1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Những tình huống pháp lý trong vụ nữ phạm nhân trốn trại ở Nghệ An

Hoàng Lam

(Dân trí) - Trốn khỏi nơi giam, giữ là hành vi gây nguy hiểm cho trật tự an toàn xã hội, an toàn của người dân.

Ngày 12/6, nữ phạm nhân Lê Thị Hiền (24 tuổi, quê huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) trốn khỏi Trại giam số 6 - Bộ Công an (đóng tại Nghệ An). Khuya cùng ngày, các lực lượng chức năng phối hợp chính quyền địa phương truy bắt thành công Lê Thị Hiền khi nữ phạm nhân đang lẩn trốn tại địa bàn xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Lê Thị Hiền đang thi hành bản án 42 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quyết định thi hành án của Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa ngày 20/2/2023. Nữ phạm nhân này được chuyển đến Trại giam số 6 (đóng tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương) để chấp hành án vào ngày 28/8/2023.

Những tình huống pháp lý trong vụ nữ phạm nhân trốn trại ở Nghệ An - 1

Thông tin về nữ phạm nhân Lê Thị Hiền (Ảnh: N.M).

Như vậy, tính đến thời điểm bỏ trốn, Lê Thị Hiền đã chấp hành bản án được 16 tháng, đang còn phải tiếp tục chấp hành 26 tháng tù.

Theo luật sư Nguyễn Thị Anh (Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An), trốn khỏi nơi giam, giữ là hành vi gây nguy hiểm cho trật tự an toàn xã hội, an toàn của người dân.

"Phạm nhân Lê Thị Hiền thực hiện hành vi trốn khỏi trại giam trong quá trình chấp hành án có thể đối mặt với tội danh Trốn khỏi nơi giam, được quy định tại Điều 386 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó chị Hiền có thể đối mặt với mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm", luật sư Anh cho biết.

Theo luật sư, trong quá trình điều tra nếu phát hiện phạm tội có tổ chức hoặc dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc áp giải, phạm nhân Lê Thị Hiền có thể bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Những tình huống pháp lý trong vụ nữ phạm nhân trốn trại ở Nghệ An - 2

Luật sư Nguyễn Thị Anh (Ảnh: H. L).

Trong quá trình xét xử tội danh Trốn khỏi nơi giam, căn cứ theo Điều 56 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 khi xét xử tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước và quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước sẽ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

Luật sư Nguyễn Thị Anh cũng cho rằng, quá trình điều tra phải làm rõ trách nhiệm của từng vị trí quản lý, canh gác, áp giải… tại Trại giam số 6 để xác định có cán bộ nào phạm tội không, nếu có vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 376 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội Thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn.

"Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn có những chính sách đặc xá được thực hiện trong những sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của Việt Nam hoặc trong trường hợp đặc biệt. Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện thường xuyên và định kỳ 3 lần/năm vào các đợt Tết Nguyên đán, 30/4 và 2/9.

Vì vậy, phạm nhân đang chấp hành án phải tích cực thi đua học tập, lao động cải tạo, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để sớm đủ điều kiện đặc xá, tái hòa nhập cộng đồng, tuyệt đối không được có suy nghĩ, toan tính bỏ trốn khỏi nơi giam giữ", luật sư Nguyễn Thị Anh khuyến cáo.