1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nước mắt trên mâm cơm ngày Tết ở trại giam

(Dân trí) - Nhắc tới gia đình, tới con, những nữ phạm nhân đang thụ án tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An bật khóc. Giọt nước mắt đắng đót, hối hận rơi trên mâm cơm ngày Tết - bữa cơm đáng lẽ, nếu biết giữ mình, họ đã có thể ngồi ở nhà, quây quần với chồng con, với gia đình trong ngày Tết đến Xuân sang.

a 1.jpg
Các phạm nhân tham dự bữa cơm Tất niên được Ban Giám thị trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An tổ chức. Hoạt động này nhằm động viên phạm nhân yên tâm cải tạo, đặc biệt trong đợt Tết Nguyên đán - thời điểm phạm nhân dễ có những diễn biến tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng đến việc quản lý, giáo dục.

Không kể người phụ nữ duy nhất được giảm án, tha tù ngay trước Tết thì hiện Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đang có 5 nữ phạm nhân thi hành án tại đây. Họ mỗi người một số phận, vào đây với những tội danh khác nhau nhưng ngày Tết, những nữ phạm nhân đều chung nhau một nỗi niềm nhớ nhà, nhớ con.

Tôi gặp họ khi Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An tổ chức bữa cơm Tất niên sớm cho các phạm nhân. Trái với sự e dè ban đầu, những nữ phạm nhân đã bắt đầu mở lòng hơn khi nhắc tới gia đình, tới những đứa con thơ dại đã phải xa rời vòng tay mẹ bởi mẹ chúng đã phạm lỗi lầm. Giọt nước mắt lăn dài trên má, rơi xuống mâm cơm ngày Tết mà các cán bộ quản giáo đã tổ chức cho phạm nhân, đắng đót, xót xa...

Phạm nhân T.T.P từng là tiểu thương, chuyên buôn bán hải sản tại thị xã Cửa Lò. Nghề buôn hải sản chỉ làm ăn trong 3-4 tháng mùa hè, khi lượng khách du lịch khắp nơi đổ đến nghỉ dưỡng ở bãi biển thơ mộng này. Hết mùa hè, việc buôn bán chỉ cầm chừng, thậm chí có những ngày mùa Đông chả có một đồng thu nhập nào.

nu pham nhan.jpg
Nữ phạm nhân T.T.P bật khóc khi nhắc về đứa con gần 4 tuổi. Trong thời gian P. đi trả án, cháu bé được ông bà nội chăm sóc.

Thế rồi, tình thế đưa đẩy, P. quyết định đi buôn chuyến pháo để có tiền sắm Tết. Ngay phi vụ đầu tiên, P. bị công an bắt giữ và phải lĩnh án 2 năm tù giam. Tính đến nay P. đã đi trả án được 4 tháng.

“Còn 1 tháng nữa là cháu tròn 4 tuổi, hiện đang sống với ông bà nội. Từ hồi vào đây, em nhớ con cháy cả lòng nhưng không dám nhắn ông bà đưa cháu vào thăm vì không muốn đầu óc non nớt của con nhìn thấy mẹ trong bộ quần áo tù nhân này. Ngày Tết, em sẽ là người phụ trách món bò kho cho cả nhà, cháu cũng thích món này lắm, cứ khen mẹ nấu ngon thôi. Tết năm nay không có mẹ, không biết bà nội có nấu hợp khẩu vị của cháu không? Ông bà có mua cho cháu bộ quần áo mới không? Trẻ con Tết không có bộ quần áo mới, tội lắm...", đôi mắt của P. nhòe nước.

Tết đầu tiên xa gia đình, xa con, P. chỉ biết nằm khóc. Bạn cùng buồng giam, cán bộ quản giáo động viên, làm công tác tư tưởng để P. bình tâm trở lại, yên tâm trả án. “Em tính rồi, em phải cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được ra trại. Lúc đó, con em cũng bắt đầu vào lớp 1, cháu cần có em để bảo ban, uốn nắn…”, P. lau nước mắt quả quyết.

Không khí ngày vui bỗng chùng xuống khi những nữ phạm nhân chia sẻ câu chuyện gia đình mình. Đối với họ, không có mối quan tâm nào lớn hơn là những đứa con của mình, dù còn thơ dại hay đã trưởng thành.

pham nu.jpg
Người mẹ này cũng không cầm được nước mắt khi nhắc đến các ocon. Ngày Tết, cũng giống như những phụ nữ khác, họ cũng muốn được tất bật vun vén cho gia đình, sắm sửa quần áo mới cho con hay kỳ công nấu những món ăn cổ truyền dân tộc. Nhưng vì lỗi lầm, họ phải ngồi đây, day dứt nỗi nhớ thương con và ân hận về những hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Nữ phạm nhân M.T.A (SN 1976, trú TP Vinh, Nghệ An) đang thi hành bản án 6 tháng tù về tội “Đánh bạc” (ghi số lô đề). Chị T.A vừa được chuyển đến thi hành án tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An được 2 tháng. Đây cũng là cái Tết đầu tiên nữ phạm nhân này không có người thân bên cạnh.

Năm nay con gái T.A đã 22 tuổi, cái tuổi không còn bé bỏng nhưng chị vẫn không nguôi lo lắng cho con khi không có mình bên cạnh. Nhắc đến con, người phụ nữ hơn 40 tuổi đời, đã trải qua bao hỉ nộ ái ố bỗng bật khóc, nghẹn ngào không nói nên lời.

“Vì một chút lòng tham, thiếu hiểu biết pháp luật mà giờ này, khi mọi người đang tất bật lo bếp núc cho gia đình đón năm mới thì tôi và các chị em khác ngồi đây, gặm nhấm nỗi day dứt, hối hận vì lỗi lầm của mình. Tết phải xa gia đình, xa người thân đã buồn, Tết ở trong hoàn cảnh này còn buồn, tủi thân nhiều hơn.

Khoác lên bộ quần áo tù nhân, bị mất đi tự do, mất niềm vui sum họp gia đình mới biết cái giá phải trả cho lỗi lầm đắt lắm. Ban Giám thị, cán bộ quản giáo, anh chị em phạm nhân cũng động viên nhiều nhưng bằng sao được ở nhà? Bởi vậy, bằng những tâm sự của lòng mình, tôi mong mọi người hãy biết giữ mình, biết dừng lại khi chưa quá muộn, để đừng phải đón cái Tết nào xa gia đình, xa người thân trong hoàn cảnh này”, nữ phạm nhân M.T.A trải lòng.

Hoàng Lam