Nữ sát thủ trở về minh oan cho "ma nữ" thác Đambri
Tin lời thầy bói phải giết con trai của người tình mới hy vọng sở hữu “người ấy” mãi mãi, người phụ nữ liền gọi con trai người tình mới bảy tuổi sang nhà mình rồi nhờ cậu bé trèo xuống giếng sâu tìm giúp chiếc nhẫn vàng để rồi phải bỏ mạng nơi đây.
Giếng hoang nằm trên quả đồi này là nơi bà Kim đã hại chết con trai tình nhân
Vốn tính ngây thơ của trẻ nhỏ, bé trai liền lao xuống giếng sâu làm việc tốt mà chẳng ngờ đó ngày tận mạng của mình. Khi sự việc được phát giác, trong dân làng bắt đầu dấy lên lời đồn thổi về cô gái uống nước ở thác Đambri bị vong hồn thiếu nữ K’Ho “bắt” giết người. Sau nhiều năm “mất tung tích”, cô gái ấy bất ngờ xuất hiện trong ngôi chùa cạnh thác nước Đambri.
Tin lời thầy bói, giết con người tình
Cô gái gây nên vụ án mạng thương tâm ấy giờ đã là một phụ nữ trung niên. Bà tên là Nguyễn Thị K (SN 1968, ngụ xã Đambri, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Nạn nhân trong vụ án năm ấy là cháu bé Đỗ Trọng Hải (SN 1987, ngụ cùng địa chỉ).
Hai mươi năm trước, bà K lúc đó là thiếu nữ tròn 25 tuổi, đem lòng yêu say đắm chàng trai Đỗ Trọng Hùng hơn mình 6 tuổi. Anh Hùng quê tận Cao Bằng nhưng chuyển vào xã Đambri lập nghiệp. Sau vài tháng tìm hiểu, cô gái miền rừng núi biết người mình yêu đã có vợ và một cậu con trai khôi ngôi nhưng vẫn “chết mê chết mệt”.
“Dẫu biết thế, tôi không hề oán trách anh mà luôn ao ước ngày nào cũng được gặp anh để hàn huyên tâm sự. Còn anh ấy, từ khi bị tôi “nắm thóp”, có vẻ e dè, né tránh tình cảm của tôi. Một ngày nọ anh ấy nói không thể bỏ vợ con để đến với tôi được”, bà K hồi ức chuyện quá khứ.
Rầu rĩ chuyện tình cảm, cô gái 25 tuổi đi “xem bói” để cầu duyên, được nghe lời phán nhảm nhí: “Phải giết đứa con trai người tình may ra mới chiếm trọn trái tim của anh ấy”.
Bị tình cảm che mờ lý trí, K quyết định nghe theo lời “sằng bậy”. Đúng ba ngày sau, K viện cớ gọi đứa bé bảy tuổi sang nhà mình với ý định xấu.
Chỉ vài phút suy nghĩ, kế hoạch giết cháu bé vô tội đã hiện rõ trong đầu. Thiếu nữ mù quáng dùng lời lẽ ngon ngọt dụ cháu Hải đến vị trí giếng nước sâu bỏ hoang nằm trên ngọn đồi phía sau nhà. Để dụ con trai người tình đồng ý trèo xuống giếng, K dựng lên tình huống chiếc nhẫn vàng của mình bị anh trai ném xuống giếng vẫn chưa lấy lại được. K nại lý do trèo xuống giếng rất bất tiện, nên nhờ cháu bé xuống giếng tìm giúp chiếc nhẫn vàng.
“Đứa trẻ vốn ngây ngô chẳng thể đọc được ý đồ xấu xa của tôi liền gật đầu đồng ý ngay. Tôi mừng thầm trong bụng nên ngay khi Hải vừa chạm chân tới đáy giếng, tôi liền buông sợi dây thừng xuống theo rồi quay lưng đi về, bỏ mặc Hải kêu cứu thất thanh”, bà K thuật lại.
Suốt nhiều ngày sau đó, cha mẹ và xóm làng nhốn nháo chạy đi tìm đứa trẻ khắp nơi nhưng vẫn “biệt vô âm tín”. Người dân nghi vấn đứa trẻ đã bị kẻ xấu bắt cóc.
Con trai mất tích, anh Hùng và gia đình không còn đủ tâm trạng để phân biệt người tốt, người xấu. Anh thậm chí còn đem chuyện này kể với K vì chẳng ai nghĩ cô gái hiền lành này lại có thể là người lên kế hoạch giết hại cháu Hải.
Nhưng vốn bản chất sợ sệt của một cô gái chưa bao giờ làm chuyện ác, K đã chủ động ra đầu thú, khai nhận toàn bộ sự việc. Cô gái đích thân dẫn người nhà nạn nhân đến giếng hoang trên ngọn đồi để vớt thi thể bé trai.
Anh Hùng không thể tin vào tai mình khi nghe người tình thông báo tin dữ. Cho đến khi thi thể của con được đưa lên khỏi miệng giếng, anh không thể thốt nên lời, chỉ biết trừng mắt ném cái nhìn đầy hận thù.
Ngôi nhà gia đình nạn nhân sinh sống trước đây
K phải trả giá cho tội ác của mình bằng gần 20 năm trong tù. Ngày K bị lực lượng công an dẫn giải ra xe bịt bùng, người dân bắt đầu truyền miệng rằng “do cô gái trẻ uống phải nước thác Đambri, bị thiếu nữ K’Ho xinh đép nhập vào đã “dẫn đường chỉ lối” phạm phải tội ác tày trời”.
Chẳng có ma quỷ gì như lời bà K kể lại, chỉ vì quá cuồng yêu, bà mới gây ra chuyện động trời gây hoang mang vùng quê nghèo.
Nương nhờ cửa Phật chuộc lỗi lầm năm xưa
Suốt gần hai thập kỉ, người thân và hàng xóm mất hẳn thông tin. Gần 20 năm, nữ phạm nhân không một lần liên lạc với gia đình, không một lần viết thư cho biết mình chấp hành án ở trại nào. Có người tung tin rằng do không chịu nổi sự khắc nghiệt trong nhà lao, K đã chết từ lâu.
Ngày bà K xuất hiện trở lại vào năm 2011, trở thành ni cô trong chùa Bát Nhã, nhiều người giật mình ngạc nhiên. Lời đồn đại về “cô gái uống nước thác Đambri bị vong hồn thiếu nữ K’Ho nhập vào chỉ đường dẫn lối giết đứa trẻ hòng chiếm lấy trái tim của người cha” vậy là hết đất sống.
Nhân chứng của vụ cuồng yêu năm xưa vẫn còn đây, thôn nữ trẻ đẹp ngày nào giờ đã là một phụ nữ trung niên chằng chịt nếp nhăn. Và để minh oan cho thác Đambri, bà K vẫn sử dụng nước “thác oan tình” để sinh hoạt nhiều năm nay.
Bà K kể lại, mãn hạn tù, bà xin vào chùa Bát Nhã gần thác Đambri trú ngụ, ngày ngày tụng kinh niệm phật. Bà từng lần mò tìm lại ngôi nhà xưa của vợ chồng anh Hùng để cầu xin được tha thứ nhưng đã muộn màng. Từ ngày mất con, gia đình anh Hùng bán nhà bán đất chuyển về Cao Bằng sinh sống.
Sau khi ra tù, bà Kim trở thành người tu hành với mong muốn chuộc lại lỗi lầm
Cuộc sống với những bữa cơm tù nguội lạnh cùng những giờ phút suy ngẫm về tội lỗi đã gây ra đã giúp bà K hết lòng ăn năn, hối hận: “Thực tình ngày ấy, tôi yêu trong muộn màng và mù quáng nên không thể nhận thức bằng lý trí. Lời phán nhảm nhí của thầy bói đã khiến tôi mù mờ dẫn đến hành động dại dột.
Bao năm ở trong tù, tôi luôn day dứt lương tâm về những việc đã làm. Trước khi vào chùa, tôi thành tâm nói hết hoàn cảnh mình với nhà sư. Nghe xong tâm sự của tôi, sư phụ cảm thông và nhận vào chùa để sống những ngày tháng còn lại”, bà K kể lại.
Tội lỗi đã phải trả giá bằng bản án tù, nhưng bà vẫn tự “kết án” mình, vẫn hy vọng sẽ dành trọn thời gian còn lại đọc kinh khẩn nguyện cho linh hồn cháu bé năm xưa siêu thoát. Bà K thổn thức: “Mọi người hãy tha thứ cho tôi”.
Một nhà sư tu hành ở chùa Bát Nhã cho biết, từ ngày bước chân vào chùa, bà K nguyện làm công quả, ăn chay cho đến hết đời để chuộc tội. Vị ni cô cũng muốn mượn câu chuyện của chính đời mình để hoá giải cho những mối tình ngang trái đẫm nước mắt. Cô gái K ngày nào giờ đã được người đời gọi bằng hai tiếng “ni cô” thanh thoát.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)