1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Phán quyết nào cho vụ bị cáo tự tử tại tòa?

(Dân trí) - Chiều nay (12/6), Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM sẽ tiến hành giám đốc thẩm vụ án của ông Lương Hữu Phước, người đã tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước.

 Phiên giám đốc thẩm diễn ra sau 14 ngày, kể từ khi sự việc ông Lương Hữu Phước tự tử tại trụ sở TAND tỉnh Phước. Hội đồng giám đốc thẩm gồm 3 thành viên thuộc Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM, trong đó thẩm phán Lê Thành Văn (Chánh tòa hình sự) làm chủ tọa.

Phán quyết nào cho vụ bị cáo tự tử tại tòa? - 1
2 tuần sau khi ông Phước tự tử thì phiên tòa giám đốc thẩm được mở.

Trước phiên giám đốc thẩm, một lãnh đạo TAND cấp cao tại TPHCM cho biết: theo quy định, Hội đồng giám đốc thẩm có thể có 3, 5 hoặc tất cả thẩm phán của tòa này, tùy từng vụ án.

Vụ án ông Lương Hữu Phước không quá phức tạp nên sẽ do 3 thẩm phán giải quyết. Quá trình xem xét lại nếu một trong ba thành viên có quan điểm không đồng tình với kháng nghị thì phiên giám đốc thẩm sẽ dừng lại.

Phiên họp của Ủy ban thẩm phán trước đó gồm 11 thành viên chỉ mang tính chất tham khảo, giải quyết kịp thời và chỉ ra những thiếu sót cơ bản của vụ án và kháng nghị.

Tuy nhiên, tại phiên giám đốc thẩm, các thẩm phán được giao xét xử sẽ có trách nhiệm nghiên cứu kỹ và toàn diện hơn hồ sơ vụ án, từ đó đưa ra phán quyết của mình. 

"Ủy ban thẩm phán được giao giám đốc thẩm sẽ có quyết định độc lập và chịu trách nhiệm về phán quyết của mình. Họ có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị trước đó. Quyết định của Ủy ban thẩm phán sẽ phải đưa ra các căn cứ chi tiết, cụ thể hơn so với các căn cứ nêu trong kháng nghị", vị lãnh đạo này cho biết.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, TAND cấp cao nhận thấy vụ án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Từ đó quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho cơ quan cảnh sát điều tra lại theo quy định. Trong kháng nghị nêu ra 6 vấn đề mấu chốt của vụ án nhưng chưa được tòa 2 cấp làm rõ.

Theo nội dung vụ án, sáng 15/1/2017, ông Phước đến nhà hàng xóm chơi, uống vài ly rượu. Đến trưa, ông được người bạn mời đến nhà, trong đó có anh Quý và uống thêm 3 ly rượu. Cả nhóm rủ nhau đi hát karaoke nhưng anh Quý không có mũ bảo hiểm nên được ông Phước chở về nhà lấy.

Đến trước nhà anh Quý trên đường Nguyễn Huệ, ông Phước dừng lại, rồi rẽ trái sang đường. Khi cả hai đến phần đường ngược lại thì bị xe máy do Lâm Tươi (sinh năm 1997) chở anh rể đâm phải khiến ông Phước bị thương, anh Quý tử vong sau hai ngày điều trị.

Tháng 5/2017, ông Phước bị Công an Đồng Xoài khởi tố, còn Lâm Tươi bị xử phạt hành chính 4,5 triệu đồng.

Bị TAND TP Đồng Xoài tuyên phạt 3 năm tù (tháng 3/2018), ông Phước kháng cáo kêu oan. TAND tỉnh Bình Phước sau đó xử phúc thẩm tuyên trả hồ sơ điều tra lại. Các cơ quan tố tụng Bình Phước sau đó giữ nguyên quan điểm, tiếp tục truy tố xét xử ông Phước.

Ngày 29/5, TAND Bình Phước xử phúc thẩm giữ nguyên mức án 3 năm tù đối với ông Phước. Sau đó, ông Phước đã vào toà này nhảy lầu tự tử.

Tại buổi họp báo thông tin về vụ tự tử của ông Phước, TAND tỉnh Bình Phước cho rằng ông Phước không bị oan sai, quá trình giải quyết vụ án ông Phước luôn kêu oan nên HĐXX rất thận trọng khi ra phán quyết.

Tại phiên phúc thẩm, tòa mời những người khám nghiệm hiện trường, đo nồng độ cồn... để đối chiếu với tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ. Bởi, đối với vụ án về giao thông, biên bản khám, dấu vết hiện trường là vô cùng quan trọng.

Xuân Duy