Ông Đỗ Hữu Ca: "Công an đến nhà kiểm đếm đống tiền mới biết là 35 tỷ đồng"
(Dân trí) - Khai tại tòa, bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, cho biết khi công an đến nhà kiểm đếm số tiền mà vợ chồng "ông trùm" mua bán hóa đơn mang đến, ông mới biết có 35 tỷ đồng.
Sáng nay 26/6, tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Ninh, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, cùng 5 bị cáo khác có đơn kháng cáo trong vụ án mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; trốn thuế; đưa hối lộ nhận hối lộ… xảy ra tại Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh,…
6 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Đỗ Hữu Ca, Nguyễn Đình Đương, Đặng Khắc Thành, Hà Thị Bích Nhàn.
Chủ tọa cho biết trước khi diễn ra phiên tòa, HĐXX có nhận một số tài liệu mới của các bị cáo, trong đó bị cáo Ca nộp những tài liệu chứng minh thành tích của bản thân, tài liệu chứng minh bị cáo Ca đã nộp tiền thay bị cáo Đước và Ngọc Anh để khắc phục hậu quả. Bị cáo Đương nộp thêm tài liệu gia đình có công với cách mạng;…
Đỗ Hữu Ca: "Có sự hiểu nhầm giữa Ngọc Anh và tôi"
Tại phần xét hỏi, khai trước tòa, bị cáo Ca cho biết coi Đước như người em nên "không cho tiền Đước thì thôi chứ không có ý đồ lừa tiền vợ chồng Đước, mà lại lừa một cách ngớ ngẩn".
Bị cáo Ca nói thêm, khi Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra hành vi mua bán hóa đơn trái phép liên quan đến công ty của vợ chồng Đước, Ngọc Anh đã đến nhà cầu cứu Ca cứu Đước.
Khi đó ông Ca có hướng dẫn Ngọc Anh trích lại 10% số tiền thu lợi bất chính từ các doanh nghiệp mua bán hóa đơn trái phép để khắc phục, nộp lại cho nhà nước.
Sau đó vợ chồng Ngọc Anh 4 lần mang tiền đến nhà ông Ca. Theo lời ông Ca, khi mang tiền đến Ngọc Anh không nói gì, chỉ nói cất tiền đi hộ. Khi đó ông Ca hiểu số tiền đó là để vợ chồng Ngọc Anh khắc phục hậu quả hành vi vi phạm pháp luật.
Cựu Giám đốc Công an Hải Phòng phân trần có sự hiểu nhầm giữa Ngọc Anh và ông. Bản thân ông chỉ tư vấn phải chuẩn bị số tiền để khắc phục hậu quả, còn Ngọc Anh thì hiểu rằng mang tiền đến để nhờ ông chạy án.
"Tôi nhận tiền không hỏi lý do, để số tiền đó của vợ chồng Ngọc Anh hơn 3 tháng trong nhà là sai. Bị cáo thấy rất ân hận, ăn năn hối cải. Khi bị cáo biết công an đang điều tra đến công ty Đước thì bị cáo nói với Ngọc Anh tìm Đước về để hỏi rõ, tìm cách khắc phục hậu quả", bị cáo Ca khai.
Bị cáo khai tiếp, thời điểm đó ông nhận được cuộc gọi điện thoại của một cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh nói đang điều tra vụ án liên quan đến công ty của bị cáo Đước.
"Tôi mừng khi nghe điện thoại của cán bộ Công an Quảng Ninh, tôi mời họ đến nhà tôi để xử lý số tiền vợ chồng Ngọc Anh mang đến. Khi tổ công tác Công an tỉnh Quảng Ninh đến nhà tôi, tôi chỉ vào chỗ vợ chồng Ngọc Anh để tiền vẫn còn nguyên. Công an kiểm đếm số tiền báo tôi là 35 tỷ đồng, lúc đó tôi mới biết số lượng tiền là như vậy", ông Ca khai.
Vợ chồng "ông trùm" mua bán hóa đơn giữ nguyên lời khai
Lên bục khai báo đối chất với bị cáo Ca, vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh vẫn giữ nguyên lời khai tại phiên tòa sơ thẩm rằng 4 lần mang 35 tỷ đồng đến nhà Đỗ Hữu Ca là để nhờ chạy án.
Trước lời khai này, HĐXX gặng hỏi bị cáo Ca: "Bị cáo nhận tiền của vợ chồng bị cáo Ngọc Anh, Đước nhằm mục đích gì?". Bị cáo Ca vẫn khẳng định chỉ nhận tiền để giúp vợ chồng Ngọc Anh khắc phục hậu quả về hành vi vi phạm pháp luật chứ không nhằm mục đích chạy án.
HĐXX căn vặn: Trong đơn kháng cáo bị cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Nếu đúng như khai báo tại tòa hôm nay thì bị cáo cần kêu oan?
Bị cáo Ca trả lời bị cáo không kêu oan, bản thân bị cáo tự nhận thấy việc mình nhận tiền của vợ chồng Ngọc Anh và để số tiền này trong nhà hơn 3 tháng là vi phạm pháp luật.
"Bị cáo chỉ mong HĐXX nhìn nhận đúng bản chất câu chuyện này chứ bị cáo không hề vụ lợi, không có ý đồ lừa đảo để chiếm đoạt tiền của vợ chồng Ngọc Anh, Trương Xuân Đước", bị cáo Ca giải thích.
Chủ tọa lưu ý bị cáo Đỗ Hữu Ca khai báo thành khẩn để được hưởng tình tiết giảm nhẹ. HĐXX nhấn mạnh, việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan tố tụng, bị cáo khai thành khẩn hay không là quyền của bị cáo.
Trong phiên phúc thẩm, 5 bị cáo còn lại đều không kêu oan, chỉ mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, xã hội.
Mức án sơ thẩm đối với 13 bị cáo trong vụ án tuyên ngày 12/4:
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, 10 năm tù.
Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (tội 1) và Đưa hối lộ (tội 2)
Trương Xuân Đước 24 tháng tù cho tội 1 và 7 năm tù cho tội 2, tổng hình phạt là 9 năm tù.
Nguyễn Thị Ngọc Anh (vợ Đước) 18 tháng tù cho tội 1 và 3 năm tù cho tội 2, tổng hình phạt là 4 năm 6 tháng tù.
Nhận hối lộ
Nguyễn Đình Đương, cựu Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải (TP Hải Phòng), 6 năm 6 tháng tù.
Đỗ Thanh Hoài, cựu công chức Chi cục Thuế huyện Cát Hải (Hải Phòng), 4 năm 6 tháng tù.
Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
Đặng Khắc Thành (SN 1971, lao động tự do), 18 tháng tù.
Hà Thị Bích Nhàn (SN 1975, lao động tự do), 15 tháng tù.
Với 6 bị cáo phạm tội Trốn thuế, không bị áp dụng hình phạt tù, chỉ phạt hành chính.
Cụ thể bị cáo Đỗ Thị Đua bị phạt 2,5 tỷ đồng; Hà Thị Trang bị phạt 1,5 tỷ đồng; Vũ Ngọc Tú bị phạt 1,2 tỷ đồng; Chu Thị Thu Hiền bị phạt 800 triệu đồng; Nguyễn Hiền Tài bị phạt 350 triệu đồng; Ngô Văn Tuyên bị phạt 300 triệu đồng.