1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

“Nhiều vụ án có bức cung, nhục hình nhưng hồ sơ thì rất đẹp!“

Trung tướng Trần Văn Độ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, (ĐBQH An Giang) đã nói như vậy bên hành lang Quốc hội sáng 2.6 liên quan đến bức cung nhục hình trong khâu điều tra dẫn đến oan sai trong tố tụng.

Trung tướng Trần Văn Độ (Ảnh: HT)

Trung tướng Trần Văn Độ (Ảnh: HT)

Thưa ông, có ý kiến cho rằng để chống oan sai, đảm bảo quyền con người cũng như minh bạch hơn trong việc hỏi cung thì việc đầu tư các thiết bị ghi âm, ghi hình là cần thiết?

Tôi đồng tình việc đầu tư thiết bị ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, đó là việc làm cần thiết. Tất nhiên, không hẳn anh cứ đầu tư thiết bị ghi âm, ghi hình là có thể chống hoàn toàn bức cung, dùng nhục hình hay các hành động ép buộc khác, nhưng ít nhất đó là biện pháp chúng ta có thể thực hiện được. Đồng thời, ngoài người bào chữa (nếu có) thì sự có mặt của kiểm sát viên với tư cách kiểm sát điều tra là rất quan trọng. Thực tế hiện nay, ngoài bức cung, dùng nhục hình, điều tra viên có thể dùng thủ thuật hay biện pháp nghiệp vụ để bị can khai theo ý muốn của mình. Vì thế, nếu có sự xuất hiện của kiểm sát viên hay luật sư sẽ đảm bảo tối đa sự minh bạch, tránh oan sai.

Qua nhiều báo cáo cho thấy, oan sai xảy ra có nguyên nhân từ sự nóng vội, bệnh thành tích, kém chuyên môn nghiệp vụ… Ông nghĩ sao về các nguyên nhân này?

Trước đây chúng ta đề ra yêu cầu “không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội” còn nay, chúng ta hướng tới “không làm oan người vô tội nhưng cũng không để lọt tội phạm”. Đó là một sức ép vì để đạt cả 2 tiêu chí trên không phải dễ. Làm oan người vô tội đã không thể chấp nhận được rồi nhưng nếu để lọt tội phạm ở các vụ án giết người cướp tài sản... man rợ, chúng ta với tầng tầng lớp lớp các cơ quan để thực hiện mà không điều tra ra được, không đảm bảo bình yên cho xã hội thì cũng là có lỗi với nhân dân. Cho nên, cần phải nhìn nhận ở cả 2 góc độ để có sự thông cảm với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta thông cảm với các biện pháp trái pháp luật mà đụng chạm, ảnh hưởng tới quyền con người, quyền công dân.

Để xảy ra oan sai trong tố tụng, theo ông cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm?

Luật Bồi thường Nhà nước chúng ta quy định: “Cơ quan nào ra quyết định cuối cùng nếu oan sai thì phải chịu trách nhiệm bồi thường”. Còn trách nhiệm về chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, tôi nghĩ không đơn thuần là cơ quan cuối cùng mà phải là tất cả những người tham gia vụ án đó phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, có những vụ án người ta bức cung, nhục hình nhưng hồ sơ thì rất đẹp. Cho nên cũng cần thông cảm với nhiều thẩm phán khi cơ quan truy tố thì truy tố rồi mà hồ sơ thì không có dấu hiệu gì cả. Khi đưa ra tòa xử thì nhiều trường hợp bị cáo cũng không hề phản kháng gì nên cũng rất khó cho người ra phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa anh làm oan thì anh không phải chịu trách nhiệm, bởi vì đã làm việc với số mệnh con người thì phải rất cẩn trọng. Quan điểm của tôi là trước hết phải buộc được tội thì mới kết tội.

Thực tế, tỷ lệ oan sai không phải cao nhưng đều xảy ra ở khâu điều tra thưa ông?

Tôi không nghĩ điều đó sẽ làm “bó tay” cơ quan điều tra. Vì việc phát hiện, xử lý điều tra, xử lý tội phạm phải bằng con đường hợp pháp. Các biện pháp điều tra đều đã được bộ luật Tố tụng hình sự, các văn bản pháp luật quy định và cơ quan điều tra, điều tra viên cũng như các cơ quan tố tụng khác phải chấp hành. Còn nếu sử dụng các biện pháp ngoài tố tụng để đạt được mục đích thì tôi nghĩ nó không phù hợp với Nhà nước pháp quyền, không phù hợp với nguyên tắc pháp chế.

Trong chiến lược cải cách tư pháp, chúng ta lấy tranh tụng là khâu đột phá. Là người 30 năm gắn bó với ngành tòa án, ông có ý như thế nào về vấn đề này không?

Trước tiên cần hiểu, tranh tụng ở đây không phải chỉ diễn ra tại phiên tòa mà tranh tụng ở trong tất cả quá trình tố tụng, từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đến khi bản án có hiệu lực thi hành. Tôi đồng tình với quan điểm coi tranh tụng là khâu đột phá cải cách tư pháp. Một trong những vấn đề quan trọng là xác định sự thật vụ án. Để tìm ra sự thật khách quan đó thì phải có sự tranh luận giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Từ sự thật khách quan đó mà thẩm phán ra phán quyết.

Tuy nhiên phải thừa nhận, thói quen của nhiều thẩm phán hiện nay là dựa dẫm rất nhiều vào hồ sơ, nên khi ra tòa, quá trình tranh tụng cho ra kết quả khác đi là gặp lúng túng trong xử lý. Vì vậy, chúng ta muốn chuyển biến sang tranh tụng, muốn tranh tụng là khâu đột phá thì chúng ta phải đào tạo, tập huấn cán bộ, từ điều tra viên đến kiểm sát viên, thẩm phán. Đặc biệt, cần đào tạo đội ngũ thật đông đảo các luật sư có chất lượng.

Tòa án cũng phải làm quen dần với việc làm trọng tài, phải nghe ngóng từ cả bên buộc tội lẫn bên gỡ tội để ra quyết định thật chính xác, khách quan. Ngoài ra, muốn tranh tụng có hiệu quả cần phải tăng thẩm quyền cho điều tra viên, kiểm sát viên.

Xin cảm ơn ông!

 Theo Xuân Hải

Lao động