1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

Phụ nữ thua bạc bị đẩy vào “động” mại dâm

(Dân trí) - Tình hình người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia đánh bạc có chiều hướng giảm nhưng diễn biến phức tạp. Nhiều phụ nữ do thua bạc trở thành nạn nhân bị ép hoạt động mại dâm, vay nặng lãi và cưỡng bức lao động.

Hội nghị trực tuyến diễn ra chiều qua 6/1.
Hội nghị trực tuyến diễn ra chiều qua 6/1.

Đó là thông tin được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới và tổng kết năm 2015 của Ban Chỉ đạo 138/CP, tổ chức chiều qua 6/1.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo về chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người năm 2015 cho thấy tình hình vẫn còn phức tạp. Lợi dụng chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua lại biên giới thuận lợi nên đối tượng phạm tội trong nước câu kết với người nước ngoài hình thành những đường dây đưa người ra nước ngoài, chủ yếu sang Hàn Quốc, Nga, Malaysia, Singapore…dưới dạng du lịch, thăm thân, hợp đồng lao động.

Khi ra đến nước ngoài, chúng cưỡng bức lao động hoặc bán vào các động mại dâm, muốn về nước phải bỏ ra một lượng tiền lớn để chuộc. Điển hình là tháng 1/2015, Cảnh sát Malaysia đột kích 3 cơ sở giải trí, giải cứu 284 phụ nữ nước ngoài, trong đó có 189 phụ nữ Việt Nam bị ép buộc hoạt động mại dâm.

Trong khi đó, tình hình người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia đánh bạc có chiều hướng giảm nhưng diễn biến phức tạp. Nhiều phụ nữ do thua bạc trở thành nạn nhân bị ép hoạt động mại dâm, vay nặng lãi và cưỡng bức lao động. Hiện có 90 casino, trường gà hoạt động giáp biên giới Việt Nam.

Do đó, năm 2016 Bộ Công an sẽ chỉ đạo lực lượng tiếp tục phối hợp với biên phòng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, điều tra khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người; xác minh, giải cứu và bảo vệ nạn nhân. Ngoài ra còn tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương, lực lượng chức năng các nước, tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Hiệp hội Cảnh sát quốc gia Đông Nam Á (ASEANPOL), cơ quan chức năng các nước láng giềng, nước có đông nạn nhân là người Việt Nam nhằm trao đổi thông tin, lập đường dây nóng, xác định đầu mối phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã đối tượng phạm tội, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.

Bên cạnh đó, Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường gia tăng và diễn biến phức tạp ở nhiều  lĩnh vực. Tình trạng tội phạm sử dụng những thành tựu khoa học, công nghệ để phạm tội (cả tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, môi trường) ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn. Riêng trên lĩnh vực viễn thông, tin học, mạng internet tội phạn sử dụng công nghệ cao đã gia tăng hoạt động gây thiệt hại ngày càng lớn, nhất là hành vi trộm cắp, làm giả thẻ tín dụng, làm giả séc du lịch, lừa đảo, đánh bạc qua mạng internet…

Tội phạm về kinh tế và tham nhũng tiếp tục xảy ra nhiều trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản với các hành vi chủ yếu là tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái, lừa đảo. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả và buôn bán, vận chuyển hàng cấm diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước.

Tội phạm và tệ nạn ma tuý diễn biến ngày càng phức tạp khi thời gian gần đây hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy đã xuất hiện khối lượng lớn, có vụ từ 200- 500 bánh hêrôin, hàng chục kilôgam ma túy tống họp; tính chất quyết liệt, manh động, liều lĩnh hơn. Hầu hết các đối tượng tội phạm ma túy đều được trang bị vũ khí quân dụng, sẵn sàng chống trả và tử thủ “đến cùng” khi bị phát hiện… Trong khi đó, số người nghiện ma túy còn nhiều, hiện  có trên  204.000 người nghiện.

Thế Kha