1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tây Ninh:

Phát hiện gần 100 tấn măng chua chứa axit độc

(Dân trí) - Qua công tác khảo sát, Cảnh sát môi trường tỉnh Tây Ninh phát hiện 2 cơ sở tàng trữ cả trăm tấn măng có chứa axit oxalic với hàm lượng từ 45 – 710 mg/kg. Trong khi đó, nếu người lớn bình thường dùng 22g axit oxalic đã có thể dẫn đến tử vong.

Mỗi kg măng có gần 1g axit độc

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an Tây Ninh) vừa phát hiện măng chua bán tại một số chợ trên địa bàn thị xã Tây Ninh có chứa hóa chất cấm. Đơn vị đã tham mưu thành lập đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm để kiểm tra các cơ sở cung cấp măng chua trên địa bàn tỉnh.

Ngày 24/9, đoàn tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến măng chua của ông N.V.Lâm (ngụ huyện Châu Thành) phát hiện tại nhà ông Lâm có chứa gần 100 tấn măng chua nhưng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến việc được cấp phép kinh doanh, sản xuất hay chế biến măng muối. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản và thu mẫu măng gửi đi giám định tại Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (TPHCM) và Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng Tây Ninh.

Gần trăm tấn măng chứa axit độc tại cơ sở của ông Lâm bị niêm phong
Gần trăm tấn măng chứa axit độc tại cơ sở của ông Lâm bị niêm phong

Kết quả giám định cho thấy mẫu măng le muối thành phẩm có chứa 680 mg/1kg axit oxalic, mẫu măng tre muối thành phẩm có chứa 61,4 mg/1kg axit oxalic, mẫu nước ngâm măng có chứa 45,5 mg/1kg axit oxalic. Kiểm định mẫu nước thải cho kết quả chất COD vượt 11 lần, BOD vượt 18 lần, Coliforrm vượt trên 48 lần mức cho phép.

Từ kết quả này, ngày 16/10, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường mời các các cơ quan chức năng liên quan đến cơ sở của ông Lâm niêm phong toàn bộ lô hàng măng muối chua tại đây. Để đảm bảo chính xác, đoàn tiếp tục thu mẫu từng lô hàng đem đi giám định lần 2. Ngày 28/10, Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 trả lời kết quả giám định cho thấy: 6/6 mẫu măng và nước ngâm măng (100%) thu tại cơ sở của ông Lâm đều có chứa axit oxalic với hàm lượng từ 59,9 mg/kg đến 710 mg/kg; tức là trong mẫu cao nhất thì mỗi kg măng có chứa gần 1g axit độc.

Hiểm họa khó lường

Theo Công an Tây Ninh, axit oxalic là một loại axit hữu cơ tương đối mạnh, gấp 10 ngàn lần dấm ăn, người ta hay dùng trong việc tẩy rửa hoặc chống gỉ sét. Dung dịch axit oxalic còn được dùng để đánh bóng gỗ, dùng làm chất cẩn màu trong công nghệ nhuộm. Axit oxalic là chất cấm dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm vì nó có thể gây chết người khi bị nhiễm độc nặng.

GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TPHCM cũng khẳng định axit oxalic rất có hại cho sức khỏe của con người. Nếu sử dụng lâu dài thực phẩm có chứa aixt oxalic, sự kết tủa này sẽ có hại cho thận, gây sỏi thận. Theo TS Từ Việt Phú, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), nếu dùng ở lượng lớn, aixt oxalic dễ làm kích thích niêm mạc ruột và ở liều nguyên chất còn có thể gây ngộ độc cấp, người lớn thể trọng 60kg nếu dùng khoảng 22g có thể tử vong.

Trước sự nguy hại nghiêm trọng của lượng hàng này, Cảnh sát môi trường Tây Ninh đã truy nguồn gốc số măng trên của ông Lâm và được biết ông mua của bà V.T.Liễu (ngụ huyện Tân Châu). Từ khai nhận này, ngày 17/10, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường đã tiến hành kiểm tra cơ sở măng luộc của bà Liễu, thu mẫu gửi đi giám định.

Đoàn kiểm tra làm việc với vợ chồng ông Lâm để truy nguồn gốc số măng độc
Đoàn kiểm tra làm việc với vợ chồng ông Lâm để truy nguồn gốc số măng độc

Kết quả giám định cho biết, ngoại trừ mẫu măng tre luộc, tất cả các mẫu nước luộc măng, măng le, măng lồ ồ luộc đều có chứa axit oxlic hàm lượng từ 96,2 mg/kg đến 627mg/kg. Bà Liễu cũng cho biết số măng trên do bà mua lại của một số người dân Campuchia mang sang Tây Ninh bán.

Công an Tây Ninh khuyến cáo: để tránh sử dụng phải những loại thực phẩm nhiễm độc, có hại cho sức khỏe, người dân nên tìm mua những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không nên dùng những loại thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, trình báo với cơ quan chức năng khi phát hiện những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sử dụng phụ gia độc hại và không đảm bảo về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuyết Trân – Tùng Nguyên