Nhận 200.000 USD, vì sao ông Chu Ngọc Anh không bị truy tố tội Nhận hối lộ?
(Dân trí) - Theo kết luận điều tra, ông Chu Ngọc Anh không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với Phan Quốc Việt về việc đưa, nhận tiền, không gây khó khăn nhằm mục đích để Phan Quốc Việt phải đưa tiền.
Tại kết luận điều tra vụ sai phạm trong mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 6 bị can về tội Nhận hối lộ, trong đó có ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế), ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương)...
Các bị can bị cáo buộc nhận từ hàng chục nghìn đến vài triệu USD từ Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á).
Trong vụ án, cũng có những bị can nhận tiền từ Việt như ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ), ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ), ông Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý Phó Thủ tướng) nhưng không bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.
Theo kết luận điều tra, ông Chu Ngọc Anh đã nhận 200.000 USD từ Việt. Khi đó, Việt để tiền trong một túi quà màu xanh, đi kèm là một vài hộp khẩu trang và xịt khuẩn.
Khi ra về, Việt mở balo lấy túi màu xanh đưa cho ông Ngọc Anh và nói có chút quà cảm ơn. Cựu Bộ trưởng sau đó cất túi màu xanh vào buồng ngủ phía trong phòng làm việc. Khoảng cuối tháng 9/2020, khi dọn dẹp phòng làm việc tại trụ sở Bộ KH&CN để chuyển đến phòng làm việc tại trụ sở UBND TP Hà Nội, ông Ngọc Anh mới kiểm tra túi quà do Việt đưa nêu trên và thấy có 200.000 USD.
Bộ Công an kết luận, ông Chu Ngọc Anh không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với Phan Quốc Việt về việc đưa, nhận tiền, không gây khó khăn nhằm mục đích để Phan Quốc Việt phải đưa tiền.
Đối với ông Phạm Công Tạc, kết luận điều tra cho biết cựu Thứ trưởng cũng nhận túi quà bên trong có 50.000 USD từ Việt. Tuy nhiên, ông Tạc khai chỉ nhận 100 triệu đồng.
Tương tự ông Ngọc Anh, cơ quan điều tra cũng kết luận ông Tạc không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với Chủ tịch Việt Á về việc đưa, nhận tiền, không gây khó khăn nhằm mục đích để Việt phải đưa tiền.
Cũng giống 2 bị can trên, ông Nguyễn Văn Trịnh bị cáo buộc nhận 200.000 USD từ Phan Quốc Việt nhưng cựu trợ lý Phó Thủ tướng không bàn bạc, thỏa thuận với Việt về việc đưa, nhận tiền, cũng như không gây khó khăn nhằm mục đích để Chủ tịch Việt Á phải đưa tiền.
Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố ông Ngọc Anh và ông Tạc cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; ông Trịnh bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo kết luận điều tra, Phan Quốc Việt đã chi tiền "cảm ơn" cho các cá nhân:
Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ) 200.000 USD;
Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ) 200.000 USD;
Phạm Công Trạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) 50.000 USD.
Ngoài ra, Bộ Công an xác định Phan Quốc Việt còn đưa hối lộ cho các ông:
Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) 2,25 triệu USD;
Nguyễn Huỳnh (thư ký của ông Long) 4 tỷ đồng;
Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế) 300.000 USD;
Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó Vụ KH-CN) 350.000 USD;
Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế) 100.000 USD
Tổng số tiền Việt đưa hối lộ là 3 triệu USD (tương đương hơn 68 tỷ đồng) và 4 tỷ đồng.
Kết luận điều tra của Bộ Công an xác định, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ và Bộ Khoa học Công nghệ giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Với mục đích để Việt Á chiếm đoạt, biến kit test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, Việt đã thông đồng, câu kết với nhiều cá nhân, lãnh đạo Bộ, địa phương để Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức test xét nghiệm Covid-19.
Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit xét nghiệm cho Bộ Y tế, Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/test không có căn cứ.
Bộ Y tế sau đó kiểm tra giá hiệp thương, xác định Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị xử lý, dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng mức giá trên, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương.
Trong 2 năm, Việt Á đã sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, đã bán/tặng/ứng trước hơn 8,3 triệu kit test và được thanh toán gần 6 triệu kit test (tương đương hơn 2.257 tỷ đồng). Đối chiếu với chi phí thực để sản xuất một kit test (143.461 đồng), Bộ Công an xác định số tiền Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.235 tỷ đồng.