Nỗi ám ảnh của chủ tọa xét xử vụ án nam sinh lớp 11 sát hại bé 5 tuổi
(Dân trí) - “Mỗi vụ án liên quan đến tội xâm hại tính mạng, sức khỏe người khác đều có một đặc tính riêng nhưng vụ án này để lại cho tôi nhiều ám ảnh và rất buồn”- thẩm phán Võ Thạch Hùng chia sẻ.
Phiên tòa xét xử vụ án Đào Ngọc Hoàng (SN 2003, trú tại xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) sát hại cháu bé Hồ Trần V. Đ. (5 tuổi, trú cùng địa phương) đã khép lại bằng bản án 15 năm tù dành cho kẻ thủ ác. Thế nhưng, hành vi phạm tội của bị cáo chưa đủ 17 tuổi không thôi ám ảnh người làm công tác xét xử, thân nhân bị hại và đông đảo người dân.
Án mạng trong rừng
Ngày 7/6, bé Hồ Trần V.Đ. (5 tuổi) đi chơi với Đào Ngọc Hoàng và không thấy về nhà. Gia đình báo công an và tổ chức tìm kiếm. Đến ngày 8/6, cơ quan chức năng tìm thấy thi thể cháu Đ. cạnh bờ suối, gần căn nhà hoang trong khu rừng thuộc xã Lăng Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) và cách nhà gần 10km.
Nguyên nhân tử vong của cháu Đ. được xác định là do bị ngạt, chẹn đường hô hấp. Nạn nhân đã bị trói tay, chân, mặt, mũi, cổ bằng 8,5m băng dính.
Ngày 9/6, Đào Ngọc Hoàng thừa nhận đã gây nên cái chết cho cháu bé.
Hồ sơ thể hiện, Hoàng đã trói, bịt bắt cháu bé bằng băng dính, vải cắt từ găng tay, ống tay áo để chơi trò bịt mắt đoán đồ ăn. Sau đó, Hoàng để cháu ở lại trong rừng một mình. Chiều cùng ngày, Hoàng có vào chỗ nạn nhân, tiếp tục dùng băng dính, dây leo trong rừng để buộc cố định nạn nhân vào bụi cây, tránh cháu bé bị rơi xuống suối.
Ngày 8/6, Hoàng mang thức ăn, sữa vào chỗ cháu bé thì phát hiện nạn nhân đã tử vong. Nam thanh niên này đi về nhà cho đến khi bị công an triệu tập và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Học từ phim bắt cóc
Thẩm phán Võ Thạch Hùng - Chánh án tòa gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh Nghệ An được phân công chủ tọa phiên tòa xét xử Đào Ngọc Hoàng. Chính ông cũng bị ám ảnh khi nghiên cứu hồ sơ, đặc biệt là bản ảnh được chụp lại khi cơ quan chức năng thực hiện khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.
“Mỗi vụ án liên quan đến tội xâm hại tính mạng, sức khỏe người khác đều có một đặc tính riêng nhưng vụ án này để lại cho tôi nhiều ám ảnh và rất buồn. Ám ảnh vì cái chết của nạn nhân. Bé mới chỉ 5 tuổi, quá non nớt, tin tưởng vào anh và không hiểu vì sao mình chết sau khi chơi trò chơi với anh. Người phạm tội chưa hoàn thiện về nhân cách, nhận thức xã hội.
Quá trình điều tra, xét xử, bị cáo khai nhận không có động cơ giết người. Khi chơi trò chơi bịt mắt đoán thức ăn, Hoàng nảy sinh ý định bắt cóc nhằm đòi tiền chuộc từ gia đình cháu Đ. số tiền từ 11-12 triệu đồng để tiêu xài cá nhân. Khi cháu Đ. mất tích, bị gia đình nạn nhân hỏi và công an mời lên làm việc, Đào Ngọc Hoàng sợ quá, ý thức là để vài ngay sau im ắng mới đưa cháu Đ. về mà không nghĩ đến hậu quả hành vi của mình gây nên cái chết cho nạn nhân”, thẩm phán Võ Thạch Hùng phân tích.
Ngay khi vụ án xảy ra, cơ quan chức năng đã trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Đào Ngọc Hoàng để lý giải nguyên nhân phạm tội nhưng kết quả cho thấy bị cáo hoàn toàn bình thường về mặt nhận thức. Việc sử dụng băng dính để trói nạn nhân được Hoàng khai là học theo một số bộ phim về bắt cóc đòi tiền chuộc đã từng được xem.
Theo thẩm phán Võ Thạch Hùng, đây là vụ án thuộc trường hợp cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả. Quá trình điều tra, xét xử đều thể hiện mong muốn ban đầu của Hoàng là không để cháu Đ. chết mà mục đích đòi tiền chuộc. Thậm chí, bị cáo này còn có kế hoạch khi căng thẳng sẽ đi tìm và đưa cháu Đ. như để “lập thành tích”. Tuy nhiên, hành vi bị cáo thực hiện quá nguy hiểm, hành vi đó đã dẫn đến cái chết cho cháu Đ..
“Mức án này tất nhiên chưa thể thỏa mãn đối với người nhà cháu Đ., nỗi đau của họ cũng không dễ gì nguôi ngoai nhưng bản án được HĐXX đưa ra trên cơ sở cân nhắc toàn diện vụ án về tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo”, ông Hùng cho hay.