1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nhận 500 triệu đồng “bồi dưỡng”, cựu Phó Giám đốc Sở lãnh án

(Dân trí) - Theo cáo buộc, bị cáo Phúc đã nhận hơn 500 triệu đồng của công ty Hồng Việt, qua đó, “tiếp tay” cho công ty này thực hiện hành vi buôn lậu.

Sau một ngày xét xử, tối 8/6, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Đoàn Văn Phúc (cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên & môi trường tỉnh Bến Tre) mức án 5 năm tù, Trương Văn Em (cựu Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre) 2 năm tù, Trần Thị Thùy Trang (cựu Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm), Trần Thanh Phong (chuyên viên Phòng kiểm soát ô nhiễm - Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh) cùng mức án 1 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nhận 500 triệu đồng “bồi dưỡng”, cựu Phó Giám đốc Sở lãnh án - 1
Bị cáo Phúc (bìa trái) cùng đồng phạm lãnh án.

Liên quan tới vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Tuấn Anh mức án 10 năm tù, Hà Chí Đào mức án 4 năm tù và Trần Thị Hợp (cựu nhân viên công ty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt, Công ty Hồng Việt) 7 năm tù về tội buôn lậu.

Cơ quan điều tra xác giám đốc công ty Hồng Việt "bôi trơn" cho bị cáo Phúc 505 triệu đồng, Em 6 triệu đồng, Trang 5 triệu đồng và Phong 3 triệu đồng.

Trước khi khởi tố vụ án, giám đốc công ty Hồng Việt bị tai nạn qua đời nên cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an không xem xét trách nhiệm hình sự.

Trong phiên tòa buổi sáng, các bị cáo nguyên cán bộ Sở Tài nguyên & môi trường tỉnh Bến Tre đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. Trong đó, bị cáo khai mặc dù biết cơ sở sản xuất của công ty Hồng Việt chỉ mới hình thành trên dự án, không có thiết bị, không có công nghệ tái chế phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất nhưng do biết ông Thiêm nên Phúc ký ban hành giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.

Bị cáo Dương Tuấn Anh khai được giám đốc công ty Hồng Việt giao nhiệm vụ quản lý chung mọi hoạt động của công ty. Mỗi tháng Anh được trả mức lương 20 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra, Anh khai chỉ đạo cấp dưới làm giả hồ sơ để nhập khẩu phế liệu, tuy nhiên tại phiên tòa thì Anh phủ nhận lời khai này. Quá trình làm việc thì bị cáo Anh thấy công ty Hồng Việt không sử dụng phế liệu nhập khẩu để sản xuất mà bán lại cho khách hàng trong nước cần mua phế liệu.

Các bị cáo là nhân viên công ty Hồng Việt khai làm theo chỉ đạo của bị cáo Anh và bản thân các bị cáo chỉ là người làm công ăn lương không được hưởng lợi. Gia đình các bị cáo có hoàn cảnh khó khăn và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Sau phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phúc mức án từ 7 – 8 năm tù, bị cáo Em mức án từ 6 – 7 năm tù, bị cáo Trang 3 – 4 năm tù, bị cáo Phong mức án từ 5 –  6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Về nhóm tội buôn lậu, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tuấn Anh mức án từ  17 – 18 năm tù, bị cáo Hợp từ 13 – 14 năm tù và bị cáo Đào từ 12 – 13 năm tù.

Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho các bị cáo trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo và đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội, không oan sai, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Trong vụ án này, các bị cáo thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn hối cải, có nhân thân tốt.

Đối với các bị cáo nguyên là cán bộ Sở Tài nguyên & môi trường tỉnh Bến Tre đã tự nguyện nộp lại số tiền thu lợi bất chính, quá trình công tác được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen.

Đối với các bị cáo thuộc nhóm buôn lậu, HĐXX cho rằng các bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, phần lớn không được hưởng lợi từ hành vi buôn lậu, gia đình có công với cách mạng, các bị cáo có hoàn cảnh khó khăn nên giảm nhẹ một phần hình phạt.

Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ HĐXX các tuyên phạt các bị cáo mức án như trên.

 Xuân Duy