1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bình Phước:

Vụ bị cáo nhảy lầu tự tử tại toà: Kiểm tra nồng độ cồn không đúng?

(Dân trí) - Theo lời khai của nhân chứng thì công an tiến hành đo nồng độ cồn khi ông Phước đang hôn mê và không có người chứng kiến.

Đã 1 tuần kể từ ngày ông Lương Hữu Phước bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt 3 năm tù về tội vi phạm quy định giao thông đường bộ. Sau khi tuyên án, ông Phước vào trụ sở tòa tự sát. Xoay quanh nội dung vụ án vẫn còn một số nội dung chưa được làm rõ.

Hồ sơ vụ án thể hiện, lời khai của một nhân chứng, trong đó thể hiện công an kiểm tra nồng độ cồn của ông Phước không được thực hiện theo đúng quy định.

Vụ bị cáo nhảy lầu tự tử tại toà: Kiểm tra nồng độ cồn không đúng? - 1
Sau khi bị tuyên án, ông Phước vào TAND tỉnh Bình Phước rồi nhảy lầu tự sát.

“Khi đến bệnh viện, tôi quan sát trong phòng cấp cứu của bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước chỉ có một mình anh Phước, không còn ai khác. Tại đây, tôi có gặp 1 cảnh sát giao thông. Anh này hỏi tôi có phải người nhà của ông Phước không? Tôi trả lời là cháu ông Phước nên anh cảnh sát giao thông có đưa tôi phiếu kiểm tra nồng độ cồn và yêu cầu tôi ký vào. Tôi nói là đợi người nhà là con của ông Phước lên thì anh cảnh sát giao thông nói là không có gì đâu, cứ ký vào đi để họ còn đi công việc nên tôi ký vào phiếu đo nồng độ cồn. Tôi ký vào phiếu đo nồng độ cồn vào lúc khoảng 14h30 đến 15h, trong khi việc kiểm tra nồng độ cồn tôi không được chứng kiến”, nhân chứng khai.

Liên quan tới vấn đề này, luật sư Trần Văn On (Đoàn luật sư tỉnh Bạc Liệu) cho rằng, TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt ông Phước mức án 3 năm tù là không thuyết phục. Trong vụ án này, việc thiếu quan sát của các bên khi xảy ra tai nạn thì khó chứng minh. Tuy nhiên, việc thực hiện quy trình đo nồng độ cồn để cho ra kết quả làm căn cứ truy tố ông đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định tại khoản 4 điều 3 “người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu”. Nhưng trong trừơng hợp ông Lương Hữu Phước, việc đo nồng độ cồn do cảnh sát giao thông tự thực hiện khi ông Phước đang hôn mê tại phòng cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước, không có bác sĩ bệnh viện hoặc bất cứ ai chứng kiến và sau đó thì nhờ một người ký vào biên bản là không đúng quy định.

Theo nội dung vụ án, khoảng 11h ngày 15/1/2017, sau khi uống rượu ở nhà ông Phạm Văn Tuấn tại khu phố Phước An (phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), ông Lương Hữu Phước đi về nhà. Đến khoảng 13h chiều cùng ngày, ông Trần Hữu Quý gọi điện thoại cho ông Phước kêu quay lại nhà ông Tuấn để đổi dép, do trước đó ông Phước đi nhầm dép của người khác.

Ông Phước điều khiển xe máy BKS 93H8 – 5647 quay lại nhà ông Tuấn đổi dép thì Quý rủ ông Phước đi hát karaoke. Ông Phước chở ông Quý đi đến ngã tư Sóc Miên thì thấy ông Quý không đội mũ bảo hiểm nên chở ông Quý đi về nhà ông Quý lấy mũ. Khi gần đến trước nhà ông Quý (thuộc khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân), ông Phước dừng xe lại bên lề phải theo chiều đi của mình để ông Quý xuống đi vào nhà lấy mũ bảo hiểm.

Lúc này, ông Quý không chịu xuống xe nên ông Phước điều khiển xe máy không bật đèn xi nhan rẽ trái đi qua đường. Khi xe của ông Phước tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều hướng ngã ba trạm điện đi ngã tư Sóc Miên thì bị xe máy do anh Lâm Tươi (sinh năm 1997) điều khiển chở anh Trị Tiếp (sinh năm 1991, đều là người địa phương) đi bên phải theo hướng ngã ba Trạm Điện đi vào ngã tư Sóc Miên đụng vào. Vụ tai nạn khiến ông Phước và ông Quý bị thương. Đến ngày 17/1/2017, ông Quý tử vong.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, TAND thị xã Đồng Xoài tuyên phạt ông Phước 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Sau đó, ông Phước kháng cáo kêu oan.

Ngày 9/10/2018, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Quá trình điều tra lại, cơ quan tố tụng bảo lưu quan điểm về việc truy tố ông Phước. Xét xử sơ thẩm lần 2, TAND thị xã Đồng Xoài vẫn tuyên phạt ông Phước 3 năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Ông Phước tiếp tục kháng cáo.

Sáng 29/5, TAND tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm. Sau khi tòa tuyên án, ông Lương Hữu Phước lên Facebook của mình viết dòng tâm tư với nội dung mình bị "án oan". Chiều cùng ngày, ông Phước đến TAND tỉnh Bình Phước đi lên lầu 2, nhảy xuống tự tử.

Hồng Lĩnh