Những tài sản bị Bộ Công an kê biên trong vụ AIC trúng gói thầu số 8
(Dân trí) - Bộ Công an đã kê biên tài sản của 3 bị can trong vụ án AIC trúng gói thầu số 8 tại Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, các bị can cũng chủ động nộp hơn 1,2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Trong vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông - Bộ TTTT), Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và các đơn vị có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành thu hồi tài sản của một số bị can.
Cụ thể, theo kết luận điều tra, Bộ Công an đã kê biên một căn hộ ở đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) của cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Nguyễn Trọng Đường.
Bị can Ngô Quang Huy, cựu Phó Chánh văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông, bị cơ quan điều tra kê biên một căn hộ ở phố Đại Cồ Việt (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Bộ Công an cũng kê biên một thửa đất ở xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) của Nguyễn Vũ Cường, Giám đốc Công ty Khang Phát.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra ghi nhận tổng hơn 1,2 tỷ đồng được các bị can chủ động nộp để khắc phục hậu quả. Trong đó, ông Nguyễn Trọng Đường 6 lần được vợ nộp, tổng 600 triệu đồng; Nguyễn Văn Thế (Trưởng ban KT7 Công ty AIC) cũng được vợ nộp 100 triệu đồng.
Đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) do vẫn đang bỏ trốn nên chưa được ghi nhận nộp tiền khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã thực hiện kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản liên quan đến các vụ án khác đã khởi tố trước, để đảm bảo thi hành án, thu hồi tài sản Nhà nước.
Theo kết luận điều tra, từ giai đoạn Công ty VNCERT (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) xây dựng danh mục trang thiết bị và phần mềm của Dự án mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối Internet quốc tế (viết tắt là Dự án), bà Nhàn đã chỉ đạo Nguyễn Văn Thế phối hợp với VNCERT để đưa ra các hãng bán hàng giới thiệu sản phẩm, xác định nhu cầu mua sắm của chủ đầu tư.
Từ đó, AIC đàm phán giá đầu ra với các hãng bán hàng để thống nhất giá dự toán, đảm bảo AIC được lợi nhuận 40% và được định hướng là đơn vị sẽ trúng thầu cung cấp trang thiết bị.
Sau khi chủ đầu tư triển khai các bước xin phê duyệt, hợp thức các bước tư vấn dựa trên danh mục và giá thiết bị đã thống nhất giữa Công ty AIC và chủ đầu tư, bà Nhàn tiếp tục chỉ đạo cấp dưới thiết lập "quân xanh", "quân đỏ" để dự thầu với mục đích để AIC trúng gói thầu số 8.
Cơ quan điều tra cáo buộc cựu Phó Vụ trưởng Nguyễn Trọng Đường - người đại diện chủ đầu tư - đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia vào tất cả giai đoạn, từ đó AIC trúng gói thầu số 8.
Theo kết luận điều tra, hành vi của bà Nhàn và các bị can đã gây thiệt hại hơn 17 tỷ đồng cho Nhà nước.