1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Những bức thư phác họa tính cách kẻ đánh bom nhà thờ ở Mỹ

Nguyễn Loan

(Dân trí) - Những bức thư của Chambliss thể hiện sự đa nghi và luôn khát khao tự do, rời khỏi nhà tù. Nhờ những bức thư này, các quản lý nhà tù hiểu được ý đồ trốn tù của Chambliss.

Vụ đánh bom đẫm máu và cuộc điều tra bế tắc

Ngày 15/9/1963, một vụ nổ bom dữ dội xé toạc bức tường của Nhà thờ Baptist phố 16, thành phố Birmingham (Mỹ). Vụ đánh bom thổi bay 4 bé gái người Mỹ gốc Phi lên không trung, tử vong thương tâm, đồng thời hơn 20 người trong nhà thờ bị thương.

Nạn nhân tử vong là Denise McNair (11 tuổi); Cynthia Wesley, Addie Mae Collins và Carol Robertson (cùng 14 tuổi).

Theo nhận định ban đầu, các đối tượng đánh bom nhà thờ nhằm thể hiện sự phân biệt chủng tộc với người da màu.

Những bức thư phác họa tính cách kẻ đánh bom nhà thờ ở Mỹ - 1

Hiện trường vụ đánh bom khiến 4 bé gái thiệt mạng (Ảnh: AP - FBI).

Văn phòng FBI ở thành phố Birmingham mở một cuộc điều tra khẩn cấp, các chuyên gia phá bom của FBI đến hiện trường ngay lập tức. Hàng chục đặc vụ FBI làm việc trong nhiều tháng liên tiếp để truy tìm thủ phạm đánh bom.

Một bản báo cáo của FBI ghi rằng: "FBI gần như "cày nát" Birmingham, phỏng vấn hàng nghìn người… Chúng tôi huy động toàn bộ máy ghi âm, máy giám sát, micrô và giám sát kỹ thuật… để truy tìm hung thủ".

Ban đầu, các nhà điều tra đưa ra giả thuyết đối tượng đi một xe ô tô biển số lạ ném bom vào nhà thờ. 

Nhưng đến ngày 20/9/1963, FBI xác nhận rằng vụ nổ là do một thiết bị được cài sẵn bên dưới các bậc thang trong nhà thờ, quả bom được giấu ở gần phòng chờ dành cho phụ nữ.

Năm 1965, FBI có danh sách những kẻ tình nghi là Robert E. Chambliss, Bobby Frank Cherry, Herman Frank Cash và Thomas E. Blanton, Jr., tất cả đều là thành viên nhóm KKK. 

Tại thời điểm này, khó khăn lớn nhất của cảnh sát là các nhân chứng không muốn ra mặt cung cấp thông tin và thiếu bằng chứng kết tội nghi phạm. Thời điểm đó, thông tin điều tra không được chấp nhận tại tòa án. Kết quả là không có cáo buộc nào về vụ nổ bom nói trên.

Bước ngoặt

Cuộc điều tra vụ đánh bom nhà thờ Baptist vẫn hoàn toàn bế tắc cho đến khi William Baxley được bầu làm Tổng chưởng lý thành phố Birmingham vào tháng 1/1971. Trong vòng một tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức, Baxley đã nghiên cứu các hồ sơ ban đầu của cảnh sát về vụ đánh bom, chính thức mở lại vụ án. Thời gian này, nỗi sợ hãi, định kiến và sự dè dặt của các nhân chứng vụ đánh bom đã giảm đi, nhiều người đã đứng ra cung cấp thông tin cho cảnh sát. 

Một số nhân chứng khẳng định Chambliss là người đặt quả bom bên dưới cầu thang của nhà thờ. Baxley cũng thu thập bằng chứng chứng minh Chambliss mua thuốc nổ từ một cửa hàng ở quận Jefferson. Từ đây Baxley mở một vụ án chống lại Robert Chambliss.

Sau khi yêu cầu quyền truy cập vào các hồ sơ điều tra vụ nổ bom của FBI, Tổng chưởng lý Baxley mới biết bằng chứng chống lại các nghi phạm được FBI thu thập từ năm 1963 đến năm 1965 không được tiết lộ cho các công tố viên địa phương ở Birmingham. 

Năm 1976, Baxley gặp phải sự phản đối mở lại vụ án từ FBI. Tuy nhiên sau khi công khai đe dọa sẽ vạch trần Bộ Tư pháp vì che giấu bằng chứng, dẫn đến việc chậm truy tố thủ phạm, Baxley được sử dụng các bằng chứng của vụ án.

Năm 1977, Robert Edward Chambliss bị kết tội Giết người cấp độ một và bị kết án tù chung thân vì gây ra cái chết của cô gái Carol Denise McNair, một trong 4 bé gái da đen thiệt mạng trong vụ đánh bom.

Lá thư tiết lộ tính cách của thủ lĩnh vụ đánh bom 

Chambliss được biết đến với biệt danh Dynamite Bob. Các công tố viên gọi anh ta là kẻ chế tạo bom chuyên nghiệp, chịu trách nhiệm về một số vụ tấn công có động cơ phân biệt chủng tộc ở thành phố Birmingham.

Chambliss thụ án chung thân trong phòng giam cô lập tại Cơ sở Cải huấn St. Clair ở thị trấn Odenville, bang Alabama, Hoa Kỳ. Vì sự thù hận, phân biệt chủng tộc của Chambliss, anh ta bị giam trong một phòng giam đặc biệt tách biệt với phạm nhân da đen.

Trong thời gian ngồi tù, Chambliss viết rất nhiều bức thư gửi cho gia đình mình. Hiện tại, những bức thư viết tay và những bức tranh của Chambliss được lưu giữ tại trung tâm của Cục Lưu trữ tại Thư viện công cộng Birmingham. 

Những bức thư phác họa tính cách kẻ đánh bom nhà thờ ở Mỹ - 2

Một nhà nghiên cứu tội phạm đang phân tích lá thư Robert Chambliss viết gửi gia đình (Ảnh: APR).

Một trong những bức thư viết tay Chambliss gửi cho vợ có nội dung như sau:

"Ngày 20 tháng 4 năm 1979, 

Chào Mommie, em nói với anh rằng em đã gọi cho thống đốc. Mommie, anh hỏi em lại một lần nữa, em đã nói chuyện với thống đốc chưa?

Em gọi cho luật sư của anh chưa? Luật sư nói gì?...

Hãy bảo Babby bé nhỏ của chúng ta viết cho anh một bức thư. Hãy viết và gửi thư của em và con cùng nhau để không tốn thêm bưu phí...".

Nhà nghiên cứu tội phạm Jim Baggett phân tích bức thư của kẻ đánh bom, đưa ra nhận xét: "Chambliss hoàn toàn tập trung vào bản thân trong những bức thư này. Anh ta thể hiện mình là nạn nhân và không thừa nhận bất kỳ sự liên quan nào trong các vụ đánh bom. Không có sự hối hận. Không nhận trách nhiệm nào cả".

Một bức thư khác Chamblis gửi cho vợ ngày 25/4/1979 có nội dung như sau:

"Anh không tin luật sư của mình… Họ đang làm gì với số tiền của anh? Luật sư nói số tiền sẽ được đưa vào ngân hàng quốc gia ở phía bắc Birmingham dưới tên của em.

Anh không thể ngủ ngon... Anh thường xuyên mất ngủ... Mommie ơi, liệu anh có thể ra ngoài được nữa hay không? Điều này khiến tâm trí mệt mỏi và muốn giết ai đó".

Những bức thư của Chambliss thể hiện sự đa nghi và luôn khát khao tự do, rời khỏi nhà tù. Nhờ những bức thư này, các quản lý nhà tù hiểu được ý đồ trốn tù của Chambliss.

Chambliss viết nhiều bức thư trong sáu năm sau đó, đồng thời luôn tìm cách vượt ngục trong suốt thời gian bị giam giữ, tuy nhiên chưa lần nào thành công.

Chambliss chết sau song sắt vào tháng 10/1985.

FBI tiếp tục điều tra và mở lại vụ án vào giữa những năm 1990, từ đó truy tố thêm 2 nghi phạm là Blanton và Cherry vào tháng 5/2000. Cả hai sau đó đều bị kết án tù chung thân.

Nghi phạm đánh bom thứ tư là Herman Frank Cash, qua đời năm 1994.

Vụ đánh bom nhà thờ Baptist Phố 16 tại thành phố Birmingham đánh dấu một bước ngoặt ở Hoa Kỳ trong phong trào dân quyền và góp phần ủng hộ việc Quốc hội thông qua Đạo luật Dân quyền năm 1964.

Theo Fbi, Newsweek, Apr