1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy cũng có lúc "sợ buôn lậu"?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Trần Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường trình bày tại tòa, có thời điểm, Bùi Quang Huy (ông chủ Nhật Cường) từng nói rằng Huy sợ không dám buôn lậu điện thoại, đồ điện tử (!?).

Chiều nay (6/5), HĐXX TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (gọi tắt là Công ty Nhật Cường).

Sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKSND TP Hà Nội đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với 14 bị cáo trong vụ án. 

Ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy cũng có lúc sợ buôn lậu? - 1

Đại diện VKSND TP Hà Nội.

Trong đó, bị cáo Trần Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường bị đề nghị 15-16 năm tù về tội "Buôn lậu".

Bước lên bục khai báo trình bày lời tự bào chữa cho mình sau đề nghị mức án của đại diện VKSND TP Hà Nội, bị cáo Trần Ngọc Ánh nói rằng, mức án đề nghị đó là quá cao so với suy nghĩ của mình.

Bị cáo Trần Ngọc Ánh mong HĐXX xem xét và cho mình được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật vì bản thân đã tích cực phối hợp cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án. Bản thân bị cáo không phải ngay từ đầu đã nhận thức được hành vi của mình giúp Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường, đang bỏ trốn) là vi phạm pháp luật.

Ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy cũng có lúc sợ buôn lậu? - 2

Bị cáo Trần Ngọc Ánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường.

Bị cáo Ánh nói, tháng 7/2015 được Bùi Quang Huy phân công nhiệm vụ tại Công ty Nhật Cường. Lúc đó, bản thân bị cáo suy nghĩ là làm việc theo chỉ đạo của ông chủ chứ hoàn toàn chưa ý thức được công việc mình làm là đúng hay sai.

"Tại thời điểm đó, bị cáo suy nghĩ việc làm của mình cũng "bình thường", bị cáo chưa ý thức được lúc đó là vi phạm pháp luật. Vì trên thị trường có rất nhiều công ty đều kinh doanh mặt hàng điện thoại di động như vậy, gọi là "hàng xách tay". Trong quá trình kinh doanh, từ 2015-2018, các cơ quan quản lý nhà nước như quản lý thị trường, cơ quan thuế vào kiểm tra, bị cáo thấy các cơ quan quản lý chỉ vào kiểm tra và xử phạt, những hàng hóa không có hóa đơn thì bị tịch thu", bị cáo Ánh trình bày.

Thời điểm đoàn kiểm tra và xử phạt, Trần Ngọc Ánh có thắc mắc với Bùi Quang Huy thì được Huy giải thích: "Việc các anh đang làm, cùng lắm là mất hàng hóa, mà mất hàng hóa thì công ty lo, chứ các anh không phải lo. Nếu anh không làm thì nghỉ việc".

Bị cáo Ánh nói thêm, lúc đó do cần có công việc để kiếm sống, nên bị cáo không dễ dàng từ bỏ công việc mình đang làm.

Đến thời điểm tháng 9/2018, khi bị cáo nghe thông tin qua báo chí về vụ hải quan bắt lô hàng lậu hơn 1.000 chiếc điện thoại tại Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), trong đó có hàng hóa của Công ty Nhật Cường, Trần Ngọc Ánh mới nhận thức rõ hơn về việc mình đang làm cho Bùi Quang Huy là vi phạm pháp luật.

"Bị cáo nói với anh Huy là rất sợ và không muốn làm công việc này nữa. Tháng 9/2018, bị cáo có gặp riêng ông Huy để xin nghỉ việc và anh Huy nói cũng sợ không dám kinh doanh mặt hàng này nữa. Tuy nhiên, lúc đó công ty có gần 500 nhân viên, 12-13 cửa hàng đang kinh doanh và đang có hợp đồng thuê nhà làm cửa hàng dài hạn nên chưa thể dừng kinh doanh được", bị cáo Ánh trình bày.

Tại cuộc nói chuyện trên, Bùi Quang Huy có nói với Ánh ở lại làm việc một thời gian để giúp mình giảm dần số cửa hàng và nhân viên, chỉ giữ lại 1-2 cửa hàng. Khi nào Ánh hoàn thành công việc này thì Huy cho nghỉ việc, do đã làm việc với nhau 14-15 năm, nên Ánh đã đồng ý ở lại giúp Huy.

Từ tháng 9/2018 đến tháng 5/2019, bị cáo Ánh đã giúp Huy giải tán 4 cửa hàng, chỉ còn 9 cửa hàng, nhân viên giảm xuống còn gần 300 người. Bị cáo Ánh dự kiến, đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành công việc đó và sẽ nghỉ việc.

Trước đó, trong bản luận tội, đại diện VKSND TP Hà Nội cho biết, từ năm 2014 đến tháng 5/2019, Trần Ngọc Ánh được Bùi Quang Huy giao nhiệm vụ phụ trách toàn bộ hoạt động kinh doanh và theo dõi, quản lý hàng hóa mua vào bán ra, thuê các địa điểm để mở cửa hàng phục vụ tiêu thụ hàng hóa tại Công ty Nhật Cường.

Quá trình kinh doanh, Ánh biết rõ Công ty Nhật Cường  nhập các mặt hàng điện thoại di động, máy tính các loại từ Hồng Kông, Singapore... không lập hóa đơn mua bán, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc và không khai báo cơ quan chức năng Việt Nam.

Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2014 đến tháng 5/2019, Công ty Nhật Cường đã mua của 16 nhà cung cấp hơn 2.500 đơn hàng, với hơn 255.000 sản phẩm (điện thoại di động, máy nghe nhạc...), tổng trị giá gần 3.000 tỷ đồng và chi hơn 79 tỷ đồng để thuê 9 đường dây vận chuyển hàng hóa về Việt Nam giao cho công ty tiêu thụ, thu lợi hơn 221 tỷ đồng.

Trong đó, bị cáo Ánh và các bị các bị cáo khác giao dịch mua hàng từ Hồng Kông của 13 nhà cung cấp.

Mặc dù, trong thời gian từ năm 2014 đến giữa năm 2015, Bùi Quang Huy là người trực tiếp mua hàng với 3 nhà cung cấp là Công ty FPT - SG, Anh Can, Chị Quy Vinaphone, nhưng Trần Ngọc Ánh có nhiệm vụ quản lý theo dõi hàng hóa bán ra, đồng thời tư vấn cho Bùi Quang Huy về số lượng, chủng loại hàng hóa để Huy đặt mua.

"Trần Ngọc Ánh phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm là người thực hành, trực tiếp cùng Bùi Quang Huy thực hiện hành vi buôn lậu hơn 255.000 sản phẩm, với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng", đại diện VKS nói.