1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nhật ký xử vụ FLC: Bị hại muốn được bồi thường số tiền đã mua cổ phiếu ROS

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Tại phiên tòa, nhiều bị hại mong muốn được bồi thường lại số tiền đã mua cổ phiếu ROS thuộc Tập đoàn FLC.

22/7 - Ngày xét xử đầu tiên của phiên tòa sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC kết thúc với phần lớn thời gian dành cho VKS. Hơn 100 trang cáo trạng được công bố trong khoảng gần 5 tiếng đồng hồ.

16h cùng ngày, trước khi HĐXX bắt đầu xét hỏi, chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Vũ Quang Huy - yêu cầu cách ly 3 bị cáo để đảm bảo khách quan, gồm: Ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC), Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC, em gái ruột Trịnh Văn Quyết) và Lê Văn Tuấn (kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội).

Nhật ký xử vụ FLC: Bị hại muốn được bồi thường số tiền đã mua cổ phiếu ROS - 1

Phiên tòa xét xử 50 bị cáo (Ảnh: Công lý).

Những bị cáo "họ Trịnh"

Trong khoảng gần 2 tiếng, HĐXX tập trung xét hỏi những bị cáo thuộc Tập đoàn FLC và các công ty "họ FLC", xoay quanh cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.

Hàng loạt các bị cáo lần lượt đứng lên bục xét hỏi, cùng trả lời những câu hỏi tương đối giống nhau của chủ tọa: "Bị cáo có quan hệ như thế nào với Trịnh Văn Quyết?"; "Bị cáo có góp vốn, có là cổ đông của Tập đoàn FLC?"; "Bị cáo có ký các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần?"; "Bị cáo có được hưởng lợi gì không?"...

Quyết định cách ly anh em Quyết - Huế của chủ tọa là hợp lý bởi một số bị cáo trong đợt xét hỏi này là em gái, con bác ruột... của ông Quyết, đồng thời chịu sự chỉ đạo trực tiếp của cựu Chủ tịch FLC và Trịnh Thị Minh Huế.

Nhật ký xử vụ FLC: Bị hại muốn được bồi thường số tiền đã mua cổ phiếu ROS - 2

Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN).

Một trong số đó là Trịnh Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (cũng là em gái ruột ông Quyết). Nga đau đớn khai nhận về 6 chữ ký dường như bị người em gái - Huế - lừa ký vào các bản hợp đồng mà bản thân Nga thời điểm đó không hề biết nội dung là gì.

Chỉ khi làm việc với cơ quan điều tra, được xác nhận chữ ký là của mình, Nga mới được biết mình đã ký vào các hợp đồng ủy thác nhằm góp vốn khống, nâng vốn khống cho công ty, với giá trị hơn 360 tỷ đồng.

Không những vậy, Nga còn nghe theo lời của em gái, mượn chứng minh thư, thông tin cá nhân của 2 nhân viên trong công ty để Huế mở tài khoản chứng khoán, lập hợp đồng ủy thác đầu tư.

"Bản thân bị cáo Quyết không trực tiếp nhờ nhưng bị cáo hiểu chủ trương là của anh trai", lời khai này của Nga cũng tương tự nhiều bị cáo khác vào chiều cùng ngày.

Trịnh Văn Đại - cựu Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros (họ hàng với ông Quyết) - cho rằng vì anh em Quyết - Huế nhờ vả nên ký các thủ tục nâng khống vốn góp; đứng tên cổ đông, nhận ủy thác đầu tư với số tiền lớn để hợp thức việc nâng khống vốn góp tại Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE để bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư.

Nhật ký xử vụ FLC: Bị hại muốn được bồi thường số tiền đã mua cổ phiếu ROS - 3

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) (Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN).

Trịnh Tuân - cựu Giám đốc Công ty FLC Land (cháu họ Quyết) - khai không phải là cổ đông Công ty FLC Faros, không góp vốn. Tuy nhiên, chữ ký của Tuân xuất hiện trong hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền mua cổ phần trị giá 15 tỷ đồng và một số chứng từ.

Giống Nga, chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra, Tuân mới ngỡ ngàng khi biết bản thân có góp vốn vào FLC Faros.

Tuân cũng không phải ngoại lệ khi trở thành công cụ của Huế trong việc mượn giấy tờ tùy thân thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, từ đó vô tình giúp Huế thao túng thị trường.

Tất cả họ đều có chung một câu trả lời: "Bị cáo không được hưởng lợi gì". Dù vậy, các bị cáo đều nhận thức được hành vi của bản thân, chấp nhận các cáo buộc và chỉ bày tỏ mong muốn được HĐXX xem xét về vai trò, cho hưởng khoan hồng.

Ông Quyết và những nhà đầu tư

Sáng 22/7, ông Trịnh Văn Quyết mặc áo trắng, quần âu màu đen, mái tóc vuốt ngược, đeo trên tay chiếc còng số 8, được cảnh sát áp giải đến phiên tòa. Trông ông Quyết khá già so với thời điểm trước khi bị bắt.

Cách đó chỉ vài chục mét, anh Lê Ngọc Nông (46 tuổi, ở Quảng Nam, một trong những bị hại) đội chiếc mũ lưỡi chai sờn rách bạc màu che đi mái tóc hoa tiêu cùng đôi mắt đầy sự suy tư, đang ngồi theo dõi phiên tòa qua màn hình lớn được TAND TP Hà Nội bố trí ở sân.

Nhật ký xử vụ FLC: Bị hại muốn được bồi thường số tiền đã mua cổ phiếu ROS - 4

Ông Trịnh Văn Quyết sáng 22/7 (Ảnh: Hải Nam).

Là một trong hàng vạn bị hại đầu tư vào những mã cố phiếu bị ông Quyết và đồng phạm thao túng, anh Nông "đánh cược" 30 năm làm lụng tiết kiệm, vay mượn bạn bè, người thân, ngân hàng vào gần 800.000 cổ phiếu FLC, AMD và ROS, với tổng giá trị thời điểm mua là 14 tỷ đồng.

Kết quả, anh Nông phải bán nhà, tài sản để trả nợ, sạt nghiệp và mất trắng. Được triệu tập tới phiên tòa, nhà đầu tư 46 tuổi không dám đi máy bay, buộc phải vay mượn tiền và ngồi 17 tiếng trên tàu từ Đà Nẵng ra Hà Nội, với hy vọng giành lại được quyền lợi, tiền bạc.

Nhật ký xử vụ FLC: Bị hại muốn được bồi thường số tiền đã mua cổ phiếu ROS - 5

Hai nhà đầu tư của ông Trịnh Văn Quyết (Ảnh: H.N.).

Tương tự, một bị hại khác ở Hà Nội cũng đang bị "kẹt" 38.000 cổ phiếu ROS không thể giao dịch. Giá trị của số cổ phiếu trên so với thời điểm khớp lệnh đang "âm 17%". Nhà đầu tư này chia sẻ muốn được bồi thường lại số tiền đã mua ROS theo giá lúc mua vào.

Trong vụ án này, cơ quan công tố xác định 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) ROS là bị hại trong vụ án. Họ đều được gửi giấy triệu tập. Tuy nhiên, sáng 22/7, chỉ có vài chục người đến dự, theo dõi phiên tòa.

Ngày xét xử thứ 2 của vụ án sẽ tiếp tục vào 8h ngày 23/7.