1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Bình Dương:

Nữ trinh sát trại giam “khuất phục” nhiều phạm nhân quay về nẻo thiện

Nhìn vẻ dịu dàng, giản dị của Thượng úy Nguyễn Thị Dung (Phân trại số 2, Trại giam An Phước, đóng tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), ít ai biết rằng chị là một trinh sát trại giam đã từng “khuất phục” được nhiều tội phạm sừng sỏ, giúp họ quay về nẻo thiện.

Thượng úy Nguyễn Thị Dung.
Thượng úy Nguyễn Thị Dung.

Yêu nghề từ bộ cảnh phục của cha

Quê gốc ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, Thượng úy Nguyễn Thị Dung bước vào nghề cảnh sát từ một cái duyên hết sức giản dị, ấy là vì chị rất thích bộ cảnh phục của cha. Chị tâm sự, bố vốn là một sĩ quan cảnh sát thường hay đi công tác xa nhà. Ở nhà chỉ có mấy mẹ con nên mỗi khi bố về là gia đình đông vui không khác gì Tết. Mỗi lần thấy bố thay cảnh phục treo lên móc áo, cô bé Dung đều bẽn lẽn lại gần, vừa là để nhìn cho rõ người cha thân thương của mình, vừa là để hội ngắm nghía bộ cảnh phục mà theo chị là rất đẹp.

Từ những kí ức ấu thơ như thế, người con gái xứ Nghệ này quyết tâm theo nghề của cha và trở thành một cán bộ quản giáo. Về nhận công tác tại Trại giam An Phước từ năm 2000, Dung được phân công về Đội trinh sát của trại giam. Do Trại giam An Phước có một số lượng không nhỏ phạm nhân là nữ nên công tác trinh sát trại giam rất được coi trọng. Thượng úy Dung nhận nhiệm vụ tại phân trại số 2 của trại giam An Phước.

Chị tâm sự: “Nhận nhiệm vụ biết là sẽ có nhiều khó khăn vì đối với trinh sát trại giam lúc nào cũng đặt cho mình một sự tập trung trong công việc rất lớn. Ngoài việc động viên các phạm nhân nữ có tâm lý ổn định để cải tạo, trinh sát trại giam nữ còn phải nắm bắt được mọi hoạt động vi phạm nội quy trại giam của các phạm nhân. Công việc này chưa bao giờ dễ dàng đối với bất cứ ai đã từng là trinh sát, thế nên, đã 12 năm trong công việc, cứ hoàn thành mỗi nhiệm vụ được giao là tôi lại có thêm một niềm vui trong nghề”.

Trong bảng thành tích của Thượng úy Dung có nhiều lần chị được khen thưởng do kịp thời phát hiện và lật tẩy các trường hợp phạm nhân vi phạm nội quy trại giam. Chị cho hay: “Với phạm nhân nữ, họ kín đáo và khéo léo hơn rất nhiều so với nam phạm nhân. Chính vì thế nên khi có ý định tuồn vật vi phạm hay vi phạm nội quy trại giam, họ thường khiến chúng tôi vất vả hơn rất nhiều trong việc phát hiện”.

Tháng 2/2011, chị Dung cùng đồng đội nhận được tin báo từ cơ sở cho hay phạm nhân Nghiêm Thị Thúy An vừa nhận từ người thăm nuôi một lượng ma túy để bán lại cho các con nghiện. Lặng lẽ theo dõi hành động của phạm nhân nữ này, chị Dung không hề thấy một biểu hiện lo lắng, sợ sệt hay có gì cảnh giác cả. Có lẽ, bản lĩnh của một đàn chị ở phạm nhân Thúy An được thể hiện lúc này nhằm che mắt lực lượng trinh sát trại giam.

Khi Thúy An vượt qua “chốt chặn” là các nữ quản giáo trông coi cổng trại để đi vào buồng, rất nhanh, chị Dung bám theo và kiểm tra, tuy nhiên không phát hiện tang vật. Khi Thúy An nghĩ mình có thể thoát được tội thì chị Dung yêu cầu kiểm tra chỗ kín phạm nhân nữ ranh ma này. Và đúng như phán đoán, Thượng úy Dung thu giữ được 0,449 gram heroin.

Chị Dung nhớ lại: “Phạm nhân Thúy An lúc bị phát hiện mới khóc nức nở xin được giảm nhẹ hình phạt vì ân hận, vẻ mặt lạnh lùng trước đó của phạm nhân này đã hoàn toàn biến mất. Vốn đã nhận bản án 19 năm tù, Thúy An sau đó đã phải nhận thêm 8 năm nữa về hành vi trên. Thúy An đã rất suy sụp khi tiếp tục phải trả án nhưng tôi vẫn luôn dành thời gian sau mỗi ca trực để nói chuyện với phạm nhân này.

Ban đầu Thúy An còn ngại ngùng nhưng dần dần coi nhau như chị em nên mỗi lần nói chuyện, phạm nhân nữ này thường tâm sự với tôi rất nhiều. Có lần Thúy An thỏ thẻ mãi mới cho tôi biết việc muốn nhờ mua một bộ gương lược để “làm đẹp”. Giờ thì phạm nhân này đã trả được 1/3 mức án rồi và vẫn không ngừng phấn đấu cải tạo tốt để về bên gia đình”.

Phải hiểu tâm tư của họ mới giúp họ được

Công tác tại Trại giam An Phước đã được một thời gian, có nhiều kỉ niệm gắn bó với Thượng úy Dung ở cả góc độ công việc và “chuyên gia tư vấn”. Chị bảo, gọi là “chuyên gia tư vấn” nghe hơi sang trọng nhưng cứ có thời gian là chị lại ngồi nói chuyện và động viên các phạm nhân trong phân trại số 2 cải tạo tốt. “Không nói chuyện, không hiểu tâm tư phạm nhân của mình thì không thể giúp họ hướng về nẻo thiện được”, chị Dung tâm sự.

Thượng úy Dung kể cho chúng tôi nhiều phạm nhân nữ ở trại đã hơn chục năm rồi, họ thường mang án Chung thân hoặc án nặng liên quan đến việc tài sản chưa trả nợ hết... Nhiều năm không có người thăm gặp, họ chỉ mong có người nói chuyện. Có trường hợp nhớ Thượng úy Dung đến quay quắt vì đã hẹn rồi mà chưa thấy chị Dung đến. Hỏi ra mới hay, phạm nhân nữ đó đã gần 70 tuổi và rất nghiện nhai trầu. Mỗi khi biết quản giáo Dung đi chợ là y rằng muốn gặp từ vài hôm trước để nhờ mua.

Trong số các phạm nhân nữ có hoàn cảnh éo le mà Thượng úy Dung hay gặp và trò chuyện, có một trường hợp rất đặc biệt. Phạm nhân này tên Phạm Thị Ngọc My (SN 1974, bị bắt về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Cố ý gây thương tích”). My chuyển trại liên tục vì vi phạm quy chế trại giam cũng liên tục nên hết chuyển từ Trại Kênh 5 qua Xuân Lộc, Xuyên Mộc rồi đến An Phước. Lúc này, hồ sơ dày cộp của phạm nhân My ghi rõ: Án tù 27 năm 11 tháng!

Chuyển đến trại An Phước, Thượng úy Dung được phân công giúp đỡ, giáo dục phạm nhân có thành tích bất hảo này. Ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, chị Dung chỉ quan sát My từ xa mà chưa nói chuyện. My lầm lì, cắt tóc như con trai và bản tính cũng hệt như đàn ông. My không nói chuyện với bất kỳ ai, thi thoảng ném một ánh mắt hằn học về phía một phạm nhân khác tỏ ý không vừa ý. Trong ngày thứ hai ở trại giam An Phước, My tỏ thái độ rất bực tức trước một câu nói của một phạm nhân khác nên phạm nhân này có ý định “trả đũa”.

Nhận thấy dấu hiệu khác thường, chị Dung liền lại gần ngồi cách My một đoạn nhưng vẫn chưa nói chuyện mà vờ vô tình nên My không thực hiện ý định. Sau một tuần, My vẫn chưa từ bỏ ý định “trả thù” nên vẫn âm thầm tiếp cận “đối thủ”. Lần này chị Dung quyết định nói chuyện với My. Biết mình bị lộ tẩy nên My đành kể hết “tâm sự” bấy lâu của mình. Sau lần ấy, My dần dần trở thành phạm nhân có thành tích cải tạo tốt.

Liên tục nhiều năm liền được công nhận cán bộ quản giáo có thành tích tốt và chiến sĩ thi đua của trại giam, niềm vui lớn nhất của Thượng úy Dung là có thời gian dành cho gia đình và hai con nhỏ. Có chồng cũng là một cán bộ công an, chị bảo: “Thời gian mà hai vợ chồng có được lúc nào cũng dành hết cho hai con”. Đảm việc nhà, hoàn thành việc cơ quan, các cán bộ quản giáo tại phân trại số 2, Trại giam An Phước dành tặng cụm từ “hai giỏi” cho Thượng úy Dung.

Theo Ngọc Trìu

Pháp luật Việt Nam