1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đăng thông tin sai sự thật lên mạng sẽ bị xử lý như thế nào?

Trần Thanh

(Dân trí) - Luật sư cho biết, việc tung tin giả lên mạng xã hội, tùy theo tính chất, mức độ mà có thể bị xử lý hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người vi phạm có thể bị phạt tới 20 năm tù.

Sự nguy hiểm của tin giả trên mạng xã hội

Ngày 11/1, mạng xã hội lan truyền chóng mặt clip và thông tin nữ sinh Trường HUFLIT nghi bị xâm hại khi đang tham gia học kỳ quân sự tại Trung tâm giáo dục Quốc phòng - An ninh (thuộc Trường Quân sự Quân khu 7).

Tại buổi họp báo chiều 12/1, Đại tá Nguyễn Tiến Sơn - Chủ nhiệm chính trị Trường Chính trị Quân khu 7 khẳng định, thông tin trên là sai sự thật, âm thanh trong các clip lan truyền trên mạng là do lồng ghép của các lực lượng phản động.

Đăng thông tin sai sự thật lên mạng sẽ bị xử lý như thế nào? - 1

Hai nữ sinh Trường HUFLIT tham gia họp báo (Ảnh: Hải Long).

Theo đó, tối 10/1, các bạn sinh viên chung phòng khoảng 18-20 người/phòng có xảy ra việc mất tiền và nghi ngờ bạn nữ tên H. lấy cắp.

Bị gặng hỏi nên H. nghĩ mình bị nghi ngờ dẫn đến kích động tâm lý, la hét. Sau đó, cán bộ đến đưa về phòng để ổn định tâm lý, đồng thời mời phụ huynh lên nắm tình hình và đưa con về chăm sóc tại nhà.

Quá trình la hét, có một nữ sinh ở tòa nhà đối diện nghe thấy nên dùng điện thoại quay lại và chia sẻ clip cho 2 người bạn khác. Đến tối 11/1, mạng xã hội lan truyền với nội dung thất thiệt.

Sau đó, nữ sinh quay clip thấy nội dung lan truyền không đúng sự thật nên đăng nội dung đính chính trên mạng xã hội và hối lỗi vì hành vi chưa đúng của bản thân.

Hiện các cơ quan chức năng đã xác định được các đối tượng trực tiếp chỉnh sửa, đăng tải, phát tán các clip, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phối hợp để sớm làm sáng tỏ sự việc, xử lý đúng người, đúng tội.

Từ vụ việc trên có thể thấy, khi đăng bất kỳ thông tin nào chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội là điều cực kỳ nguy hiểm. 

Đăng tin giả, xuyên tạc có thể bị phạt tới 20 năm tù

Nói về trách nhiệm pháp lý trong việc tung tin sai sự thật trên mạng xã hội, trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Trần Hậu (Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết, mạng xã hội là một môi trường giao tiếp vô cùng phức tạp và hiện nay nhiều cá nhân lợi dụng tính rộng rãi, khả năng tiếp cận thông tin và lan truyền nhanh của mạng xã hội để thực hiện các hành vi tung tin giả, tin sai sự thật.

Theo luật sư Hậu, tùy vào tình chất, mức độ của hành vi mà pháp luật cũng có quy định cụ thể các chế tài xử lý tương ứng.

Cụ thể, trường hợp người vi phạm có hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân" hoặc "Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc" thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Đăng thông tin sai sự thật lên mạng sẽ bị xử lý như thế nào? - 2

Theo luật sư, việc đăng tin giả, xuyên tạc... lên mạng xã hội có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Ngoài ra, trường hợp có hành vi bịa đặt, hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì sẽ là tình tiết định khung tăng nặng theo khoản 2 Điều này với khung hình phạt từ 1 năm đến 3 năm.

Đặc biệt, cũng theo luật sư Hậu, nếu người đăng tải nội dung lên mạng xã hội có hành vi tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân hoặc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 5 năm đến 12 năm; trường hợp phạm tội trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Phải bồi thường trách nhiệm dân sự cho bị hại

Theo luật sư, người tung tin đồn sai sự thật còn phải bồi thường trách nhiệm dân sự khi hành vi vi phạm của mình xâm phạm đến tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, sức khỏe và tính mạng của người khác.

Theo đó, trường hợp có hành vi tung tin sai sự thật xâm phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại liên quan đến chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.

"Người vi phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định", luật sư Hậu viện dẫn.