1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nhóm công chức "hô biến" đất công ở TPHCM thành đất tư

Xuân Duy

(Dân trí) - Nhóm công chức tại quận Tân Bình có các sai phạm trong việc chuyển đổi giấy chứng nhận nhà đất 318/82 Phạm Văn Hai từ sở hữu Nhà nước sang cá nhân làm chủ.

Sau hai ngày xét xử, sáng ngày 13/12, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thái Học (57 tuổi, ngụ TPHCM) 12 năm 6 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh này, bị cáo Võ Trung Dũng, công chức địa chính - xây dựng phường 5, quận Tân Bình, nhận mức án 12 năm tù.

Nhóm công chức hô biến đất công ở TPHCM thành đất tư - 1
Các bị cáo tại tòa (Ảnh: Thỏ Mộc).

HĐXX cũng tuyên phạt các bị cáo khác gồm: Nguyễn Văn Thuyết (cựu Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Bình) 3 năm tù; Trần Văn Tâm (cựu Trưởng phòng TNMT quận Tân Bình) 3 năm tù; Nguyễn Thanh Lâm (cựu Phó chủ tịch UBND phường 5, quận Tân Bình) 6 năm tù; Tống Sơn Vũ (Tổ phó tổ đăng ký và cấp giấy chứng nhận thuộc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Bình) 4 năm 6 tháng tù; Phạm Thị An Nương (chuyên viên phòng TNMT quận Tân Bình) 4 năm tù và Trần Anh Vũ (nhân viên Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Bình) 4 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Các bị cáo còn lại, trừ Phạm Thái Học, bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ trong lĩnh vực quản lý đất đai trong 3 năm.

Theo cáo trạng, nhà đất 318/82 Phạm Văn Hai do ông Nguyễn Văn Nhỡ sử dụng. Năm 1993, căn nhà được xác định thuộc diện vắng chủ do ông Nhỡ đi nước ngoài vào năm 1987, nên UBND TPHCM có quyết định xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với nhà đất này.

Sau khi xác lập căn nhà thuộc sở hữu Nhà nước, con gái ông Nhỡ là bà Nguyễn Thị Lan tiếp tục ở lại và ký hợp đồng thuê nhà ngắn hạn. UBND TPHCM giao UBND quận Tân Bình quản lý từ năm 1994 đến ngày 6/6/2013. Năm 2000, bà Lan xuất cảnh đi nước ngoài, nhà do con dâu bà Lan ở.

Tháng 9/2017, bị cáo Phạm Thái Học muốn mua lại căn nhà trên nên nhờ bị cáo Võ Trung Dũng hướng dẫn thực hiện thủ tục đứng tên trên giấy chứng nhận.

Theo hướng dẫn của Dũng, Học liên lạc với con gái ông Nhỡ tại Mỹ để thỏa thuận, mua căn nhà với giá 1,135 tỷ đồng vào ngày 22/11/2017. Học giao tiền cho bà Nguyễn Thị Bé để bà Bé chuyển tiền cho con gái ông Nhỡ.

Nhóm công chức hô biến đất công ở TPHCM thành đất tư - 2
Trong vụ án này có nhiều bị cáo đang được tại ngoại (Ảnh: Thỏ Mộc).

Năm 2018, Học đến UBND phường 5 làm thủ tục nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận. Hồ sơ do bị cáo Nguyễn Thanh Lâm phụ trách địa chính trực tiếp chỉ đạo, bị cáo Võ Trung Dũng tham mưu.

Cáo trạng nêu, bị cáo Dũng tham mưu cho ông Nguyễn Thanh Lâm ký văn bản xác nhận thời điểm, nguồn gốc sử dụng nhà đất như sau: Nhà đất 318/82 do ông Nhỡ tạo lập năm 1970 và chuyển nhượng bằng giấy tay cho ông Học từ tháng 11/2000, diện tích nhà 116,72m2, được sử dụng ổn định từ lúc tạo lập đến thời điểm đề nghị cấp giấy chứng nhận và không có tranh chấp, khiếu nại.

Khi hồ sơ đến Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận Tân Bình để làm thủ tục, mặc dù trong hồ sơ thể hiện sự khác nhau về diện tích nhà đất, quy mô, kết cấu xây dựng, buộc phải xác minh nhưng bị cáo không thực hiện; không yêu cầu UBND phường 5 làm rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng nhà đất từ ông Nhỡ, bà Lan, bà Thoa chuyển cho ông Học; đồng ý sử dụng các tài liệu không đủ điều kiện làm căn cứ nhận định, đánh giá đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.

Bị cáo Trần Anh Vũ xác định nhà đất 318/82 Phạm Văn Hai thuộc trường hợp đủ điều kiện cấp giấy, nhà không thuộc diện nhà nước quản lý. Bị cáo Tống Sơn Vũ ký nháy ở vị trí giám đốc chi nhánh, sau đó bị cáo Nguyễn Văn Thuyết đồng ý với nội dung tham mưu của Trần Anh Vũ ký duyệt, tờ trình xác định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cho Phạm Thái Học.

Ngày 16/8/2018, hồ sơ được chuyển đến Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Bình. Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường là bị cáo Phạm Thị An Nương tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, tiếp tục không yêu cầu văn phòng đăng ký đất đai xác minh, làm rõ nguồn gốc, sự khác biệt về diện tích, kết cấu nhà; sử dụng các tài liệu không đủ điều kiện, từ đó đồng ý với nội dung tờ trình của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

Trong ngày 16/8/2018, bị cáo Trần Văn Tâm căn cứ vào hồ sơ do bị cáo Nương đưa, đồng ý và đề xuất lãnh đạo UBND quận Tân Bình cấp giấy chứng nhận cho bị cáo Học. Hai ngày sau, ông Phạm Chí Hiếu tiếp nhận hồ sơ và ký duyệt giấy chứng nhận cấp cho bị cáo Học.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận, bị cáo Nguyễn Thái Học xây dựng căn nhà thành 1 trệt, 3 lầu, và thế chấp giấy chứng nhận cho Ngân hàng thương mại cổ phần chi nhánh Tân Thuận vay 4,7 tỷ đồng. Đến nay chưa giải chấp tài sản và gây thất thoát tài sản nhà nước là 14 tỷ đồng.