Từ trên xuống, trái qua phải là các đối tượng Trần Huy Chương, Nguyễn Công Anh, Hồ Viết Hoàng, Nguyễn Thị Tâm
Chiều ngày 5/7, thông tin từ Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan chức năng đã có quyết định tạm giữ hình sự 6 đối tượng liên quan đến vụ án làm giả giấy tờ, tài liệu của các cơ quan tổ chức Nhà nước.
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) xuất hiện nhiều đối tượng sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả để hoạt động, giao dịch gây ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tổ chức nhà nước. Trước tình hình đó, Công an tỉnh Nghệ An đã xác lập chuyên án mang bí số 612R nhằm triệt phá đường dây sản xuất, làm giả giấy tờ, tài liệu này.
Các máy móc phục vụ việc làm giả tài liệu thu giữ được cơ quan chức năng thu giữ Sau 2 tuần nắm tình hình, CA đã giăng lưới bắt các đối tượng trong tầm ngắm. 4h ngày 3/7, Đội 2 Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã bắt quả tang đối tượng Trần Hồng Lam (SN 1942, tạm trú tại khối 14, phường Cửa Nam, Tp Vinh) đang làm giả tài liệu, con dấu của một số cơ quan tổ chức Nhà nước.
Tang vật thu giữ tại chỗ gồm 24 con dấu tròn, 13 con dấu vuông, hơn 100 con dấu khắc tên các chức danh và 1000 chữ cái bằng cao su dùng để ghép cùng nhiều học bạ, bằng cấp của nhiều trường ĐH, trung học và chứng chỉ ngành nghề giả.
Qua điều tra mở rộng, Cơ quan điều tra bắt giữ thêm 4 đối tượng, gồm Trần Huy Chương (SN 1964, trú tại khối 5, phường Trường Thi, Tp Vinh), Nguyễn Công Anh (SN 1978, trú tại khối Văn Trung, phường Hưng Dũng, Tp Vinh ), Hồ Viết Hoàng (SN 1982, trú tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) và Nguyễn Thanh Hải (SN 1950, xã Hùng Tiến, Nam Đàn).
Đến trưa ngày 5/7, cơ quan điều tra tiếp tục bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Tâm (SN 1965, trú tại phường Lê Lợi, Tp Vinh). Quá trình khám xét chỗ ở, lực lượng chức năng thu giữ thêm nhiều tài liệu, con dấu giả liên quan đến nhiều tổ chức cơ quan nhà nước cùng các thiết bị in, máy scan.
Các chữ cái rời được các đối tượng sủ dụng để làm giả con dấu và dấu ghi chức danh
Để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, các đối tượng này thuê các phòng trọ xa khu dân cư hoặc các cửa hàng photocoppy để dễ bề hoạt động. Mỗi người hoạt động độc lập, khi cần thiết sẽ hỗ trợ nhau trong việc làm giả con dấu, tài liệu với quy trình hết sức chặt chẽ. Trước hết, các đối tượng sẽ làm phôi bằng giả rồi in đen trắng (in lưới, in thủ công hoặc in bằng máy tùy theo từng loại giấy tờ) sau đó đóng dấu giả, giả mạo chữ ký rồi đưa đi photo in màu.
Ngoài việc làm giả bằng tốt nghiệp và các loại giấy tờ, chứng chỉ ngành nghề, các đối tượng này còn sản xuất cả Huân, huy chương, chứng minh thư, sổ hộ khẩu, học bạ, bệnh án, giấy chứng nhận hộ nghèo và cả công chứng bìa đất… Các tài liệu giả này được làm hết sức tinh vi, bằng mắt thường rất khó phát hiện.
“Tinh vi hơn là nhóm đối tượng này còn có thể làm giả các loại giấy tờ liên quan đến chế độ chính sách như giấy nhập ngũ, xuất ngũ, giấy chứng thương… với những “dấu ấn thời gian” in như thật”, một cán bộ điều tra cho biết thêm.
Các đối tượng đã làm hàng chục con dấu giả của các cơ quan, tổ chức Nhà nước một cách tinh vi mà mắt thường khó có thể phát hiện được
Theo kết quả điều tra bước đầu, đối tượng Trần Hồng Lam là người trực tiếp đứng ra giao dịch tìm người có nhu cầu rồi thuê các đối tượng còn lại sản xuất. Sau khi có “sản phẩm”, Trần Hồng Lam cũng là người đứng ra tiêu thụ. Số giấy tờ, tài liệu giả này không chỉ được tiêu thụ ở Tp Vinh và các địa phương thuộc tỉnh Nghệ An mà còn mở rộng vào một số tỉnh lân cận. Tùy theo đơn đặt hàng, mỗi loại giấy tờ sẽ có giá từ 200.000 đồng - 1 triệu đồng.
Bước đầu, tại cơ quan điều tra các đối tượng khai nhận, việc làm giả giấy tờ, tài liệu của các cơ quan tổ chức Nhà nước đã diễn ra từ 3 tháng nay. Thế nhưng tại thời điểm hiện tại, các đối tượng không nhớ nỗi mình đã làm giả bao nhiêu bộ hồ sơ, giấy tờ giả để trục lợi cá nhân và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức Nhà nước.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.
Hoàng Lam