1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Phạm tội có phần nể nang, ông Trần Vĩnh Tuyến được giảm án

Xuân Duy

(Dân trí) - Tòa giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng bị cáo Trần Vĩnh Tuyến có nhiều tình tiết giảm nhẹ, phạm tội do có phần nể nang, tin tưởng sự tham mưu của cấp dưới...

Sau một tuần xét xử và nghị án, sáng 15/6, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM) mức án 5 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Phạm tội có phần nể nang, ông Trần Vĩnh Tuyến được giảm án - 1

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến được giảm nhẹ hình phạt (Ảnh: Hải Long).

Tòa ghi nhận cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến nhiều tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng, thành khẩn khai báo... Cạnh đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM phạm tội do có phần nể nang, tin tưởng vào sự tham mưu của cấp dưới.

Tại tòa, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến cung cấp tài liệu chứng minh mình bị nhiều bệnh và quá trình được tại ngoại có nhiều đóng góp cho việc chống dịch Covid-19. Từ đó, HĐXX giảm nhẹ cho bị cáo 1 năm tù để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Phạm tội có phần nể nang, ông Trần Vĩnh Tuyến được giảm án - 2

Bị cáo Lê Tấn Hùng được giảm án 1 năm tù (Ảnh: Hải Long).

Liên quan vụ án, bị cáo Lê Tấn Hùng - cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) - bị phạt 24 năm tù về tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tòa xác định bị cáo Lê Tấn Hùng đã thành khẩn khai báo, không có tình tiết tăng nặng, quá trình công tác có nhiều đóng góp, gia đình có công với cách mạng, hậu quả của hành vi phạm tội đã được ngăn chặn. Từ đó, HĐXX chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ cho bị cáo 1 năm tù.

Phạm tội có phần nể nang, ông Trần Vĩnh Tuyến được giảm án - 3

Bị cáo Trần Trọng Tuấn kêu oan bất thành (Ảnh: Hải Long).

Ngoài ra, tòa bác hầu hết kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo còn lại trong vụ án.

Riêng bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM) một mực kêu oan, cho rằng mình làm đúng quy định.

Tòa nêu rõ bị cáo Tuấn đã có hành vi sai phạm trong việc tham mưu cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến chấp thuận chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) gây thất thoát tài sản.

Cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo có căn cứ, không oan sai, do đó không có căn cứ xem xét kháng cáo kêu oan.

Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Lê Tấn Hùng, Trần Vĩnh Tuyến cùng đồng phạm có hành vi sai phạm gây thiệt hại 348 tỷ đồng. Tuy nhiên Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM kháng nghị đề nghị tòa xác định thiệt hại 672 tỷ đồng...

Việc tòa sơ thẩm và cơ quan công tố bất nhất quan điểm về dân sự, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm xử đúng nên không chấp nhận kháng nghị.

Theo nội dung vụ án, trong giai đoạn giữ chức Tổng Giám đốc SAGRI, bị cáo Lê Tấn Hùng biết việc chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng... nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện thủ tục, đề nghị UBND TPHCM chấp thuận để chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú (Công ty Phong Phú).

Dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện, căn cứ pháp lý để chuyển nhượng, tuy nhiên bị cáo Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B (SAGRI làm chủ đầu tư) cho Công ty Phong Phú.

Đây là cơ sở để bị cáo Lê Tấn Hùng cùng đồng phạm tại SAGRI tự ý quyết định giá trị dự án để chuyển nhượng trái pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 348 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Hùng còn chỉ đạo nhân viên lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng.