Nỗi niềm đón Tết ở trại giam
(Dân trí) - Họ mang trên mình bản án của pháp luật nhưng trĩu nặng trong tim là nỗi ân hận, day dứt bởi những hệ lụy đã gây ra cho gia đình, người thân. Tết, đối với họ là những đắng đót với nhiều nỗi niềm sâu kín.
“Tết là thời khắc gia đình sum họp nên các phạm nhân thường hay có nhiều biến động về tâm lý. Nắm bắt tâm tư của các anh chị phạm nhân, chúng tôi cố gắng tổ chức đón Tết tươm tất hơn. Ngoài chế độ ăn gấp 5 lần ngày thường theo quy định đối với tất cả hơn 1.000 can phạm nhân, Trại cũng tổ chức bữa cơm tất niên cho gần 140 phạm nhân đang thi hành án tại đây với các món ăn truyền thống, giúp các phạm nhân vơi đi nỗi nhớ nhà, yên tâm cải tạo.
Ngoài ra, vào đêm Giao thừa, Ban giám thị phân công nhau trực tiếp chúc Tết ở từng phân trại. Vào những ngày nghỉ Tết, các phân trại cũng tổ chức cho phạm nhân tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao…”, Thượng tá Đào Văn Khôi – Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cho biết về công tác chuẩn bị đón Tết cho các can phạm nhân.
Hoàng Thị H.Y (quê Thanh Chương, Nghệ An) là phạm nhân trẻ tuổi nhất đang thi hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Năm nay Y. vừa tròn 17 tuổi. Đây cũng là lần đầu tiên Y. phải đón Tết xa nhà.
Cha mẹ làm nông, nhà có 4 chị em, Y. là con cả. Gắng đến lớp 9 rồi bỏ học, Y. tụ tập với đám bạn xấu chơi bời. Một lần, Y. cùng bạn dàn cảnh mua hàng để trộm tiền của chủ quán tạp hóa, bị camera an ninh ghi lại được. Công an nhanh chóng lần ra thủ phạm, Y. bị bắt. Mức án 4 tháng tù không phải là dài nhưng với một đứa trẻ chưa trưởng thành như Y. là cú sốc lớn.
Nhìn thấy các phạm nhân khác đang trang trí cành đào, Y. reo lên “Ơ, ở đây cũng có đèn nháy kìa!” rồi cười thích thú. “Em tưởng tượng đón Tết ở trại giam buồn và thiếu thốn nhiều lắm. Không ngờ các cán bộ quản giáo và Ban giám thị lại chuẩn bị chu đáo như thế này. Các anh chị vào trước còn bảo Giao thừa được Ban giám thị đi chúc Tết, có cả lì xì bằng kẹo nữa. Ở nhà, từng này tuổi em vẫn được bố mẹ lì xì đấy”, Y. chợt chùng xuống khi nhớ ra Tết này không thể về…
70 tuổi, ông Nguyễn Ngọc L. (quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) còn phải nếm cảnh tù tội. Ông L. bị tuyên phạt 48 tháng tù giam về tội lừa đảo mà theo ông, chỉ là do “giúp” người ta chạy nâng hạng thương binh. Chặng đường trả án của nam phạm nhân này mới đi qua được nửa năm. 70 tuổi, đây là lần đầu tiên ông không được đón Tết cùng vợ con.
“Hôm rồi bà ấy vào thăm, tôi chỉ được nhìn qua tấm kính chắn. Bà ấy gầy quá, thương lắm. Giá mà không vướng phải cảnh này, bà nhà tôi không già nhanh như thế, bà ấy kém tôi 7 tuổi đấy. Năm nay tôi không ở nhà, chắc cũng không ai gói bánh chưng cho, bà ấy gửi người ta mấy cặp bánh để cúng tổ tiên thôi. Vả lại, chắc cũng không ai có tâm trạng mà đón Tết”, phạm nhân L. trầm ngâm.
Ông nhờ tôi chụp bức ảnh để đăng báo, đặng vợ con biết ông vẫn khỏe mạnh mà yên tâm. “Chị cho tôi nhắn với bà ấy với các con là trong này tôi vẫn được ăn Tết, Ban giám thị với cán bộ quản giáo chuẩn bị cho chu đáo cả. Nhắn với bà nhà tôi là tôi đang cải tạo rất tốt, chắc sẽ được ra sớm thôi”.
Những ngày cận Tết, phạm nhân Vi Văn T. (SN 1992, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) bận rộn hơn bởi đội bếp phải lo cơm nước cho hơn 1.000 con người với định mức theo quy định là gấp 5 ngày thường. Sự bận rộn khiến T. vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ cô con gái 5 tuổi của mình.
Lấy vợ, sinh con được 2 tháng thì T. đi làm xa. Về một thời gian ngắn thì bị bắt vì liên quan đến một đường dây mua bán người, khi đó con gái mới được hơn 3 tuổi. Đây là cái Tết thứ 2 của T. ở trại giam. Nhà T. xuống trại giam cũng ngót nghét 300 cây số, thành thử năm vài bận vợ mới có thể xuống thăm, tiếp tế cho. Đường xa ngái, vả lại con còn nhỏ nên từ hôm bị bắt tới nay T. chưa được gặp lại con nên cũng không tưởng tượng được giờ con đã lớn như thế nào.
“Tính thời gian em ở với con cũng chỉ được mấy tháng thôi chị ạ. Hồi ở ngoài, cứ nghĩ mọi chuyện đơn giản lắm, vào đây rồi, nhiều đêm nhớ con, thương con phát khóc, muốn ôm con cũng không thể được. Em còn 2 cái Tết nữa mới được về, không biết lúc đó nó có còn nhận ra em không chị nhỉ?”, T. hỏi rồi với tay rót một cốc nước chè xanh. Cốc nước nóng bốc khói nghi ngút khiến khuôn mặt T. nhòa đi.
Hoàng Lam