Phó chủ tịch huyện bị tố kỳ kèo phần trăm: Giám định giọng nói như thế nào?
(Dân trí) - Theo luật sư, giám định âm thanh là một chuyên ngành của giám định kỹ thuật hình sự. Kết quả giám định âm thanh sẽ là căn cứ, chứng cứ để điều tra cũng như xét xử.
Theo dõi vụ việc Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) bị tung clip tố ông này kỳ kèo phần trăm với nhà thầu, luật sư Hà Thị Khuyên (Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính) cho rằng trong vụ này, việc phân tích, giám định giọng nói là cần thiết.
Bà Khuyên chia sẻ, giám định âm thanh là một chuyên ngành của giám định kỹ thuật hình sự, phục vụ rộng rãi cho hoạt động điều tra, khám phá vụ án cũng như giải quyết các vụ việc dân sự.
Kết quả giám định âm thanh sẽ là căn cứ, chứng cứ để điều tra cũng như xét xử. Cơ sở pháp lý của việc giám định âm thanh được quy định tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và Điều 87, Điều 191 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Với trường hợp xác định giọng nói trong clip là của người có chức vụ, thì hành vi kỳ kèo phần trăm dự án có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo bà Khuyên, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, được xác định là hành vi Nhận hối lộ.
Nếu nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì hình phạt là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Còn trong trường hợp giám định clip là cắt ghép, chỉnh sửa, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc đoạn clip do cá nhân nào phát tán? Động cơ mục đích phát tán là gì? Từ đó có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Nếu người phát tán clip bịa đặt nhằm mục đích xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của vị lãnh đạo huyện, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy tính chất, mức độ, hậu quả gây ra.
Nếu hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử phạt 10-20 triệu đồng, theo Điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Nếu hành vi đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người đưa thông tin sai sự thật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2014.
Trước đó ngày 28/5, tài khoản Facebook Hai Nguyen có đăng tải đoạn clip kèm dòng chữ: "Luật chơi phó chủ tịch huyện...". Nội dung đoạn clip là cuộc trao đổi qua điện thoại giữa người tên S., được cho là phó chủ tịch một huyện ở Cà Mau và một người khác được cho là nhà thầu. Trong đó, ông S. kỳ kèo nhà thầu chi 30%, còn người kia nói chỉ chi 20%.
Liên quan đến clip tố cáo trên, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra, xác minh nội dung. Qua làm việc bước đầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân đã phủ nhận mình là "ông S." trong clip. Ông này cũng cho rằng, giọng nói trong clip lúc thế này lúc thế khác, có 2-3 giọng nói không xác định được chính xác là của ai, nên đề nghị cơ quan chức năng giám định giọng nói để làm rõ.
Theo ông Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Cà Mau, nếu clip này giả tạo sẽ xử lý người tạo và tung clip. Còn nếu xác minh nội dung clip có thật, tùy theo chức năng sẽ xử lý cán bộ, những người có liên quan.