1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Phá rừng pơ mu ở Nam Giang, cựu phó đồn biên phòng lãnh 4 năm tù

(Dân trí) - Sáng 8/6, Hội đồng xét xử Tòa án quân sự Khu vực I - Quân Khu 5 đã tuyên án 4 năm tù về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng đối với bị cáo Lê Xuân Chính - cựu đại úy, phó trưởng đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Bị cáo Lê Xuân Chính (ngoài cùng, bên phải) vừa nhận mức án 4 năm tù do tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng
Bị cáo Lê Xuân Chính (ngoài cùng, bên phải) vừa nhận mức án 4 năm tù do tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng

Bị cáo Chính là chủ mưu cùng 20 đồng phạm tham gia vụ phá rừng pơ mu ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) gây chấn động dư luận xã hội hồi năm 2016. Hậu quả của vụ này là rừng phòng hộ Nam Sông Bung ở Tiểu khu 351 xã La Dêê, huyện Nam Giang (Quảng Nam) bị Chính và đồng phạm chặt hạ, cưa xẻ gồm 37 gốc cây gỗ pơmu (loại gỗ thuộc nhóm IIA - thực vật rừng quý hiếm, nguy cấp). Tổng cộng giá trị thiệt hại được xác định là gần 3 tỷ đống, với tổng khối lượng gỗ pơmu bị các bị can khai thác trái phép là hơn 47m3.

Hai bị cáo khác có liên hệ mật thiết với bị cáo Chính trong vụ này là Nguyễn Văn Quang (trú tại huyện Bắc Trà My - Quảng Nam, người trực tiếp thuê người, đôn đốc, điều hành việc khai thác vận chuyển gỗ) bị tuyên phạt 42 tháng tù, Tiêu Hồng Tư (Giám đốc Công ty cổ phần Minh Hà, người đảm bảo lương thực lực phẩm, xăng dầu cho các chuyến khai thác gỗ) lãnh 30 tháng tù treo do bị cáo Tư đang bị bệnh.

Cùng liên can vụ án, bị cáo Nguyễn Văn Thắng bị phạt 36 tháng tù; Lê Trọng Dương, Mai Văn Cường, Phạm Văn Bồng đều bị phạt 32 tháng tù; Mai Văn Châu bị phạt 30 tháng tù; Nguyễn Văn Sanh 28 tháng tù. Hoàng Văn Luận bị phạt 12 tháng tù, Lê Hồng Diêu 30 tháng tù.

Các bị cáo Nguyễn Văn Ngự, Hoàng Văn Sử, Nguyễn Văn Danh, Cao Văn Hới, Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Phường, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Dũng cùng bị phạt 25 tháng tù (tất cả được hưởng án treo).

Phá rừng pơ mu ở Nam Giang, cựu phó đồn biên phòng lãnh 4 năm tù - 2
Phiên toà xử vụ phá rừng pơ mu ở Nam Giang, Quảng Nam kéo dài từ ngày 5/6 - 8/6.
Phiên toà xử vụ phá rừng pơ mu ở Nam Giang, Quảng Nam kéo dài từ ngày 5/6 - 8/6.

Ngoài ra, các bị cáo phải bồi thường cho ban Quản lý rừng Phòng hộ Nam Sông Bung số tiền là hơn 500 triệu đồng. Số tiền này được trừ vào tiền bán đấu giá gỗ pơ mu.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Biên phòng Khu vực II, Chính có quan hệ mật thiết với Tư và biết Tư cần tìm nguồn gỗ để khai thác. Đồng thời, Chính cũng biết Quang là người có khả năng tìm nguồn gỗ trong rừng. Chính đã giới thiệu Quang với Tư, trao đổi về việc Quang sẽ tìm nguồn gỗ pơmu để khai thác cho Chính và Quang.

Đầu tháng 5/2016, khảo sát theo tuyến đường công vụ của biên phòng, Quang đã tìm thấy vị trí có gỗ pơmu (loại gỗ thuộc nhóm IIA - thực vật rừng quý hiếm, nguy cấp) ở khu vực rừng thuộc khoảnh 5, khoảng 8, Tiểu khu 351 rừng Phòng hộ thuộc xã La Dêê (huyện Nam Giang, Quảng Nam). Chính, Quang và Tư đã thoả thuận, thống nhất với nhau về giá, tiền công khai thác, vận chuyển nguồn gỗ này.

Khi đã nhận được quy cách xẻ gỗ và tiền, từ tháng 6 - 7/2016, Quang đã thuê các bị can từ Quảng Bình vào tiến hành khai thác gỗ trái phép. Trong quá trình khai thác, Chính và Quang luôn đốc thúc các bị can khác khẩn trương trong việc khai thác, vận chuyển gỗ; đồng thời hướng dẫn thời gian hoạt động, cung cấp thực phẩm, xăng dầu trong quá trình khai thác, vận chuyển gỗ và liên lạc với bị cáo Tư trong việc chuyển tiền.

Hậu quả của vụ án này, như đã nói trên, có 37 gốc gỗ pơ mu ở rừng phòng hộ Nam Sông Bung ở Tiểu khu 351 xã La Dêê, huyện Nam Giang (Quảng Nam) với tổng khối lượng gỗ hơn 47m3 bị chặt phá; gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng.

Vụ án đã được đưa ra Toà xử lần đầu vào tháng 1/2018; sau đó Toà đã trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung vì có căn cứ về việc có đồng phạm khác trong vụ án này.

So với cáo trạng lần Toà xử vào tháng 1/2018, tại phiên Toà xử từ ngày 5/6 - 8/6, có một tình tiết thay đổi là số gốc gỗ pơ mu bị chặt phá giảm từ 41 gốc xuống còn 37 gốc. Nguyên nhân có sự thay đổi này là do việc kiểm đếm, xác định cây gỗ ở biên giới Việt Nam - Lào gặp khó khăn trong việc xác định cây gỗ nằm trên địa phận của nước nào.

Luật sư đã đưa ra sự thay đổi này để làm căn cứ xin giảm án cho các bị cáo. Tuy nhiên, theo quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát, dù xác định số lượng cây gỗ quý bị chặt có giảm đi nhưng vẫn nằm trong khung hành vi vi phạm, và hành vi vi phạm của các bị cáo là nghiêm trọng, nên mức án đề nghị vẫn được giữ nguyên so với cáo trạng trước đây.

Tâm An