1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Ông Đinh Mạnh Thắng được đề nghị giảm án

(Dân trí) - Tại bản luận tội của mình, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX tòa phúc thẩm giảm một phần hình phạt đối với bị cáo Đinh Mạnh Thắng - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà.

Sáng 6/6, phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) tiếp tục với phần tranh luận. Mở đầu, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa đọc bản luận tội, thể hiện quan điểm về vụ án cũng như kháng cáo của các bị cáo.

Đại diện Viện Kiểm sát đọc bản luận tội sáng 6/6.
Đại diện Viện Kiểm sát đọc bản luận tội sáng 6/6.

Theo đại diện VKS, xét kháng cáo của các bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vietsan), Nguyễn Thị Kim Thoa (nguyên Kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty CP Minh Ngân), Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (trú tại TPHCM), VKS thấy rằng, lời khai của các bị cáo trong vụ án ở giai đoạn điều tra, lời khai tại phiên tòa cơ bản phù hợp nhau và phù hợp các tài liệu liên quan. Do vậy, hoàn toàn có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của các bị cáo đúng như bản án sơ thẩm đã nhận định và quy kết.

VKS nhìn nhận, Trịnh Xuân Thanh là người có quyền quyết định số cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Lợi dụng vị trí, vai trò đó, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã chiếm đoạt phần tiền chênh lệch giá khi bán cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Cụ thể, đầu năm 2010, Lê Hòa Bình (cựu Chủ tịch Công ty CP Xây dịch và dịch vụ 1-5) cùng Nguyễn Thị Thoa thông qua môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy thực hiện mua toàn bộ diện tích nhà đất thuộc Dự án tổ hợp Trung tâm thương mại Nam đàn Plaza của Công ty Xuyên Thái Bình Dương với hình thức mua toàn bộ 24 triệu cổ phần.

Công ty Xuyên Thái Bình Dương gồm 5 cổ đông sáng lập, trong đó PVP Land chiếm 12 triệu cổ phần, sau đó đã lần lượt ký hợp đồng mua bán cổ phần với Lê Hòa Bình. Quá trình điều tra xác định, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo trong vụ án đã móc nối, thực hiện việc mua bán cổ phần với giá trị 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế để tạo ra số tiền chênh lệch hơn 87 tỷ đồng và chia nhau chiếm hưởng.

Trong số tiền trên có 49 tỷ đồng là tiền của Nhà nước. Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 14 tỷ đồng, Đào Duy Phong chiếm hưởng 3 tỷ đồng, Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land) hưởng 2 tỷ đồng, Đinh Mạnh Thắng hưởng lợi cá nhân 5 tỷ đồng.

Đại diện VKS khẳng định, việc các bị cáo chiếm đoạt tiền chênh lệch là phạm tội “Tham ô tài sản”. Vì vậy, tòa sơ thẩm xử các bị cáo về tội danh này là có căn cứ, đúng pháp luật.

Đề nghị bác kháng cáo của 3/4 bị cáo

Xét kháng cáo của từng bị cáo, đối với bị cáo Thoa, VKS cho rằng, tại tòa, bị cáo thừa nhận đã làm theo chỉ đạo của Lê Hòa Bình chuyển tiền cho các bị cáo liên quan. Khi chuyển tiền, bị cáo biết số tiền trên là tiền chênh lệch giá mua bán cổ phần, không đúng với quy định của Luật Kế toán.

Các bị cáo nghe VKS luận tội.
Các bị cáo nghe VKS luận tội.

Bị cáo Thoa không được hưởng lợi nhưng vì động cơ cá nhân bị cáo vẫn giúp Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Do đó, tòa sơ thẩm xử bị cáo Thoa đồng phạm tội tham ô là có căn cứ, đúng pháp luật và không oan.

Theo đại diện VKS, việc bị cáo kêu oan là do nhận thức pháp luật của bị cáo. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo đã được tòa cấp sơ thẩm ghi nhận và áp dụng mức hình phạt thấp nhất dưới khung đối với bị cáo là phù hợp.

Đối với bị cáo Thái Thị Kiều Hương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, sau khi phân tích tính chất, mức độ phạm tội của từng người, đại diện VKS cho rằng cũng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bởi tội danh cũng như những mức án cụ thể đối từng bị cáo đã được cấp tòa sơ thẩm áp dụng đúng và phù hợp.

Đối với bị cáo Đinh Mạnh Thắng, VKS nhìn nhận, bị cáo Thắng không biết rõ giá cả mua bán cổ phần giữa PVP Land và Lê Hòa Bình. Việc hưởng lợi của bị cáo là bất hợp pháp. Tuy nhiên, sau khi bị cáo Hương đề nghị chuyển trả lại 19 tỷ đồng thì bị cáo Thắng đã khắc phục ngay 5 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo còn trực tiếp nhận 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh nhưng đều đã khắc phục hết.

Về thái độ của Đinh Mạnh Thắng, VKS thấy rằng, quá trình điều tra, bị cáo khai báo thành khẩn. Tại phiên tòa phúc thẩm, Thắng tiếp tục tỏ ra ăn năn, hối hận và quá trình công tác có nhiều bằng khen, huân chương… Đây là các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt cần được quan tâm theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, gia đình bị cáo Thắng thuộc diện gia đình có công với nước. Trong thời gian bị cáo bị tạm giam, bố bị cáo đã qua đời nên VKS thấy cần áp dụng chính sách nhân đạo, khoan hồng, giảm một phần hình phạt để bị cáo yên tâm cải tạo tích cực hơn.

Từ những nhận định trên, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Đinh Mạnh Thắng; đề nghị không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa, Thái Thị Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy.

Tiến Nguyên