Nữ điều tra viên, đứa trẻ sinh non và câu chuyện cảm động
Chuyện các nữ bị can, bị cáo phạm tội ma túy mang thai và sinh con trong quá trình bị tạm giam, tạm giữ không phải hiếm gặp. Nhưng sinh non khi thai chưa được 30 tuần tuổi như trường hợp Lò Thị Thương (30 tuổi, trú ở xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) thì là lần đầu tiên xảy ra.
1. Theo tài liệu của cơ quan điều tra thì mặc dù sinh ra và lớn lên ở vùng cao nhưng Lò Thị Thương lại rất “sành điệu” về các ngón ăn chơi ma túy tổng hợp. Mặc dù đã có chồng con nhưng Thương dường như không chí thú với gia đình. Từ những cuộc chơi bời, Thương móc nối với các tay buôn ma túy trên địa bàn Điện Biên để mang ma túy xuống Hà Nội tiêu thụ. Đầu năm 2018, Thương nhờ bạn trai đứng ra thuê giúp căn hộ chung cư ở quận Hà Đông (Hà Nội) ở, thực chất làm nơi tập kết ma túy để giao dịch.
Ngày 7-4-2018, Lò Thị Thương đến khu vực xã Sam Mứn, huyện Điện Biên đặt mua 6 bánh heroin, 5 kilogram ma túy “đá” cùng 20.000 viên ma túy tổng hợp với giá 850 triệu đồng. Đúng hẹn, Thương quay lại khu vực nêu trên nhận đủ số ma túy đặt mua. Ngoài ra, “đối tác” còn đưa thêm cho Thương 1 gói ma túy “đá” nhỏ, 3 gói heroin và 5 viên ma túy tổng hợp làm hàng mẫu. Ôm chuyến “hàng” đặc biệt lớn, Thương mang về căn hộ chung cư quận Hà Đông (Hà Nội) cất giấu lên trần nhà vệ sinh.
Ít ngày sau, Thương giao dịch với một “đại lý” ma túy ở Hà Nội và thỏa thuận bán số ma túy trên với giá là 900 triệu đồng. Tối 12-4-2018, Thương đón xe taxi mang theo 1 gói ma túy “đá” nhỏ, 3 gói heroin và 5 viên ma túy tổng hợp đến phố Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân) gặp khách hàng thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ quả tang. Khám xét khẩn cấp căn hộ chung cư nơi Thương thuê tại quận Hà Đông, cơ quan Công an thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn cất giấu trên trần nhà. Kết quả giám định cho thấy, tổng số ma túy thu giữ của Thương là hơn 8.836 gram gồm heroin và methamphetamine.
Ngay thời điểm bị bắt quả tang mua bán ma túy, Thương đang “bụng mang dạ chửa” vượt mặt. Nhưng do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bản thân Thương lại không có nơi ở cố định nên Thương bị tạm giữ hình sự và tạm giam. Tuy nhiên khi vừa có lệnh tạm giam thì ngày 1-5-2018, Thương có dấu hiệu chuyển dạ.
Cô ta được đưa đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương và sinh ra một bé gái nặng chừng 1,2kg. Do cháu bé sinh non nên được chuyển tới Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh để chăm sóc đặc biệt. Còn Lò Thị Thương sau khi sức khỏe ổn định đã bị tạm giam theo quy định của pháp luật.
2. Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Trung ương vào một chiều oi ả. Ngoài hành lang cách ly, những gương mặt âu lo của người nhà bệnh nhi hướng về khung cửa ra vào của Trung tâm cũng đủ thấy trọng trách của các y bác sĩ công tác tại đây lớn lao như thế nào. Khi một đứa trẻ ra đời nhưng chưa đủ sức khỏe để gia đình chăm sóc thì mọi sự người nhà phải trông chờ hết vào các bác sĩ. Hơn nữa, đây lại là nơi cần đảm bảo môi trường vô trùng nên dù có lo lắng đến thế nào đi nữa, ngay cả bố mẹ đẻ của các bé sinh non cũng chưa thể tiếp xúc với con của mình khi điều kiện sức khỏe của bé chưa đảm bảo.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Minh Trác – Giám đốc Trung tâm là một người đàn ông có thể hình khá cao to, vạm vỡ. Nhìn anh khéo léo bế những cháu bé non tháng mà cả cơ thể còn chưa to bằng cánh tay của anh, tôi cứ tròn mắt ngạc nhiên và khâm phục người đàn ông đã dành hết tâm huyết của mình đối với công việc đặc biệt tưởng như chỉ dành cho phụ nữ.
Có hàng nghìn trẻ sơ sinh non tháng đã được các y bác sĩ ở đây cứu sống. Và cháu Lò Thị Thêm, con của bị can Lò Thị Thương là một trong những trường hợp như vậy. Nhưng đối với bác sĩ Lê Minh Trác và các y bác sĩ ở đây hầu như không quan tâm bố mẹ các cháu là ai. Không chỉ bởi các cháu được chăm sóc cách ly trong môi trường đặc biệt, mà còn bởi cứu sống được các cháu là trách nhiệm được các y bác sĩ ở đây đặt lên hàng đầu.
Bác sĩ Lê Minh Trác tâm sự, không riêng gì con của các bà mẹ phạm tội, mà các cháu bị mẹ bỏ rơi hoặc mẹ có HIV đều được điều trị, không phân biệt. Nhớ lại hoàn cảnh của cháu Lò Thị Thêm, bác sĩ Trác cho biết, khi sinh ra, cháu rất non tháng, bị suy hô hấp nên phải thở máy. Cơ quan Công an thông báo mẹ cháu thuộc diện quản thúc đặc biệt, còn người nhà thì không có. Bằng nhiều thủ thuật, các bác sĩ đã cứu sống cháu. Trong suốt hơn 2 tháng cháu ở Trung tâm không có người nhà thăm nom. Chỉ có các đồng chí Công an vào thăm cháu, hỏi han tình hình sức khỏe của cháu hàng ngày.
3. Trung tá Trần Thị Thanh Hương – Đội phó Đội 5 Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội kể: Sau khi Lò Thị Thương sinh con, hồ sơ vụ án được chuyển tới đơn vị để thụ lý điều tra theo thẩm quyền. Hồ sơ được giao cho 2 nam điều tra viên trẻ là Lê Tuấn Linh và Lê Văn Minh. Đều chưa có gia đình, hai anh chàng khá lóng ngóng khi phải xử lý những công việc liên quan đến đứa trẻ. Chỉ riêng chuyện trai chưa vợ mà hàng ngày phải ra vào Bệnh viện Phụ sản, cũng khá là ngại ngùng.
Là người chị cả trong đơn vị, Trung tá Trần Thị Thanh Hương đã chủ động vào bệnh viện hỗ trợ cho 2 đồng nghiệp. Chị bảo, hôm đầu có một người họ hàng xa đến bệnh viện nhận chăm em bé, sau đó không hiểu vì lý do gì không đến nữa. Bố cháu bé, phần vì ở xa mãi tận Điện Biên, phần vì em bé sinh non chưa thể đón về nhà chăm sóc, phần có thể vì giận vợ bỏ nhà xuống Hà Nội nên mặc dù cơ quan Công an đã liên hệ nhưng cũng chưa thấy đâu.
“Các bé khác đều có bố mẹ, người nhà thăm nom, còn bé Thêm thì không có ai, thương lắm” – nữ Trung tá rớm nước mắt kể chuyện. Chị bảo những lúc vào thăm bé Thêm, chị lại nhớ những ngày ôm ấp, bế bồng, cưng nựng con mình, càng thương em bé nhiều hơn. Do bé Thêm là trường hợp đặc biệt nên khi cán bộ Công an vào thăm đều được đặc cách đưa vào buồng bệnh để ghi nhận tình trạng sức khỏe của cháu bé. Những tuần đầu, bé Thêm nằm trong lồng kính. Đến khi đã tự thở được và được chuyển ra ngoài lồng ấp, mỗi lần vào thăm, Trung tá Hương lại tranh thủ xin bế cháu, mong muốn bù đắp phần nào sự thiệt thòi cho cháu khi không có bố mẹ ở bên.
Sau 2 tháng được chăm sóc đặc biệt, bé Lò Thị Thêm đã cứng cáp, khỏe mạnh. Giờ là lúc cháu cần nhận được vòng tay yêu thương của người thân. Nếu gia đình không nhận cháu về, theo quy định cháu sẽ được đưa vào trại bảo trợ xã hội chăm sóc. Trong lúc mọi việc ở bệnh viện đã có Trung tá Trần Thị Thanh Hương lo liệu, hai điều tra viên Lê Tuấn Linh và Lê Văn Minh quyết định lên đường đi Điện Biên để gặp gỡ, thuyết phục bố cháu bé.
Đón xe khách đúng thời điểm mưa lớn, con đường lên Tây Bắc sạt lở nghiêm trọng. Nhưng vì tương lai của cháu nhỏ, mưa cũng không cản được những bước chân của hai điều tra viên trẻ. “Chúng tôi đưa cháu vào trại trẻ mồ côi trong khi vẫn có cả bố và mẹ thì anh nghĩ sao?”. Trước câu hỏi của điều tra viên, bố cháu bé suy nghĩ rồi đồng ý sẽ chọn ngày xuống Hà Nội đón con.
Hay tin người bố xuống đón con, Trung tá Trần Thị Thanh Hương và 2 điều tra viên vội bỏ dở công việc cơ quan để vào bệnh viện. Thấy ông bố tay không đón con, Trung tá Hương vội chạy ra cổng bệnh viện, mua hộp sữa dành cho trẻ sơ sinh cùng mấy bộ quần áo cho cháu bé. Trong lúc đó, hai điều tra viên nam chạy đi làm các thủ tục ra viện giúp ông bố. Không kịp cảm ơn các bác sĩ và các cán bộ Công an, ông bố trẻ bế con ra về cho kịp chuyến xe.
...Ngày 31-8-2018, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lò Thị Thương về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Lò Thị Thương bị tuyên phạt tù chung thân. “Hi vọng Thương sẽ cải tạo tốt, được giảm án để sớm trở về chăm con, bù đắp thiệt thòi của cháu bé. Chúng tôi chỉ mong có vậy” – Trung tá Trần Thị Thanh Hương chia sẻ. Rồi chị phấn khởi cho biết, phía Bệnh viện Phụ sản thông báo đã liên hệ với gia đình, cháu bé khỏe mạnh, tăng cân như những đứa trẻ bình thường. Tôi thấy niềm vui đong đầy trong ánh mắt chị.
Theo Hương Vũ
An ninh thế giới