Những vụ kiện hi hữu do làm đẹp
Hiện nay, công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ với đủ các “chiêu trò” đã khiến con người đều có thể biến đổi như ý muốn từ hàm răng, mái tóc…đến những bộ phận “nhạy cảm”!. Tuy nhiên, không ít người thiếu may mắn đã phải sống dở, chết dở vì những tai nạn hi hữu khi làm đẹp.
Rước họa vì đi thẩm mỹ
Người xưa có câu “hàm răng mái tóc là góc con người” nên việc người dân sẵn sàng chi tiền đi thẩm mỹ để có một hàm răng như ý không còn là điều hiếm gặp. Người chi ít thì từ vài triệu đồng, người chi nhiều thì con số có thể lên tới cả trăm triệu đồng, bù lại nếu thành công thì kết quả sẽ được như…mơ.
Phiên tòa xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là anh Đàm Thảo (42 tuổi, Việt kiều Mỹ) và bị đơn là một bác sĩ nha khoa liên quan đến việc đòi bồi thường 28 cái răng bọc sứ diễn ra cách đây khá lâu, dù vậy mỗi khi nhắc đến người nghe đều không thể quên được bức xúc của anh với những tình huống bi hài.
Đầu năm 2011, anh Thảo từ Mỹ trở về nước với ý định tìm bác sĩ nha khoa có uy tín để chữa răng cho mình, do ở trong nước có nhiều cơ sở có uy tín mà giá thành lại rẻ hơn so với ở nước ngoài.
Anh cho biết, ngày 12/2/2011, anh đến phòng khám của bác sĩ Trần Xuân Thắng. Tại đây, hai bên thỏa thuận bác sĩ Thắng sẽ chữa trị bọc sứ 28 cái răng cho anh trong vòng 7 ngày với số tiền tổng cộng là 80 triệu đồng.
Hai bên thỏa thuận xong, anh đã giao tiền nhưng sau đó bác sĩ Thắng không trực tiếp chữa trị mà giao cho nhân viên của phòng khám.
Gần một tháng trôi qua, người nhân viên phòng khám mới chỉ bọc cho anh được 20 cái răng bằng sứ nhưng số răng này cũng không khớp với kích cỡ chân răng của anh nên gây ra đau nhức. Không chịu nổi những cơn đau, anh yêu cầu người nhân viên tháo ra hết sau đó mới gắn lại toàn bộ 28 cái.
Thật oái oăm khi vừa gắn xong 28 cái răng lần thứ hai thì đâu lại vào đó, những cơn đau buốt khủng khiếp khắp vùng đầu, vùng mặt lại xuất hiện.
Sau nhiều lần quay lại phòng khám đề nghị chỉnh sửa nhưng không gặp được bác sĩ Thắng nên anh buộc phải đến một phòng khám nha khác để chỉnh sửa để chấm dứt những cơn đau. Bức xúc vì mất cả trăm triệu đồng mà không được như ý, lại phải chịu đau đớn, anh đã làm đơn khởi kiện bác sĩ ra tòa đòi bồi thường.
Nâng ngực mất luôn núm vú
Trường hợp của anh Thảo không phải ngoại lệ. Cũng là nạn nhân do phẫu thuật thẩm mỹ, chị L. (Việt kiều Mỹ) còn phải trải qua cả sự đau đớn về thể xác lẫn tinh thần.
Cuối năm 2007, do có nhu cầu thẩm mỹ ngực, chị lên mạng tìm kiếm bác sĩ thẩm mỹ thì bắt gặp trang web của mỹ viện do bác sĩ H. làm chủ quảng cáo bác sĩ này có chuyên môn cao, trên 25 năm kinh nghiệm.
Bác sĩ H. đồng ý với khoản chi phí 2.000 USD, chưa kể khoản bồi dưỡng cho nhân viên phụ mổ. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật ít ngày, chị L. không thấy bộ ngực mình đẹp hơn trước mà còn tệ hơn rất nhiều, núm vú bên phải sưng tấy và đen như mực.
Gần nửa tháng trôi qua vết mổ không lành mà trở nên bung bét, hở hết phần vừa cắt chỉ, thậm chí nhìn thấy cả túi nước đặt bên trong.
Sau khi mổ lại lần hai, vết mổ vẫn hở và chảy nước nên đành phải lấy túi nước ra. Sau thời gian dài nằm viện, chị L. trở lại Mỹ với bộ ngực phẳng lỳ, chằng chịt những vết sẹo, núm vú bên phải tự rơi ra, xếp loại tỷ lệ thương tật 16%.
Quá phẫn nộ trước sự thất bại của ca phẫu thuật dẫn đến những thiệt thòi về thể chất và đời sống tinh thần của mình, cuối năm 2008, chị L. quay lại Việt Nam đề nghị bác sĩ H. bồi thường.
Không được chấp nhận nên sau đó chị khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường 330 triệu đồng gồm tiền thuốc men điều trị, tổn thất tinh thần, chi phí đi lại...
Chờ được “vạ” thì má đã sưng!
Đối với những trường hợp trên, cực chẳng đã các “nạn nhân” mới phải khởi kiện ra tòa bởi để theo đuổi một vụ kiện đòi hỏi tốn kém về mặt thời gian, tiền bạc cũng như chi phí đi lại.
Thế nhưng không phải yêu cầu nào cũng được chấp nhận vì họ không thể chứng minh được phần lỗi thuộc về đối phương. Trong khi đó, mỗi khi đi thẩm mỹ, chẳng mấy ai tiên liệu những tình huống oái oăm sau này.
Tại tòa, trong phần trình bày, anh Đàm Thảo chỉ đề nghị bác sĩ Thắng bồi thường 50 triệu đồng nhưng vị bác sĩ này vẫn không chấp nhận. Trong khi anh Thảo cho biết bác sĩ Thắng là người ký hợp đồng nhưng sau đó không thực hiện mà giao cho nhân viên làm, trong khi bác sĩ Thắng cho rằng chính tay mình đã chỉnh sửa răng cho khách, không có chuyện giao lại cho người khác.
Người nhân viên phòng nha đương nhiên đồng tình với phần trình bày của bác sĩ…Chẳng có chứng cứ nào chứng minh cho lý lẽ của mình nên anh Thảo đành là người thua cuộc.
Đứng trước hành lang phòng xử, anh bức xúc trình bày: “Tôi bỏ tiền ra gắn răng để thẩm mỹ, đảm bảo sức khỏe nhưng họ lại tỏ ra thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng hợp đồng, để cho người không có bằng cấp, chuyên môn làm làm tôi đau đớn, mất thời gian công sức theo đuổi vụ việc cho tới nay. Lúc đi thẩm mỹ, bác sĩ nói sao nghe vậy, ai mà lường trước được sự việc hôm nay?”.
Hiểu được nỗi bức xúc của anh nhưng nguyên tắc xét xử dựa trên chứng cứ vốn được coi trọng, anh trình bày một đường, bác sĩ và nhân viên một phe lại trình bày một nẻo, giấy tờ ký kết bác sĩ là người đứng tên hỏi sao anh có thể là người thắng cuộc?
Đối với trường hợp của chị L., tháng 9/2008, chị nộp đơn khởi kiện bác sĩ ra tòa. Thế nhưng vì những lý do khách quan, năm 2011 vụ kiện mới được đưa ra xét xử. Tại tòa, chị L. đã không thể che giấu được cảm xúc về sự thiệt thòi, mất mát của mình.
Từ sau khi mang bộ ngực như đàn ông, thiên chức làm mẹ, làm người phụ nữ của chị bị ảnh hưởng kéo theo những thay đổi trong đời sống tinh thần…
Sau khi xem xét hồ sơ, chứng cứ, tòa buộc bác sĩ H. phải bồi thường cho chị L. tổng cộng trên 223 triệu đồng. Không đồng tình với phán quyết trên, bác sĩ H. đã làm đơn kháng cáo.
Đến nay, vụ kiện vẫn chưa được đưa ra xét xử tại phiên tòa phúc thẩm nên đó chưa phải là phán quyết cuối cùng. Dù thắng hay thua thì chắc chắn thiệt thòi của chị L. sẽ không gì bù đắp nổi. Tất cả sẽ còn phải chờ đợi, và có lẽ chờ được “vạ” thì má đã sưng!