1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Ông "trùm" Phan Sào Nam nói về 3,5 triệu USD gửi ở ngân hàng Singapore

(Dân trí) - Tại tòa, bị cáo Phan Sào Nam khai, số tiền 3,5 triệu USD đang gửi ở ngân hàng Singapore là khoản một người bạn vay bằng tiền Việt Nam. Sau đó, người này trả Nam bằng USD qua tài khoản của ngân hàng ở Singapore.

Cuối phiên xét xử sơ thẩm vụ án "đánh bạc nghìn tỷ" chiều 17/11, đại diện VKS hỏi bị cáo Phan Sào Nam (39 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online) về số tiền 3,5 triệu USD mà bị cáo này đang gửi ngân hàng ở Singapore.

Trong vụ án này, bị cáo Phan Sào Nam bị VKS đề nghị truy tố về tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền"

Đại diện VKS hỏi: "Tài liệu điều tra cho biết, bị cáo còn gửi 3,5 triệu USD ở ngân hàng Singapore có đúng không? Đây là hành vi chuyển tiền qua biên giới và chuyển tiền để che giấu nguồn gốc tiền, pháp luật Việt Nam quy định đó là tội "rửa tiền", bị cáo nghĩ sao, có đề nghị gì không?".

Bị cáo Phan Sào Nam.
Bị cáo Phan Sào Nam.

Bị cáo Nam trả lời "Số tiền 3,5 triệu USD là trước đó bị cáo cho một người bạn vay bằng tiền Việt Nam, sau đó, người bạn này trả lại bằng USD qua tài khoản ngân hàng ở Singapore chứ không phải bị cáo chuyển tiền qua biên giới. Số tiền này bị cáo cũng chủ động khai báo với cơ quan điều tra chứ không phải che giấu".

Đại diện VKS hỏi tiếp "Quá trình điều tra bị cáo có khai là đầu tư hơn 92 tỷ đồng vào 4 công ty, rõ ràng pháp luật quy định đó là hành vi "rửa tiền", vậy bị cáo có đề nghị xử lý luôn số tiền này vào tội "rửa tiền" trong vụ án này hay tách ra thành một vụ án khác?".

Nam trả lời: "Với hành vi cụ thể này thì rõ ràng số tiền là rất nhiều, bản thân bị cáo là người làm kinh doanh nên khi có tiền lại đầu tư để tái kinh doanh là chuyện thông thường. Đây là những khoản đầu tư "người thật việc thật" chứ không phải cất giấu gì, nên bị cáo mong muốn HĐXX xem xét loại số tiền này ra khỏi tội "rửa tiền" cho bị cáo".

Bị cáo Nam dứt câu trả lời, đại diện VKS nói "Cơ quan cảnh sát điều tra, VKS và HĐXX tại phiên tòa này đều ghi nhận bị cáo Nam hoàn toàn tự thú với những khoản tiền nói trên. Do đó, chúng tôi sẽ cân nhắc vấn đề này đối với bị cáo. Chúng tôi cũng ghi nhận là sau khi có bản kết luận điều tra, bị cáo có một báo cáo mang tính "tâm thư" để chia sẻ với các cơ quan pháp luật làm sao xử lý vụ án này thực sự có tình, có lý, chúng tôi đã ghi nhận nội dung này".

HĐXX hỏi bị cáo Nam về số tiền hưởng lợi cá nhân khi cùng đồng phạm vận hành game bài đánh bạc trực tuyến Rikvip/Tip.Club, Nam khai được hưởng hơn 1.400 tỷ đồng có lẻ. Số tiền này, một phần tiền mặt Nam gửi người thân cất giấu, đầu tư vào bất động sản và một số công ty. Những người thân được Nam gửi tiền đều không biết nguồn gốc số tiền này.

Nam khai đã nộp tiền mặt 1.088 tỷ đồng cho cơ quan điều tra, tổng tài sản đã bị thu hồi là hơn 1.300 tỷ đồng, tương đương 90,7%.

Trở lại diễn biến giai đoạn Nam cùng đồng phạm chuẩn bị vận hành game bài Rikvip/Tip.Club, Nam khai, cuối năm 2014, đầu năm 2015, Hoàng Thành Trung (phụ trách văn phòng ở Hà Nội của Công ty Nam Việt, đồng nghiệp cũ với Phan Sào Nam, đã bỏ trốn) gặp Phan Sào Nam bàn về việc phát hành, hợp tác kinh doanh game bài đánh bạc trực tuyến vì Trung có đội ngũ kỹ thuật giỏi có thể viết game được và Nam đồng ý.

Tuy nhiên, thời điểm này Nam nhận thức việc cấp phép cho phát hành game bài là rất khó nên đã tìm đến Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) để bàn việc phát hành. Trước đó, Nam có nghe đến Công ty CNC là công ty bình phong của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an). Khi gặp Dương cũng khẳng định điều này và "hứa" sẽ phát hành được.

Cuộc gặp gỡ giữa Dương và Nam đã đi đến ký kết hơp đồng giữa 2 công ty VTC online và CNC để hợp tác vận hành game bài đánh bạc trực tuyến Rikvip và Tip.Club.

Trong đó, CNC chịu trách nhiệm phát hành dịch vụ (vận hành, quảng bá, chăm sóc khách hàng); Cung cấp hệ thống, giải pháp thanh toán cho Dịch vụ; Đứng tên giấy phép, văn bản chấp thuận theo quy định của pháp luật liên quan đến việc khai thác thương mại dịch vụ tại Việt Nam...

Bị cáo Nguyễn Văn Dương.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương.

VTC online đóng vai trò là đơn vị sản xuất, phát triển và liên tục bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật nội dung dịch vụ; Đầu tư về cơ sở hạ tầng như phần cứng (hệ thống máy chủ), các phần mềm liên quan (phần mềm bảo vệ, bảo mật, hệ điều hành...) theo yêu cầu đảm bảo triển khai dịch vụ; Vận hành và đảm bảo hệ thống kỹ thuật luôn ổn định trong quá trình khai thác kinh doanh dịch vụ,...

Tỷ lệ ăn chia giữa VTC online và CNC là 70%-30% doanh thu, sau đó tăng dần tùy theo mức độ doanh thu, nhưng mức cao nhất mà CNC được hưởng là 40%.

Theo tài liệu điều tra, sau khi vận hành game bài nói trên (từ ngày 19/4/2015 đến 29/8/2017), Phan Sào Nam Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao, tổ chức 25 “đại lý cấp 1”, gần 6.000 “đại lý cấp 2” với gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club, thu lời bất chính trên 9.800 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Phan Sào Nam được hưởng lợi cá nhân hơn 1.400 tỷ đồng, Nguyễn Văn Dương là hơn 1.600 tỷ đồng.

Đường dây đánh bạc trên được cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục cảnh sát phòng, chống sử dụng công nghệ cao - C50- Bộ Công an) bảo kê, dung túng cho hoạt động.

Nguyễn Dương