hoành, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Trưởng ban chuyên án và đề xuất khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Phúc “bồ” về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; đồng thời mời Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Hoàn Kiếm sang họp cùng Ban chuyên án thẩm tra lại các chứng cứ.

Lúc đấy, đồng chí Lê Ngọc Giang, Viện trưởng Viện KSND quận Hoàn Kiếm sau khi thẩm tra, đánh giá lại tài liệu, chứng cứ cùng với Ban chuyên án đã đồng ý và phê chuẩn lệnh bắt tạm giam cũng như lệnh khám xét đối với Phúc “bồ” về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tàn sản.

Sau khi bắt giữ 11 đối tượng trong băng tội phạm Phúc “bồ”, ngày 19/6/1996, Công an quận Hoàn Kiếm đã thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở và kê biên tài sản đối với Phúc “bồ”. Tại nhà thị ở 40 Hàng Bông, Công an đã thu được một số giấy tờ có nội dung “nhờ” băng tội phạm này đòi nhà thuê. Tại 217C Thái Hà, nhiều giấy tờ, sổ sách liên quan đến các hoạt động phạm tội…

Đến ngày 22/7/1996, cơ quan Công an đã bắt giữ 23 đối tượng, ra một số lệnh truy nã (trong đó có Nguyễn Tuấn Anh, con trai Phúc “bồ” về hành vi tổ chức vận chuyển, mua bán và sử dụng chất ma túy). Khai thác mở rộng, Công an quận Hoàn Kiếm tiếp tục làm rõ Phúc “bồ” cùng đồng bọn đã gây ra vụ bắt giữ người trái pháp luật tại 60 Hàng Bồ.

Trong băng tội phạm Phúc “bồ”, người ta còn nhắc đến Dương Tử Anh- người tình của thị, một võ sĩ quyền anh sau khi mãn hạn tù tự nguyện thành võ sĩ riêng và giúp sức đắc lực cho Phúc “bồ” hoành hành.

Cũng vì mối tình này, trong một lần tranh chấp lãnh thổ hoạt động với băng tội phạm do Dương Văn Khánh (tức Khánh “trắng”) cầm đầu, Tử Anh đã bị đàn em Khánh “trắng” hắt axít hỏng một mắt. Sau khi Phúc “bồ” bị bắt, Tử Anh bỏ trốn vào TP Hồ Chí Minh, xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Đến giữa năm 1999, Tử Anh mới bị bắt, lĩnh hình phạt tổng hợp 8 năm 3 tháng tù, với 4 năm quản chế sau khi thụ án.

Về phía Phúc “bồ”, sau khi cải tạo tại Trại giam số 5, Bộ Công an (Yên Định, Thanh Hóa), đợt 2/9/2000, Phúc “bồ” ra tù. Do nghĩ ngợi nhiều cùng với việc chồng và hai con chết, chị ta đã bị tai biến mạch máu não dẫn đến bị liệt. Hiện giờ nữ giang hồ một thời ấy đang điều trị tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Liên Thiên Đức, thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, điều đúc rút kinh nghiệm từ chuyên án là phải nắm vững địa bàn, kịp thời phát hiện các phương thức thủ đoạn mới, đặc biệt việc nhen nhóm băng tội phạm hoạt động có tổ chức để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn; củng cố tài liệu chứng cứ chắc chắn, khách quan để bắt giữ được đối tượng cầm đầu thì mới làm ran rã toàn bộ băng nhóm tội phạm; phân hóa các đối tượng trong băng nhóm, tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, gia đình đối tượng...

Theo Minh Hiền

Công an nhân dân