Nữ quản giáo xinh đẹp cảm hóa phạm nhân bằng sự chân thành
Bằng sự tận tình, chu đáo, sự quan tâm chân thành đến những phạm nhân, Trung úy Trần Thị Mai - cán bộ quản giáo tại Phân trại 3, Trại giam số 6, Bộ Công an - đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục phạm nhân, được nhiều phạm nhân yêu quý.
Giáo dục phạm nhân bằng tấm lòng
Năm 2009 Mai tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân I, được phân công về công tác tại Trại giam số 6 (đóng tại địa bàn huyện Thanh Chương, Nghệ An) từ đó đến nay. Hiện Mai đang là quản giáo Đội 22, Phân trại 3, quản lý 33 phạm nhân nữ với nghề khâu bóng.
Nữ quản giáo tâm sự muốn cảm hóa được phạm nhân, trước hết phải thấu hiểu được họ. Để làm được điều đó, thì phải gần họ, quan tâm, chia sẻ bằng trái tim, lòng yêu nghề và trách nhiệm. Qua những lần tâm sự, hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình, hiểu hơn những nỗi niềm đang gặp phải của phạm nhân, giúp họ vượt qua những trở ngại tinh thần.
“Để tạo được tâm lý ổn định cho những phạm nhân nữ, phải gần gũi trò chuyện để hiểu được khó khăn mà họ đang gặp phải. Cùng với đó, tìm phương pháp tốt nhất, phối hợp với các bộ phận khác cùng nhau tiến hành giáo dục phạm nhân”, Mai chia sẻ.
Nữ quản giáo Trần Thị Mai.
Mấy năm gần đây, tình hình phạm nhân phạm tội ngày càng phức tạp, số phạm nhân có án cao, án dài, nhiều tiền án càng nhiều. Trong Đội 22 do Mai quản lý có 2 bản án chung thân, 3 phạm nhân 20 năm tù còn lại là các phạm nhân từ 3 năm tù đến 15 năm tù. Bằng những bài học từ thực tế, kinh nghiệm của những thế hệ đi trước, Mai đã học hỏi và vận dụng vào việc cảm hóa, giáo dục phạm nhân một cách khoa học và hợp lý nhất.
Vừa mềm mỏng, vừa kiên quyết
Để giáo dục một con người đã khó, giáo dục người phạm tội còn khó hơn, phải giúp phạm nhân nhận ra sai phạm, thực sự ăn năn hối cải và quyết tâm phấn đấu cải tạo. Một trong những phạm nhân chán nản được quan tâm đã toàn tâm, toàn ý cải tạo tốt là phạm nhân Đoàn Thị Quỳnh (quê Hà Nội). Phạm nhân nhận bản án chung thân cho tội mua bán trái phép chất ma túy, thời gian đầu vào trại không có ai quan tâm thăm hỏi đã sinh ra tâm lý chán nản, không chịu cải tạo. Qua thời gian được Mai gặp gỡ, tâm sự, chia sẻ và làm công tác tư tưởng, hiện Quỳnh đã yên tâm cải tạo. “Khi tâm lý đã ổn định, từ một phạm nhân không đủ chỉ tiêu trong công việc, Quỳnh đã làm vượt chỉ tiêu”, Mai kể.
Luôn theo sát và quan tâm những phạm nhân nữ, xem họ như chị em, như người trong gia đình, vì thế Mai được các phạm nhân tin yêu và quý mến. Có nhiều phạm nhân sau khi được ra tù trước thời hạn do cải tạo tốt đã quay lại cám ơn giám thị Mai. Đơn cử như phạm nhân Nguyễn Thị An (quê huyện Nam Đàn, Nghệ An) với bản án 24 tháng tù giam cho tội môi giới mại dâm. Năm 2014, sau khi thi hành án xong đã cùng chồng quay lại gặp Mai cám ơn.
Theo chị An, chính những ngày tháng được Trung úy Mai tận tình giúp đỡ, đã cho chị động lực cải tạo để sớm ra tù, về với gia đình. Hay như phạm nhân Đặng Thị Hải (quê Phú Thọ) với bản án 42 tháng tù cho tội môi giới mại dâm. Tháng 11/2014 vừa qua được ra tù, cả gia đình Hải đã trở lại trại thăm Mai. Nhiều người không có điều kiện quay lại thăm vẫn viết thư, gọi điện thoại hỏi thăm tình hình sức khỏe của Mai và các cán bộ quản giáo.
Ngoài công việc tại phân trại, Mai cũng đã có một mái ấm nhỏ với người chồng làm cùng đơn vị. Sáng sáng, hai vợ chồng cùng vào cơ quan, tối hết giờ lại về. Đứa con nhỏ mới sinh được gửi ông bà nội chăm hộ. May mắn là hai bên gia đình cũng thấu hiểu nghề nghiệp đặc thù nên đều tạo điều kiện tốt nhất để hai vợ chồng Mai yên tâm công tác./.
Theo Ngô Toàn
Pháp luật Việt Nam