1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Những chuyến xe chở hàng trăm nghìn tỷ đồng bí mật rời SCB

Hải Nam

(Dân trí) - Từ ngày 26/2/2019 đến ngày 12/9/2022, Dũng đã vận chuyển 108.878 tỷ đồng và gần 14,8 triệu USD từ SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nhà bà Trương Mỹ Lan...

Trong kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cáo buộc bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) thâu tóm, sở hữu phần lớn cổ phần SCB để dễ dàng "sắp xếp" dàn lãnh đạo, bộ máy của ngân hàng này.

Theo đó, với hơn 1.394 triệu cổ phần, tương đương 91,536% vốn điều lệ sở hữu hoặc chi phối, bà Lan đã đưa người của mình vào các vị trí chủ chốt của SCB như hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, giám đốc các chi nhánh lớn, trưởng ban kiểm soát.

Từ đó, bà Lan dễ dàng thông qua những cá nhân trên để điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB.

Những chuyến xe chở hàng trăm nghìn tỷ đồng bí mật rời SCB - 1

Bà Trương Mỹ Lan (Ảnh: H.N.).

Chọn người "hiền, không quậy phá" làm Chủ tịch SCB

Lời khai của bà Lan thể hiện, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát là người đồng ý để Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành và Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch HĐQT SCB qua các thời kỳ. Trong đó, lý do ông Bùi Anh Dũng được bà Lan lựa chọn là "hiền, không quậy phá, được lòng người".

Với vị trí Phó Chủ tịch HĐQT SCB, bà Lan kéo bị can Trầm Thích Tồn từ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Đại Trường Sơn đến làm thành viên HĐQT SCB (trước hợp nhất) và cuối cùng là trở thành Phó Chủ tịch HĐQT SCB sau khi việc hợp nhất hoàn thành.

Đối với ban điều hành SCB, bà Lan lựa chọn Võ Tấn Hoàng Văn làm Phó Tổng giám đốc, sau đó là Tổng Giám đốc.

Sau khi Văn nghỉ, bà Lan cho Hoàng Minh Hoàn làm quyền Tổng Giám đốc SCB nhưng bị can này xin nghỉ sau một tháng vì áp lực công việc. Vị trí này sau đó được giao cho Trương Khánh Hoàng, theo đề xuất của Đinh Văn Thành.

Bí mật ký hiệu "HSTT" trên hồ sơ vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Theo kết luận điều tra, mỗi khi gặp khó khăn về tiền để trả cho các khoản vay trước ở SCB, người đứng đầu ngân hàng từng thời kỳ sẽ báo cho bà Lan biết để tìm phương án xử lý.

Phương án của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát là đi gặp bạn bè để mượn tài sản (hoặc dự án) hoặc sử dụng tài sản của mình làm tài sản đảm bảo, đưa vào SCB vay tiền để trả cho các khoản vay trước.

Các tài sản trên thường không đủ giá trị để đảm bảo cho khoản vay. Tuy nhiên, các bị can xử lý bằng cách thuê thẩm định giá nâng giá trị tài sản.

Bà Trương Mỹ Lan khai tiền giải ngân các khoản vay trên được sử dụng vào việc trả nợ gốc, lãi các khoản vay trước; trả nợ vay cho bạn bè người thân của bà Lan; trả chi phí cho các hoạt động của SCB; trả tiền mua lại các dự án (thường là các dự án đã mượn để thế chấp rồi mua lại); trả tiền gốc, lãi trái phiếu; trả công cho những người đứng tên hộ công ty, các khoản vay, tài sản...

Những chuyến xe chở hàng trăm nghìn tỷ đồng bí mật rời SCB - 2

Bị can Bùi Anh Dũng (Ảnh: SCB).

Theo lời khai của ông Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), các khoản vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều có điểm chung là chỉ ký hợp thức hồ sơ, thủ tục cho vay để giải ngân, rút tiền theo chỉ đạo của bà Lan.

Thực tế, các đơn vị tại SCB không thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn. 

"Các khoản cho vay đối với nhóm khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan, trên hệ thống dữ liệu "Core Banking" của Ngân hàng SCB được tạo thêm trường dữ liệu ký hiệu là "HSTT", để ghi chú khách hàng, phục vụ việc theo dõi, thống kê và phê duyệt cho vay, bỏ qua quy trình cho vay thông thường", kết luận điều tra nêu.

Về ký hiệu "HSTT", lời khai của Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) cho biết, nghĩa là "Hội sở tiếp thị".

Theo Văn, để tránh sự kiểm tra giám sát hoạt động cho vay tại các chi nhánh SCB, bà Lan chỉ đạo thành lập các đơn vị cho vay mới tại Hội sở SCB để giải quyết các khoản vay theo yêu cầu của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát.

Ngày 6/3/2020, Văn ký tờ trình đề xuất Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB khi đó) ký quyết định thành lập: Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale; Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối doanh nghiệp; Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân.

Ba đơn vị trên có đặc điểm khác với các chi nhánh thông thường của SCB: Là các đơn vị trực thuộc quản lý điều hành của Hội sở SCB; Không có con dấu riêng mà sử dụng con dấu của đơn vị khác; Không có bộ phận kho quỹ riêng. 

Sau khi thành lập, 3 đơn vị này là bộ phận chuyên thực hiện các hồ sơ vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Những chuyến xe chở tiền

Theo kết luận điều tra, để hợp thức việc rút tiền, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền, bà Lan chỉ đạo các bị can tại SCB và Vạn Thịnh Phát sử dụng các phương án vay vốn khống thực hiện giải ngân, chuyển tiền vào các tài khoản của những cá nhân, pháp nhân "ma" hoặc cho họ rút tiền mặt để "cắt đứt dòng tiền".

Khi cần sử dụng ngay một số tiền mặt, bà Lan chỉ đạo Bùi Văn Dũng (lái xe riêng) đến SCB chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền. Cùng lúc đó, nhân viên SCB sẽ liên hệ với người của Vạn Thịnh Phát yêu cầu cung cấp pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền... lập phiếu chi và các thủ tục để hoàn tất nghiệp vụ rút tiền mặt.

Sau đó, những cá nhân/đại diện pháp nhân "ma" sẽ đến ngân hàng để ký chứng từ rút tiền. Tiền mặt sẽ được xuất khỏi quỹ, giao cho Dũng.

Tài xế của bà Lan sau đó sẽ chở tiền về nhà Chủ tịch Vạn Thịnh Phát ở tòa nhà Sherwood (quận 3, TPHCM), giao cho một cá nhân tên Trần Thị Hoàng Uyên. 

Uyên theo chỉ đạo của bà Lan giao tiền cho những người đến nhận và không lưu trữ, ghi chép gì về người nhận tiền.

Một phương thức khác được nêu trong kết luận điều tra là Dũng sẽ chở tiền từ ngân hàng về trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở số 193-203 Trần Hưng Đạo (quận 1 TPHCM), giao theo chỉ đạo của bà Lan hoặc chuyển tiền trực tiếp cho các cá nhân mà bà Lan yêu cầu.

Kết quả điều tra xác định, từ ngày 26/2/2019 đến ngày 12/9/2022, Dũng đã vận chuyển khoảng 108.878 tỷ đồng và hơn 14,757 triệu USD từ SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhà của bà Lan hoặc đưa, giao cho một số cá nhân theo chỉ đạo của nữ chủ tịch tập đoàn.

Dòng sự kiện: Vụ án Vạn Thịnh Phát